Khát vọng lớn của doanh nhân Việt nhìn từ Viettel, Vingroup và Bkav

Kiều Mai - 20:16, 09/08/2019

TheLEADERViettel, Vingroup hay Bkav đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động, ngày càng "nghĩ lớn" để "đi ra biển lớn".

Trong quyển sách “Nghĩ lớn để thành công”, ông Donald Trump khi ấy còn là doanh nhân đã nói: “Kinh nghiệm đã chứng minh cho tôi thấy rõ rằng khi dám nghĩ lớn, nhất định ta sẽ thành công”.

Vị tổng thống đương nhiệm thứ 45 của nước Mỹ cũng từng cho rằng: “Đã mất công nghĩ, tại sao bạn không nghĩ lớn?”.

Từng thua lỗ và nghĩ rằng mình là người nghèo nhất thành phố, thậm chí còn nghèo hơn cả những người ăn xin, người đàn ông ấy thay vì thất vọng đã nghĩ lớn để lội ngược dòng thành công.

Rất nhiều người đã tỏ ra kinh ngạc khi ông Trump ra ứng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 45. Trong sự hoài nghi và ngờ vực, ông đã kiên định tiến lên và chiến thắng với khẩu hiệu “Make America Great Again”.

"Trở lại Việt Nam, tôi thấy rằng giới doanh nhân Việt cũng đang ngày càng nghĩ lớn", ông Phạm Kông Trường, chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp của ActionCOACH Doanh chủ, đơn vị thuộc thương hiệu huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu thế giới ActionCOACH chia sẻ với TheLEADER.

"Tôi có may mắn được biết về một doanh nhân, một nhà chính trị luôn nghĩ cực lớn, đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, người từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel". 

Khát vọng lớn trong doanh nhân Việt nhìn từ Viettel, Vingroup và BKAV
Ông Phạm Kông Trường (phải) là chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp, có kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại các tập đoàn cũng như cố vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn.

Ông Trường nhớ lại khi Viettel còn mang tiếng sống ký sinh trên hạ tầng mạng VNPT và được nhận định có thể bị “bóp chết” bất kỳ lúc nào, ông Hùng khi đó là phó giám đốc vẫn rất tự tin hoàn toàn “có cửa” và nghĩ rất lớn với phương châm “lấy nông thôn vây thành thị”.

Tại thời điểm đó, VNPT coi mạng di động là “đồ quý tộc”, chỉ dành cho số ít người có tiền nên đã bỏ ngỏ hoàn toàn thị trường nông thôn và dân nghèo thành thị. Ở Hà Nội, khi đi ra đến Xuân Mai là điện thoại đã “tò tí te”.

Khi Viettel bắt đầu nổi lên và đe dọa VNPT trong nước năm 2004, ông Hùng đã nghĩ đến việc đi ra chinh phục thị trường nước ngoài.

Năm 2009, Viettel đã khai trương mạng Metfone tại Cam-pu-chia và cho đến nay, Viettel đã có mặt ở hơn 10 nước thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

"Một hình ảnh rất vui thường thấy là khi họp giao ban tuần của Tập đoàn Viettel thì sẽ là cuộc họp của 800 điểm cầu truyền hình với khoảng 2.000 người trên toàn cầu ở mọi múi giờ khác nhau", vị chuyên gia cho biết. 

Khi Viettel bắt đầu đi ra nước ngoài, lãnh đạo Viettel đã nghĩ đến chuyện phải lọt vào Top 10 nhà mạng lớn nhất thế giới vào năm 2025.

Giờ đây, khi ở vị trí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, "anh Hùng thực sự là nhà lãnh đạo lớn, nhạc trưởng thúc đẩy, truyền cảm hứng, tầm nhìn để giới công nghệ Việt Nam nhanh chóng tiến lên". 

Nổi tiếng và có quy mô lớn trong các tập đoàn tư nhân Việt hiện nay không thể không kể đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup  - người đã gây ngạc nhiên rất lớn khi dẫn dắt tập đoàn này theo tầm nhìn vĩ đại và khát vọng lớn lao của mình.

Trở về Việt Nam, ông Vượng tham gia vào thị trường du lịch và bất động sản cao cấp với hai thương hiệu là Vinpearl và Vincom. Chỉ trong vài năm, tập đoàn này đã nhanh chóng trở thành nhà cung cấp dịch vụ bất động sản hàng đầu trong nước.

Vài năm qua, Vingroup tiếp tục “đánh chiếm” hàng loạt lĩnh vực quan trọng như bán lẻ, giáo dục, y tế và nông nghiệp.

Không dừng lại ở đó, với tầm nhìn to lớn, Vingroup đang chuyển mình thành tập đoàn kinh doanh đa ngành và quyết định dấn thân vào lĩnh vực công nghệ. Hẳn là mọi người đều ngạc nhiên khi thấy Vingroup không “an phận” trong những gì đạt được.

Ông Vượng có thể hoàn toàn hài lòng với những gì mình đã có nhưng ông đã chọn nghĩ lớn. Việc nhảy vào lĩnh vực sản xuất ô tô và điện thoại di động - những lĩnh vực cực khó với nhiều rủi ro khiến không ít người xôn xao.

Khát vọng lớn của doanh nhân Việt nhìn từ Viettel, Vingroup và Bkav 1
Sự mở rộng của Vingroup sang lĩnh vực sản xuất ô tô (VinFast) và điện thoại thông minh (Vsmart) khiến nhiều người bất ngờ.

Chưa hết, Vingroup còn được cho là đang chuẩn bị “nhảy” vào lĩnh vực hàng không khi Công ty CP Vinpearl Air xuất hiện mới đây.

"Nhìn lại hành trình của Vingroup, tôi thấy rõ một khát vọng mãnh liệt, một tầm nhìn to lớn của sự chinh phục và tiến lên không ngừng nghỉ, đúng như slogan 'Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp', mạnh mẽ phát triển để tiến ra toàn cầu", ông Trường nhận định. 

Theo vị chuyên gia này, các nhà lãnh đạo lớn thường có những đặc điểm rất khác biệt và hào quang từ họ tỏa ra hết sức lớn. Chủ tịch tập đoàn công nghệ Bkav Nguyễn Tử Quảng là một con người như vậy.

Ông Quảng đã rất nổi tiếng từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước ngay khi còn là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội với phần mềm diệt virus. "Là một sinh viên cùng trường sau anh hai khóa, tôi hiểu rõ điều đó", ông Trường nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Quảng được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, khoa Công nghệ Thông tin, tiếp tục nghiên cứu Bkav và các chương trình khác.

Đáng lẽ ra như rất nhiều giáo viên khác, anh đã có thể “an phận” làm giảng viên tại Đại học Bách Khoa danh tiếng nhưng ông Quảng đã không đi theo lẽ thường.

Năm 2005, sau 10 năm cung cấp miễn phí, Bkav chính thức được thương mại hóa. Từ đó, mọi lỗi nhỏ của sản phẩm cũng như những phát ngôn của ông Quảng thường chịu cái nhìn khắt khe của cộng đồng mạng cũng như giới truyền thông.

Hầu hết mọi người đều biết rõ về “cú chơi lớn” của ông Quảng khi quyết định tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh (điện thoại thông minh) năm 2009, cho rằng đây là cơ hội đối với Bkav để trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Cuối tháng 5/2015, tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, ông Quảng đã lên sân khấu để trình bày về sản phẩm Bphone 1.

Câu chuyện đã trở thành đề tài nóng, không chỉ được bàn tán trên mạng xã hội mà còn được mang ra nói chuyện trong cuộc họp nội bộ Tập đoàn Viettel. Ngay cả những tập đoàn lớn như Viettel, VNPT vì lý do gì đó cũng chưa thể làm nổi như Bkav tại thời điểm đó dù nguồn lực lớn hơn rất nhiều.

Khát vọng lớn trong doanh nhân Việt nhìn từ Viettel, Vingroup và BKAV 2
Ông Nguyễn Tử Quảng tại buổi ra mắt điện thoại Bphone 2.

Trong lần chia sẻ tại một hội thảo tại Hà Nội, người đứng đầu Bkav nói: “Sứ mệnh của Bkav là tạo ra nền sản xuất, công nghiệp sản xuất smartphone cho Việt Nam. Tôi muốn tạo ra hình mẫu rằng người Việt Nam có thể phát triển bằng chất xám, trí tuệ thay vì bám vào tài nguyên thiên nhiên. Nếu như tôi thành công, đấy sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp, bạn trẻ khởi nghiệp, mạnh dạn cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu”.

"Đó thực sự là suy nghĩ lớn của một doanh nhân lớn, một người dám nghĩ dám làm", ông Trường đánh giá. 

Dù rằng sản phẩm chưa thực sự chiếm được thị phần từ thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt và bị chi phối bởi những ông lớn như Samsung, Apple, Huawei và Oppo, nhưng Bkav vẫn đang kiên trì và có niềm tin lớn Bphone sẽ chinh phục được thị trường trong thời gian tới.

Ông Quảng luôn suy nghĩ lớn và đau đáu về việc Việt Nam hoàn toàn có thể có những sản phẩm hàng đầu thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với những tập đoàn hàng đầu thế giới.

"Tôi hy vọng các ông chủ lớn Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Tử Quảng cũng như rất nhiều ông chủ nghĩ lớn khác vững tay chèo lái con tàu doanh nghiệp của mình nhanh chóng thành công và đi ra biển lớn", ông Trường bày tỏ.