Khi ngân hàng khuyên doanh nghiệp 'cố gắng đừng kêu'

Đặng Hoa - 08:00, 06/04/2020

TheLEADERChủ doanh nghiệp là người hiểu rõ vấn đề của công ty nhất nên họ cũng chính là người có khả năng tốt nhất trong việc nhanh chóng cứu doanh nghiệp vượt ra khỏi khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra hiện nay.

Khi ngân hàng khuyên doanh nghiệp 'cố gắng đừng kêu'
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động tìm cách để vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19

Không dễ tiếp cận được các gói hỗ trợ

Gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước tung ra đầu tháng 3/2020 được các doanh nghiệp kỳ vọng như một chiếc phao cứu sinh khi đang phải đối mặt với cửa tử mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc tiếp cận gói hỗ trợ này không hề dễ dàng nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). 

Khi nghe đến gói tín dụng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods đã rất mừng vì đơn hàng có, nguyên liệu có nhưng lại đang thiếu vốn để đẩy sản xuất. Tuy nhiên, khi tìm đến ngân hàng, ông lại nhận được lời khuyên là “cố gắng đừng kêu”, vì nếu đưa vào diện giãn nợ sẽ vô hình trung trở thành nợ xấu, sẽ thành "vết" trong hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện nay đều rất thận trọng, có tâm lý lo sợ không dám cho vay.

“Con số 250 nghìn tỷ đồng, tôi tin là rất khó để xuống với các doanh nghiệp, còn nằm đâu đó, có đến thì cũng rất lâu. Dịch Covid-19 lây lan rất nhanh nhưng chính sách hỗ trợ, đặc biệt về vốn lại rất chậm. Nhiều doanh nghiệp đang phải vay tín dụng đen với lãi suất 3 - 5 nghìn đồng/triệu/ngày”, ông Hùng nói.

Theo ông Hoàng Hải Âu, Chủ tịch Hoanggia Media Group kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ CEO - Chìa khoá thành công, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng linh hoạt rất tốt nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn non trẻ và nguồn lực hạn chế, việc linh hoạt chỉ có thể diễn ra lúc còn nguồn lực. Do đó, doanh nghiệp ở Việt Nam phải tự thân vì các gói hỗ trợ sẽ không thể đến với doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách nhanh chóng.

Thậm chí, ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á Thái Bình Dương còn cho rằng, các gói hỗ trợ chưa chắc có thể đến tay doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. “Không thể dựa vào Chính phủ hay bất kỳ một ai, chỉ bạn hiểu bạn cần làm gì”, ông Robert Trần nhấn mạnh tại buổi mạn đàm CEO Chìa khoá thành công với chủ để vượt qua khủng hoảng.

Có cùng quan điểm, GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Stellar Management chỉ ra, nhiều chủ doanh nghiệp tìm đến các sự kiện, chuyên gia với mong muốn các chuyên gia, diễn giả sẽ đưa ra lời giải cho doanh nghiệp của mình. Thế nhưng đó là một hiểu lầm lớn vì không ai giải quyết vấn đề của doanh nghiệp bằng chính người chủ doanh nghiệp - người thấu hiểu doanh nghiệp hơn ai hết.

Hãy giữ vững niềm tin để nỗ lực tự xoay xở

Theo GS. Hà Tôn Vinh, với các doanh nghiệm nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lên đến 98% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam thì tác động của dịch Covid-19 là có nhưng không phải không khắc phục được.

Khủng hoảng lớn nhất với doanh nghiệp theo ông Vinh là khủng hoảng niềm tin, bởi mất niềm tin là mất tất cả. Nếu nghĩ rằng còn nước còn tát và còn ánh sáng cuối đường hầm thì doanh nghiệp sẽ nỗ lực tìm mọi phương án để tồn tại.

“Điều quan trọng lúc này là không nên hoảng loạn vì lịch sử cho thấy, dịch nào đến rồi cũng qua. Cũng không được đánh mất niềm tin vào chính mình, vào khả năng lãnh đạo doanh nghiệp cũng như niềm tin vào công ty và nỗ lực của Chính phủ. Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc bảo vệ người dân”, ông Vinh nói.

Khủng hoảng lớn nhất với doanh nghiệp là khủng hoảng niềm tin. Mất niềm tin là mất tất cả.
GS. Hà Tôn Vinh
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Stellar Management

Theo vị giáo sư này, không ai ứng phó khủng hoảng tốt hơn bằng chính lãnh đạo doanh nghiệp vì lãnh đạo là người biết rõ nhất về tình hình doanh nghiệp. Cần nhìn thẳng vào sự thật, soi mình trong gương, tìm kiếm và thực hiện các biện pháp cần thiết trước mắt để tồn tại.

“Có những doanh nghiệp chỉ trong một thời gian ngắn đã thay đổi rất nhiều từ phương pháp đến sản phẩm và cách thức làm việc với mong muốn không chỉ tồn tại mà còn có thể lớn mạnh hơn trong tương lai vì ánh sáng cuối đường hầm luôn là điều họ muốn đạt được”, ông Vinh cho biết.

Trước những khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vị chủ tịch của Nafoods trong một cuộc họp trực tuyến do Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam tổ chức cho biết, Nafoods đã bình tĩnh họp ban lãnh đạo và đưa ra kế hoạch vượt qua khủng hoảng.

Doanh nghiệp này liên tục truyền thông thông điệp từ người có vị trí cao nhất của cả hệ thống, cũng như cập nhật thông tin và tập hợp sáng kiến từ cán bộ nhân viên công ty. Ông Hùng nhấn mạnh, lãnh đạo không chỉ nói mà phải làm thường xuyên để các thành viên công ty, từ ban điều hành đến cán bộ cấp trung và nhân viên thấu hiểu, tin tưởng.

Thông điệp trọng tâm của doanh nghiệp này là “Nafoods là pháo đài và tất cả nhân viên là chiến sỹ”. Ông Hùng nhận định, điều có thể ảnh hưởng rất lớn là tâm lý sợ sệt của mọi người nên việc đầu tiên cần làm là thổi niềm tin và nhiệt huyết cho cả hệ thống.

Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra, đích thân Chủ tịch Nafoods gửi thư hoặc gọi điện cho khách hàng trên khắp thế giới và nhà cung cấp (chủ yếu là người nông dân) để họ chia sẻ, thấu hiểu với khó khăn chung và cảm thấy hoàn toàn yên tâm.

Doanh nghiệp này cũng đảm bảo an toàn cho người lao động trong mùa dịch bằng việc thực hiện nghiêm túc quy trình khử khuẩn, rửa tay, đo nhiệt độ và lắp đặt các buồng khử khuẩn tại công ty.

Về sản xuất, Nafoods phát động chiến dịch sản xuất, động viên, khích lệ tinh thần với các chính sách lương, thưởng để dù có những bộ phận làm việc ở nhà hơn ba tuần qua nhưng vẫn hiệu quả.

Doanh nghiệp phải tự cứu mình trong khủng hoảng Covid-19 1
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods

Về dòng tiền, theo ông Hùng, Nafoods cũng phải cân đối với các khoản vay của ngân hàng và doanh thu từ các đối tác. Nhà cung cấp nào cần gấp thì Nafoods thanh toán trước. Đồng thời, tiếp tục làm việc với các đối tác, nhiều khách hàng ở châu Âu, Thuỵ Sĩ hay Mỹ để họ chia sẻ và cho ứng thêm tiền.

Chủ tịch Nafoods cho biết đã vạch ra kế hoạch hoạt động trong mùa dịch này, cho dù là những chi tiết nhỏ nhất. Ông xác định với toàn bộ hệ thống, đây không phải là thời điểm để nghỉ mà thậm chí là làm nhiều hơn bình thường. Trong quý 1/2020, sản lượng của doanh nghiệp này tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và đang đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng trong quý 2/2020.

Tuy nhiên, cần lưu ý, không hoảng loạn và không để mất niềm tin không đồng nghĩa với việc chủ quan. Như ông Lê Phụng Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty USIS Group nhận định, quan trọng nhất với các doanh nghiệp là vấn đề dự báo để đưa ra các kịch bản ứng phó. Ông Hào nhấn mạnh câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam “phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi, phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra”.

Từ ngày đầu quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, ban lãnh đạo của Hoanggia Media Group đã ngồi họp đánh giá và dự đoán tình hình dịch bệnh, xây dựng các cấp độ và kịch bản khác nhau để đưa ra các biện pháp tương ứng. Ông Âu cho biết, doanh nghiệp này đã sớm thực hiện cách ly từng bộ phận, giữa tháng 2/2020 cho đóng gói sản xuất tất cả chương trình và bắt đầu áp dụng hình thức làm việc tại nhà từ đầu tháng 3/2020. Hiện nay, toàn bộ dụng cụ, máy móc đang được đặt tại nhà riêng của ông Âu và chính ông có thể trực tiếp sản xuất trong trường hợp cần. Chủ tịch Hoanggia Media Group cho biết, đến nay, các diễn biến đã diễn ra đúng với lộ trình dự đoán.

Ông Hào cũng lưu ý, doanh nghiệp phải kiểm soát bản chất các khoản chi phí vì số liệu có thể không chính xác, đang kinh doanh tốt lại có thể dẫn đến một quyết định sai lầm trong tình hình hiện nay. Nếu không có báo cáo tài chính tốt thì phần chi phí đập vào mắt doanh nghiệp lúc khó khăn sẽ là lương nhân viên, điều này rất nguy hiểm vì không có con người thì doanh nghiệp không kinh doanh sản xuất được, cắt một người thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều người.

Nếu doanh nghiệp gặp khó buộc phải giảm lương thì cần có cơ chế thưởng doanh số bù vào phần lương bị giảm, để nhân sự có thể bung ra tìm kiếm khách hàng cho doanh nghiệp thay vì bị “nén” lại.