Kinh doanh khách sạn rơi vào thế gọng kìm

Giang Sơn - 06:30, 15/05/2019

TheLEADERSự tăng trưởng nhanh chóng của mô hình Airbnb và căn hộ khách sạn đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành kinh doanh khách sạn truyền thống.

Khó khăn hơn gấp bội. Đó là viễn cảnh của ngành kinh doanh khách sạn được bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đưa ra tại Hội nghị các Tổng giám đốc khách sạn và khu nghỉ dưỡng 2019 tổ chức tại Nha Trang mới đây.

“Chưa bao giờ ngành khách sạn của Việt Nam đứng trước một thách thức lớn như thời điểm hiện tại”, bà Xoan nhấn mạnh trước tình hình cạnh tranh khốc liệt trong nội bộ hệ thống khách sạn truyền thống khi số lượng khách sạn trên cả nước ngày một tăng. 

Bên cạnh đó, kinh doanh khách sạn truyền thống lại chịu thêm một gọng kìm nữa là cạnh tranh với mô hình căn hộ khách sạn và hệ thống cho khách du lịch thuê nhà trực tuyến Airbnb đang gia tăng rầm rộ.

Số liệu được ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tiết lộ tại Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019 do TheLEADER tổ chức tại TP. HCM đầu tháng 4 vừa qua cho thấy, quy mô phòng khách sạn trên cả nước tăng trưởng bình quân 12%/năm. Nếu như năm 2011 cả nước mới có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới năm ngoái đã đạt con số 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú.

Kinh doanh khách sạn rơi vào thế gọng kìm
Nha Trang đang bùng nổ xây dựng khách sạn.

Theo một báo cáo nghiên cứu mới đây của công ty tư vấn Savills Hotels khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, năm ngoái có 15.900 phòng khách sạn 4-5 sao gia nhập thị trường ở sáu trọng điểm du lịch ven biển và dự báo sẽ có thêm 45.600 phòng được đưa vào hoạt động trong giai đoạn từ 2019 đến 2022.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương, nhận định, kinh doanh khách sạn truyền thống sẽ chịu áp lực từ hai gọng kìm.

Đầu tiên là sự gia tăng mạnh mẽ của condotel, mô hình lai giữa căn hộ và khách sạn để cho khách du lịch thuê. Mặc dù mới phát triển trong những năm gần đây và đang gây tranh cãi về tính pháp lý cũng như hiệu quả kinh doanh nhưng theo ông Mauro, những dự án căn hộ khách sạn “khủng” đang dần thống trị thị trường lưu trú.

Đơn cử, dự án The Arena trên bán đảo Cam Ranh có tới 5.000 căn hộ khách sạn, trong khi nguồn cung đến từ 26 khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà hiện nay cũng chỉ có 6.000 phòng. Tại Đà Nẵng, dự án Wyndham Soleil sẽ cung cấp 2.000 căn hộ khách sạn so với tổng nguồn cung tại 24 khu nghỉ dưỡng là 3.463 phòng. Tương tự, dự án Best Western Premier tại Hạ Long sẽ có tổng cộng 1.000 căn hộ khách sạn trong khi toàn thị trường này mới có 5.400 phòng khách sạn.

Áp lực tiếp theo đến từ sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ thống Airbnb. Hệ thống đặt phòng trực tuyến cho phép khách du lịch thuê nhà của người dân đã nhanh chóng thâm nhập và đạt tốc độ phát triển chóng mặt trong mấy năm gần đây. Theo Savills Hotels, nếu như năm 2015 mới có khoảng 1.200 phòng thì năm ngoái đã có tổng cộng 36.319 phòng trên toàn hệ thống Airbnb tại Việt Nam.

Thách thức. Đó là cảm nhận chung của tất cả các diễn giả tại Hội nghị các Tổng giám đốc khách sạn và khu nghỉ dưỡng 2019 khi nghe những số liệu của Savills. Thậm chí, ông Lê Văn Sơn, Tổng giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang, nhấn mạnh: “Rất thách thức”.

Là người có thâm niên kinh doanh khách sạn và đang vận hành một khách sạn tầm trung ở giữa thành phố Nha Trang đang bùng nổ dự án khách sạn và căn hộ khách sạn, hơn ai hết, ông Sơn cảm nhận rõ nhất những thách thức mà ngành kinh doanh khách sạn truyền thống ở Nha Trang đang và sẽ phải đối mặt.

“Giờ này năm ngoái, công suất phòng của các khách sạn ở Nha Trang 60-70% nhưng năm nay chỉ 40-45%. Đã xuất hiện tình trạnh cạnh tranh bằng cách giảm giá phòng ở những khách sạn quy mô nhỏ”, ông Sơn tiết lộ.

Số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường STR cho thấy áp lực bắt đầu đè nặng ngành kinh doanh khách sạn truyền thống. Mặc dù có những tín hiệu tích cực như số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, giá phòng khách sạn tăng thêm 3,3%, nhưng một chỉ số quan trọng đối với hiệu quả kinh doanh khách sạn là công suất phòng khách sạn trên toàn quốc đã giảm 7,1% vào năm ngoái.

Tình hình năm nay tiếp tục khó khăn hơn khi công suất phòng trong tháng 3 vừa qua giảm tới 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do số lượng phòng khách sạn bán được trong tháng giảm tới 6,3% và trong khi nguồn cung phòng mới lại tăng 5,1%.

Khảo sát từ một số khách sạn ở Nha Trang cũng cho thấy nhu cầu phòng khách sạn trong những tháng đầu năm nay giảm mạnh tới 16,8% so với cùng kỳ năm trước, khiến cho công suất phòng và giá cho thuê đều giảm. Cụ thể, giá phòng bình quân trong tháng 3 vừa qua giảm khoảng 200.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trước thực trạng này, ông Sơn cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ hơn việc phát triển các dự án căn hộ khách sạn, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh của thị trường cũng như tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Kinh doanh khách sạn rơi vào thế gọng kìm 1
Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị các Tổng giám đốc khách sạn và khu nghỉ dưỡng 2019 tổ chức tại Nha Trang ngày 9/5/2019.

Đồng tình với quan điểm này, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành công ty Grant Thornton, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, cho rằng, mặc dù mô hình condotel sẽ góp phần tăng thêm nguồn cung phòng khách sạn nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề.

“Nhiều tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế không muốn gắn nhãn hiệu với các dự án condotel vì chất lượng không phù hợp”, ông Kenneth cho biết.

Để hoá giải những thách thức ngành kinh doanh khách sạn đang phải đối mặt, ông Kenneth đề xuất cần gia tăng nguồn cầu bằng cách miễn thêm thị thực cho các nước như Úc, New Zealand, Mỹ… để khuyến khích khách du lịch đến và lưu trú lâu hơn, tăng ngân sách cho tiếp thị và quảng bá du lịch, đồng thời cải thiện hạ tầng hàng không vì hầu hết sân bay đều quá tải.

Ông Kenneth cho rằng, nếu tháo gỡ được những nút thắt này, ngành du lịch Việt Nam có thể đón được tới 30 triệu lượt khách quốc tế sau một thập kỷ nữa.