Diễn đàn quản trị
Hai mặt của đại dịch Covid-19
Nhìn từ một góc độ tích cực, chuyên gia huấn luyện và đào tạo phân phối, quản lý bán hàng Đỗ Xuân Tùng cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ mang lại một sự thay đổi rất lớn về tư tưởng kinh doanh, tất cả sẽ phải đi theo hướng chắc chắn, tử tế và bền vững thay vì làm giàu theo kiểu chộp giật, trào lưu.
Ông nhận định như thế nào về những tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường tiêu dùng?
Ông Đỗ Xuân Tùng: Xét về những ảnh hưởng mang tính nhãn tiền, có thể nói, từ các đại gia đến các công ty vừa và nhỏ đều bị ảnh hưởng khi nhiều nguồn lực chủ yếu đến từ Trung Quốc, bao gồm nguồn tiền, công nghệ và nguyên liệu cho sản xuất. Hơn nữa, đây là thời điểm người tiêu dùng hạn chế ra đường, tụ tập nơi đông người nên số lượng hàng hoá mua bán cũng giảm đi.
Còn về ảnh hưởng sau này của đại dịch Covid-19 thì tôi lại đánh giá tốt vì thị trường sẽ được tái định hình, cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng đều hướng đến những sản phẩm chất lượng, người bán không chỉ biết chạy theo lãi và người mua cũng sẽ không chạy theo hàng rẻ.
Trong năm nay, kinh tế Việt Nam có thể đi xuống một chút nhưng đây sẽ là thời điểm chuyển đổi cho thế hệ tiếp theo với một sự dịch chuyển về quan điểm của con người trong kinh doanh. Từ bỏ lối làm ăn chộp giật, bừa bãi và chỉ biết chạy theo trào lưu để làm ăn chắc chắn, tử tế hơn.
Ông có thể phân tích cụ thể về ảnh hưởng tích cực này?
Ông Đỗ Xuân Tùng: Khi nguồn hàng từ Trung Quốc về thị trường Việt Nam thường xuyên, chưa bị chặn đứng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những người bán hàng online thường rất ẩu trong làm ăn và thậm chí là làm ăn kiểu bừa bãi. Giá trị nhập về một đồng thì bán ra mười đồng, có khi khuyến mãi đến năm đồng. Và cuối cùng, cả người bán và người mua đều bị cuốn vào cuộc chơi đó; một bên thấy rẻ, một bên thấy lãi.
Nếu thực trạng đó tiếp diễn, về sau sẽ tạo ra một thế hệ doanh nhân cực kỳ ẩu, có suy nghĩ về kinh doanh quá đơn giản là đi kiếm nguồn hàng rẻ và chất lượng để bán. Trong khi họ không hề hiểu là hai yếu tố đó không thể tồn tại song song ở bất kỳ mặt hàng nào!
Họ không tính toán gì đến yếu tố thị trường mà chỉ biết tính toán xem thu được lợi nhuận bao nhiêu, nên đổ bao nhiêu tiền cho chạy quảng cáo. Điều này sẽ ảnh hưởng cực kỳ lâu dài đến giới trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, tư tưởng đó không thể tồn tại mãi được. Nhìn kỹ vào quy luật của thị trường sẽ thấy, ở những nước phát triển ổn định như châu Âu hay Mỹ, bao giờ cũng thế, ban đầu có thể tính toán câu chuyện thu lãi cao nhưng sau đó phải tập trung vào chất lượng của hàng hoá.
Thành ra trong thời gian tới, nếu đại dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu thì mô hình bán hàng online sẽ phá sản, nhiều người sẽ bỏ bán hàng online và quay trở lại đi nghiên cứu thị trường, tìm kiếm công việc bán hàng offline và tiếp thị qua điện thoại (telesales).
Nếu như ông nói, người bán hàng online kiếm được hàng vừa rẻ, vừa chất lượng để bán thì há chẳng phải vừa có lợi cho người bán, vừa có lợi cho người mua hay sao?
Ông Đỗ Xuân Tùng: Nguồn hàng từ Trung Quốc về được chia làm hai loại. Một loại mà hầu hết chúng ta đều biết là hàng giả, hàng nhái. Còn một loại thứ hai là hàng thật có chất lượng được sản xuất ở Trung Quốc nhưng bán ra với giá rất rẻ.
Khi còn làm việc ở công ty cũ, có một người Trung Quốc từng gặp tôi đưa ra mức giá bằng 1/5 so với mức giá mà chúng tôi sản xuất ở Việt Nam. Tôi nghe xong giật mình, tưởng hàng giả, nhưng kiểm tra lại mới biết đó chính là hàng thật.
Trong sản xuất luôn có trường hợp đề phòng rủi ro dựa vào biên độ sai hỏng. Chẳng hạn, nếu biên độ sai hỏng là 1% thì ở Việt Nam sẽ chỉ giữ lại một đơn vị để phòng rủi ro vì chỉ sản xuất 100 đơn vị; trong khi ở Trung Quốc sản xuất số lượng lớn đến hàng vạn nên sẽ giữ lại 100 đơn vị.
Tuy nhiên, nhờ công nghệ hiện đại nên rủi ro cũng đã được hạn chế, 100 đơn vị dự phòng đó lại không được phép lưu thông ở thị trường Trung Quốc. Lúc này, thay vì tiêu huỷ hoặc phá để lấy nguyên liệu cho chu trình sản xuất tiếp theo, nguồn hàng này được bán cho dân buôn Việt Nam với giá rất thấp.
Như vậy, thị trường Việt Nam sẽ bị nhiễu loạn thông tin, khiến người tiêu dùng cho rằng những sản phẩm chất lượng tốt và giá rẻ đều xuất phát từ loại thứ hai. Cái nguy hiểm là trong quá trình khuyến mãi và giảm giá quá nhiều, hàng Trung Quốc bị đánh đồng với hàng Nhật, hàng Mỹ, nên hàng Nhật, Mỹ vào Việt Nam lâm vào hoàn cảnh phải nâng giá lên để giảm giá. Điều này khiến niềm tin người tiêu dùng bị mất, giá tiền của những sản phẩm đến từ châu Âu, Nhật, Mỹ vốn dĩ đã đắt lại tiếp tục bị đội lên.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ của hai loại sản phẩm, một là hàng nhái, hàng giả, hàng đểu và hai là nguồn hàng đề phòng cho sản xuất hỏng. Điều này vô hình chung khiến Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ những sản phẩm bỏ đi của Trung Quốc.
Ảnh hưởng về mặt tích cực của Covid-19 như ông nói đã diễn ra hay chưa, thưa ông, khi đến nay Việt Nam đã ghi nhận 44 ca nhiễm?
Ông Đỗ Xuân Tùng: Hơn một tháng trước khi hai phía Việt Nam và Trung Quốc đóng cửa nhiều cửa khẩu, chợ biên giới,… do bệnh dịch khiến nguồn hàng từ Trung Quốc bị chặn đứng, một câu chuyện đùa cũng lập tức xuất hiện trên Facebook là ‘đóng cửa biên giới với Trung Quốc thì ngay lập tức nguồn hàng từ Hàn với Nhật cũng biến mất’.
Tôi nói mô hình bán hàng online sẽ ảnh hưởng lớn vì có tới hơn 90% người bán hàng online bán hàng Trung Quốc nhập lậu giá rất rẻ, chỉ có một số lượng rất ít bán hàng có giấy tờ đàng hoàng.
Nếu nhập vào với giá rất rẻ và bán ra giá rất cao thì liệu những cá nhân, doanh nghiệp trước đây bán hàng online có phá sản hay không khi nguồn lợi trước nay thu về đã quá lớn?
Ông Đỗ Xuân Tùng: Nhiều người đầu tiên chỉ bán hàng online mang tính cá nhân nhưng học được những chiêu trò quảng cáo trên mạng, thấy lời quá nên bắt đầu lập công ty, mở ra kho bãi khắp nơi, mở rộng văn phòng, thuê hàng nghìn nhân viên.
Có những người tôi biết thậm chí chạy được đến hàng chục ngàn sản phẩm vì biên lợi nhuận rất cao. Nếu theo cách tính của dân buôn ở Trung Quốc thì nhập một bán ba, còn ở Việt Nam mua về chỉ một đồng nhưng bán ra tới 15 đồng, trong đó có bảy đồng chạy quảng cáo. Lúc này, những người bán hàng online ở quy mô nhỏ hoặc cấp trung sẽ không ảnh hưởng quá nhiều, bán nốt đợt cuối cùng thu hồi vốn là xong.
Còn những ai háo danh làm to, không thực tế, sẽ dễ gặp nguy hiểm về tài chính, chủ yếu vì câu chuyện thuê mặt bằng và chạy quảng cáo.
Vậy theo ông, thị trường sắp tới sẽ diễn biến như thế nào?
Ông Đỗ Xuân Tùng: Một loạt các công ty bán hàng online sẽ phải dừng lại hoặc phá sản, số lượng người được tuyển dụng đi bán hàng kênh telesales và offline sẽ tăng lên.
Thực ra, hiện tượng này đã từng xảy ra rồi. Năm 2018 có hiện tượng bắt trend (xu hướng) của dân bán hàng online. Cứ có xu hướng mới là nhảy vào bán được 1-2 tháng rồi giải tán. Đó là những người thích tự xưng là doanh nhân, bề ngoài trông rất bóng bẩy, nhiều tiền nhưng doanh nghiệp của họ bên trong cứ như “rỗng ruột”, chỉ một biến động nhỏ trong nhu cầu thị trường là “sụp đổ”.
Có những người tới gặp tôi, xin học nghề bán hàng vì xu hướng không còn nữa, vài ngày sau thì lại bỏ học vì xu hướng mới xuất hiện, rồi sau đó vài tuần lại xin đi học lại!
Khi các nguồn hàng này bớt đi, thứ nhất, người tiêu dùng Việt được tiếp cận với những sản phẩm chất lượng hơn khi thị trường được chuyển hướng sang nhập các nguồn hàng đến từ châu Âu, Mỹ.
Thứ hai, người kinh doanh sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về công việc của mình, không thể tồn tại theo cách cũ được. Ý thức dần được điều chỉnh theo hướng chuẩn chỉ hơn, kinh doanh đúng mực và có đạo đức hơn vì lúc đấy sẽ phụ thuộc vào ngành hàng của nước Âu, Mỹ vốn chuyên nghiệp, có tiêu chuẩn cao.
Sự chuyên nghiệp mà ông nói ở đây bao gồm những yếu tố nào, thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Tùng: Chuyên nghiệp về phía doanh nghiệp là phải đo được nhu cầu tiêu dùng của thị trường, lượng hoá các yếu tố tiêu dùng và truyền thông chính xác về công dụng, chất lượng hàng hoá. Triển khai kế hoạch kinh doanh theo đúng định hình chiến lược nhất định. Nhu cầu thị trường luôn có nhưng quan trọng là phải có chiến lược.
Về phía người tiêu dùng, khái niệm chuyên nghiệp là họ hiểu rõ sản phẩm, biết thông tin chung cả ở nước ngoài lẫn ở Việt Nam để có lựa chọn thông minh!
Mô hình bán hàng online của các doanh nghiệp phương Tây được sắp xếp rất bài bản. Họ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu rất kỹ về hành vi người tiêu dùng, trao đổi với đội bán hàng, tương tác với người tiêu dùng, phải đo trước, có dự báo rồi mới làm và vừa làm vừa điều chỉnh.
Còn ở Việt Nam, đa phần chỉ chạy thử quảng cáo, thấy tốt rồi tiến hành luôn mà không quan tâm đến câu chuyện trải nghiệm khách hàng, cũng không quan tâm đến lý do đằng sau khiến người tiêu dùng muốn mua hoặc không muốn mua sản phẩm.
Vậy xu hướng chuyển sang kinh doanh online đang được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây là gì?
Ông Đỗ Xuân Tùng: Bên cạnh các kênh bán hàng offline, các doanh nghiệp sẽ tính toán đưa hàng lên các nền tảng online. Đó sẽ là nơi kinh doanh những loại hàng có chất lượng.
Tuy nhiên, thực trạng quảng cáo online tràn lan nhằm mục đích bán hàng sẽ dừng lại trong thời gian tới vì thứ nhất là khó tiếp cận khách hàng hơn, thứ hai là niềm tin của người tiêu dùng vào quảng cáo ngày càng giảm khi mỗi ngày họ gặp vô vàn sản phẩm, cái nào cũng được phóng đại về công năng, tính dụng. Quảng cáo về sau sẽ cần phải tập trung nhiều hơn vào chất lượng nội dung mới hy vọng thu hút được khách hàng.
Xin cảm ơn ông!
Vi rút corona phơi bày lỗ hổng quản trị doanh nghiệp Việt
Chủ tịch Tập đoàn Masan: Chống dịch Covid-19, nếu sợ hãi sẽ thua cuộc
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang so sánh cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay giống như một đội bóng đang thi đấu trận quan trọng, nếu sợ hãi sẽ thua cuộc.
Covid-19 ép chủ nhà giảm giá thuê mặt bằng bán lẻ
Với tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, chuyên gia dự báo giá thuê mặt bằng bán lẻ sẽ sụt giảm trong những tháng tới.
Covid-19 phủ mây đen lên ngành hàng không Việt Nam
Cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh.
Xoay xở vận hành doanh nghiệp mùa dịch Covid-19
Tuỳ vào đặc thù loại hình doanh nghiệp, lãnh đạo các công ty đã lựa chọn cách thức vận hành trong mùa dịch Covid-19. Trong đó, hình thức làm việc từ xa đang dần trở nên phổ biến.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.