Kích hoạt đúng cách chương trình phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng

Nhật Hạ - 18:25, 12/05/2022

TheLEADERSự thành công của chương trình phục hồi kinh tế quy mô gần 350.000 tỷ đồng đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Trong đó, bản thân doanh nghiệp trước hết phải tự thay đổi để thích ứng với thay đổi, năng động và sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn.

Dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2021 ở mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời làm bộc lộ một số điểm yếu của xã hội như năng lực y tế, lao động, việc làm, phát triển bền vững... đòi hỏi phải được khắc phục ngay.

Vì vậy, sự hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội là cần thiết và cấp bách. Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chương trình được thiết kế trên nguyên tắc nhằm tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, để giải quyết những vấn đề cấp bách, không dàn trải, có thời hạn - thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023.

"Theo tính toán của Chính phủ, việc thực hiện chương trình được dự báo góp phần tăng trưởng GDP thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỉ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%, tránh nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.

“Nếu so sánh quốc tế và khu vực, chương trình của Chính phủ quy mô tương đối lớn, phù hợp tình hình - hoàn cảnh trong nước với yêu cầu kiểm soát rủi ro vĩ mô”, theo ông Hiếu.

Theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, Chương trình sẽ theo 2 kịch bản. Thứ nhất, thực hiện hiệu quả: các gói hỗ trợ được giải ngân đạt khoảng 40% năm 2022 và 50% năm 2023.

Thứ hai, thực hiện kém hiệu quả: Việc giải ngân chậm so với dự kiến, tỉ lệ giải ngân thấp chỉ đạt 30% năm 2022 và 40% năm 2023.

Điều kiện cần và đủ để chương trình hoạt động hiệu quả 

Tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 – 2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” hôm nay, ông Hiếu cho rằng trong bối cảnh mới, để thực hiện thành công chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính.

Thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện nay đã có một số hỗ trợ đã được thực thi, như: giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ ôtô… nhưng cũng còn nhiều hỗ trợ đang trong quá trình thể chế hóa, xây dựng hướng dẫn, chưa được hiện thực hóa như: hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và thuê đất, danh mục dự án đầu tư hạ tầng…

Do đó, việc sớm hoàn thành các hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện hỗ trợ để hiện thực hóa hỗ trợ đến người lao động, doanh nghiệp vừa là yêu cầu nhưng cũng đang là một thách thức.

“Sự khẩn trương, quyết liệt, tích cực của các cơ quan, tổ chức có liên quan là giải pháp duy nhất”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Kích hoạt đúng cách chương trình phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ông Hiếu, một số hỗ trợ có phạm vi đối tượng rộng với nhu cầu hỗ trợ khác nhau, chẳng hạn như hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại hay hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc làm thế nào để các doanh nghiệp tiếp cận công bằng các khoản vay có hỗ trợ lãi suất cũng như lựa chọn đúng, hợp lý danh mục dự án đầu tư cơ sở hạ tầng… cũng là một nhiệm vụ không dễ dàng.

Để đáp ứng yêu cầu này và vượt qua thách thức, các cơ quan thực thi nên xem xét và bám sát một số nguyên tắc như: một là, bám sát vào các tiêu chí phân bổ nguồn lực trong Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, để từ đó xác định đối tượng hỗ trợ cũng như quy định trình tự, thủ tục và điều kiện tiếp nhận hỗ trợ. Ví dụ, cần bán sát vào 4 nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình trong Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Hai là, các điều kiện, trình tự, thủ tục để phân bổ và tiếp nhận các hỗ trợ phải được thiết kế đơn giản, phù hợp, công bằng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Ba là, công tác thông tin kịp thời, đầy đủ và toàn diện về nội dung chương trình cho rộng khắp đối tượng có liên quan là rất quan trọng. Các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho đối tượng thuộc chương trình để đảm bảo việc tiếp cận dễ dàng, công bằng (đường dây nóng, tổ giải đáp, hỗ trợ, cơ chế ghi nhận và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tế). Gắn kết sự tham gia tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp.

Yêu cầu thứ ba: công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu chương trình.

Theo ông Hiếu, để chương trình phục hồi kinh tế thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp.

Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế phải gắn chặt với các chương trình, nhiệm vụ khác, như kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19, chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Ông Hiếu bày tỏ mong muốn, tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hành động sẽ chi phối hoạt động của Chính phủ và cả Quốc hội từ nay trở đi và trở thành việc bình thường. Như vậy sẽ làm gia tăng thêm tác động và hiệu quả của chương trình cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Tác động của chương trình phục hồi kinh tế

Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, còn có tác động khác và dài hạn đến nền kinh tế như: Góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng suất lao động, sức cạnh tranh, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế; góp phần tạo việc làm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm…

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, chương trình còn có tác động tích cực kép, đó là cơ hội nhận hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp.

Hỗ trợ trực tiếp tập trung nhiều vào cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo điều kiện nguồn vốn cho doanh nghiệp, bao gồm giải pháp cắt, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi… Hỗ trợ này tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, người lao động và chủ thể khác là đối tượng hưởng lợi trực tiếp.

Các tác động gián tiếp được tạo ra chính là cơ hội kinh doanh tốt hơn cho mọi doanh nghiệp. Ví dụ, cải cách thể chế sẽ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh (nhanh hơn, thuận lợi hơn).

Mở cửa nền kinh tế chính là khôi phục lại cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Phát triển kết cấu hạ tầng không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn tạo ra hạ tầng thuận tiện cho toàn bộ hoạt động đầu tư kinh doanh, cả ngắn hạn và dài hạn… Đặc biệt, cơ hội gián tiếp dành cho mọi đối tượng doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp không thuộc phạm vi trực tiếp nhận hỗ trợ của chương trình.

Quy mô của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vào khoảng 346.800 tỷ đồng, tương đương 4,24% GDP.

Chương trình đã đưa ra 5 nhóm giải pháp lớn và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm: 1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Nhóm giải pháp này gồm 3 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; 2) Bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm. Nhóm này gồm 07 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; 3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Nhóm này gồm 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; 4) Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng. Nhóm này gồm 3 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; 5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhóm này gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Về phân bổ nguồn lực thực hiện chương trình, trong số 240.000 tỷ hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, có 64.000 tỷ hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí; 176.000 tỷ hỗ trợ đầu tư, phát triển; 6.600 tỷ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; 135.000 tỷ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; 38.400 tỷ tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội; 46.000 tỷ nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết; 5.000 tỷ phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng tối đa 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam); 5.000 tỷ hỗ trợ đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.