Không phải tiền bạc hay địa vị, đẳng cấp và quyền hành thực sự của một lãnh đạo nằm ở yếu tố này

Đỗ Xuân Tùng* - 13:29, 03/06/2018

TheLEADERBuông bỏ để tự động có được quyền lực tối cao, đó mới là đẳng cấp cao nhất.

Không phải tiền bạc hay địa vị, đẳng cấp và quyền hành thực sự của một lãnh đạo nằm ở yếu tố này
Điều gì làm nên đẳng cấp của một lãnh đạo?

Một bình luận rất hay tôi từng gặp trong bài viết của mình, "Sếp của Tây thì dành lấy cơ hội để phục vụ, còn sếp của Ta thì coi đó là dịp thể hiện oai phong của bản thân!". Quả thật, lâu nay, chữ QUYỀN đi đôi với chữ HÀNH, nếu không muốn nói là bị lấn lướt!

Việc dễ nhất khi có quyền lực trong tay là chúng ta dùng nó. Nhưng chính vì mới chạm tay vào, mà đã tìm cách dùng, nên thường ta có xu hướng sử dụng nó một cách quá đà. 

Cảm giác nói chung giống việc một kiếm sĩ múa may thanh gươm thật lần đầu mình được đụng tới. Rất dễ anh ta làm bị thương chính mình do học nghệ chưa tinh và cũng vì một chuyện rất buồn cười là chưa quen với thanh gươm mới!

Trong thực tế, những tay lão luyện thường có dấu hiệu thong thả gần giống như chậm chạp khi lên các chức vị cao. Không phải vì họ lúng túng không biết dùng nó thế nào, mà là đúng như khi lần đầu cầm một thanh gươm sắc, họ phải từ từ kiểm tra xem nó thuộc loại gì, nặng bao nhiêu, có lưỡi dài bao nhiêu, đốc gươm cho tới mũi có dấu hiệu gì.

Kiểm tra, xem ngắm là để rồi phát hiện ra hết mọi công dụng lẫn những gì cần lưu ý khi sử dụng nó. Thường thì họ còn xem cả môi trường xung quanh mà họ có thể sử dụng trước khi vung nó lên lần đầu tiên. Khi đã chắc chắn về mọi thứ liên quan, họ dùng nó có lý do và có mục đích rõ ràng, ấn định hẳn hoi sự nỗ lực và kỹ năng cần tới.

Không phải tiền bạc hay địa vị, đẳng cấp và quyền hành thực sự của một lãnh đạo nằm ở yếu tố này
Đỗ Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và đào tạo Nhân Việt

Trong thang năng lực của lãnh đạo do John C. Maxwell đề xuất và hiện đang được sử dụng tại rất nhiều công ty, tập đoàn lớn, ở bậc cao nhất, mức 5 là sự kính trọng.

Đó là khi người sở hữu quyền lực ở cấp độ đó quy phục được người đi theo. Họ kính trọng ông ta vì những thành tựu mà ông ta đã đạt được, do năng lực hiện có của ông ta, và thậm chí cả ở tính cách siêu quần bạt chúng mà ông ta sở hữu. Đến mức mà chỉ cần nghe ông ta hiệu triệu là có thể đi theo mặc dù không có lời hứa nào về lợi ích vật chất!

Trong khi 4 cấp độ nói trên cố công chứng tỏ năng lực của mình bằng các nỗ lực thực tế, với bằng chứng hẳn hoi thì ở cấp này, nhà lãnh đạo không cần làm gì mà quần chúng vẫn đi theo. Điều khác biệt duy nhất là họ có niềm tin của những người khác, trong khi 4 cấp còn lại thì phải miệt mài chứng minh và trong nhiều trường hợp, thất bại.

Có điều gì đó mâu thuẫn ở đây... Hình như chúng ta thừa nhận rằng ở mức độ cao nhất, nhà lãnh đạo chả làm gì cả mà những người xung quanh phải tự thấy kính phục?

Nhưng quả thật vậy, vì ở cấp độ cao nhất này, khi đã giành lấy niềm tin của người đi theo, thì người lãnh đạo sẽ sử dụng chính bản tâm của mình làm cảm động người khác.

Vì cảm động mà họ sẽ làm mọi việc ở mức hoàn thiện cao nhất, tức là toàn tâm toàn ý theo định hướng của người lãnh đạo. Lúc này nhà lãnh đạo hiện hữu ở mức cao nhất khi họ trở lại là chính mình, một cá nhân kiệt xuất.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Đỗ Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và đào tạo Nhân Việt