Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng

Tùng Anh - 14:11, 13/03/2023

TheLEADERThúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng
Lãnh đạo Bộ Công thương thăm các gian hàng trong lễ phát động ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023

Với chủ đề “Thông tin minh bạch - tiêu dùng an toàn", ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 vừa được Bộ Công thương chính thức phát động. Các doanh nghiệp đã cùng tham gia, thể hiện tinh thần hưởng ứng kinh doanh có trách nhiệm vì quyền lợi của người tiêu dùng thông qua việc cùng nhau hưởng ứng thực hiện "Bộ Quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử".

Chủ đề này cũng nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến. 

Đây cũng là lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để người tiêu dùng được thực hiện đầy đủ quyền được cung cấp thông tin, đảm bảo đưa ra các quyết định đúng và an toàn.

Lễ phát động cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ Công thương trong năm 2023 trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” cũng được khai mạc và kéo dài tới ngày 13/3; Giải chạy “Vì quyền lợi người tiêu dùng” lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.000 vận động viên sẽ được tổ chức vào sáng ngày 11/3.

Trong suốt năm 2023, hàng loạt hoạt động khác cũng sẽ được tổ chức để nâng cao và thúc đẩy hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Qua đó, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, phát triển.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong năm qua, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Điều đó cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Ông Tân đánh giá, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong năm 2022 đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Thứ nhất, trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, được nhiều cơ quan, đại biểu Quốc hội đánh giá cao về nội dung và chất lượng.

Thứ hai, việc triển khai chỉ thị số 30 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các Ban Đảng quan tâm chỉ đạo và đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục mở rộng hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838, tăng số lượng đầu mối tổng đài lên 52 điểm trên phạm vi cả nước, tạo nền tảng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đồng thời, cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tư, hàng triệu người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử.

Thứ năm, hàng triệu người tiêu dùng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng thông qua các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp. Công tác hợp tác quốc tế đã được khai thác chủ động, thường xuyên để tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những hành động tạo được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.