Kinh tế đêm ở Đà Nẵng

Quỳnh Chi - 09:56, 14/07/2020

TheLEADERNhững năm qua, tại Đà Nẵng tồn tại một nghịch lý là du khách rất hào hứng với việc tham quan vui chơi vào ban ngày nhưng lại không có nhiều lựa chọn để vui chơi giải trí về đêm.

Kinh tế đêm ở Đà Nẵng
Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để làm kinh tế ban đêm

Nhắc đến du lịch Hội An, nhiều người tỏ ra đầy tiếc nuối khi nơi đây vẫn chỉ được du khách xem như Đà Nẵng +1, là nơi mà du khách sẽ ghé thăm mỗi lần đến du lịch Đà thành. Đây là một bài toán mà những người làm trong ngành du lịch ở Hội An vẫn còn đang đau đầu tìm lời giải. 

Nói như vậy thì có vẻ nếu đặt trên bàn cân, du lịch Đà Nẵng sẽ hoàn toàn áp đảo. Thế nhưng, trong một sự kiện mới đây về kích cầu du lịch Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết những năm qua, tại Đà Nẵng tồn tại một nghịch lý là du khách rất hào hứng với việc tham quan vui chơi vào ban ngày nhưng lại không có nhiều lựa chọn để vui chơi giải trí về đêm.

Đáng chú ý hơn là du khách sau khi vui chơi ban ngày tại Đà Nẵng có xu hướng về Hội An để xem show diễn, dạo phố và thưởng thức những trải nghiệm về đêm. 

Đó là cảm giác thư thái khi đi bộ dưới những con phố cổ lung linh ánh đèn, trôi thuyền lững lờ trên dòng sông Hoài (một nhánh của con sông Thu Bồn) yên ả, mãn nhãn thưởng thức show diễn Ký ức Hội An... 

Tại Đà Nẵng, kinh tế ban đêm hiện đang dần hình thành với những tiềm năng lợi thế sẵn có ban đầu. Tuy nhiên, thời gian hoạt động ban đêm của hầu hết các dịch vụ show diễn, khu vui chơi, du lịch đường thủy nội địa, nhà hàng, cơ sở chăm sóc sức khỏe/làm đẹp chỉ đến khoảng 22 - 23h đêm.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc hoạt động đến 24h theo quy định. Sau thời gian này, chỉ còn một số dịch vụ bar, pub trong khách sạn, vũ trường… và sẽ kết thúc vào 2h sáng. Chỉ có khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài hoạt động 24/24h. 

Quy mô các hoạt động còn nhỏ lẻ, nằm rải rác xen lẫn khu dân cư. Đà Nẵng vẫn thiếu những điểm vui chơi giải trí tập trung, quy mô lớn với các dịch vụ đa dạng để thu hút du khách. 

Thống kê tám tháng đầu năm ngoái cho thấy, số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chỉ là 1,8 ngày; khách trong nước là 1,68 ngày, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. 

Trước thực trạng này, du lịch Đà Nẵng quyết tâm phục hồi và chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ sau dịch. Đặc biệt, dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới cho thấy, ngành du lịch toàn cầu có thể bắt đầu phục hồi từ quý 4/2020. 

Bên cạnh các chương trình kích cầu như thông qua chính sách cho phép miễn phí vé tham quan từ 1/6 - 31/8 tại các khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, bảo tàng Chăm, bảo tàng Đà Nẵng, bảo tàng Mỹ thuật... hay hỗ trợ thành lập Quỹ xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng với số vốn ban đầu 3,85 tỷ đồng do doanh nghiệp đóng góp, địa phương này cũng xác định, phát triển kinh tế ban đêm là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khôi phục hoạt động du lịch sau dịch, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Đặt thực tế này trong bối cảnh du lịch Đà Nẵng hậu Covid-19, khi thị trường trong nước đang là trọng yếu, và nhìn lại bài học thành công trong việc phục hồi ngành du lịch sau đại dịch SARS năm 2003 nhờ phát triển mạnh nền kinh tế đêm của một số quốc gia, ông Chinh cho rằng, việc gia tăng những sản phẩm dịch vụ ban đêm có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức hút cho điểm đến Đà Nẵng, ngay cả trong mùa thấp điểm cũng như gia tăng chi tiêu và số ngày lưu trú của du khách. 

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, kinh tế ban đêm sẽ là một giải pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam. Đó là nền kinh tế đích thực nhằm thúc đẩy du lịch địa phương, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vốn vắng vẻ vào đêm. 

Sử dụng thời gian đêm muộn là cách thức thúc đẩy các thành phát triển, nhờ hoạt động văn hóa nghệ thuật, lao động trí tuệ sáng tạo hay làm việc ban đêm. 

Đó là giải pháp thúc đẩy thương hiệu địa phương, thị hiếu vùng đa dạng trên cả hai lĩnh vực văn hóa và các sản phẩm tiêu dùng địa phương. 

Hướng đến xây dựng chân dung đô thị mới thân thuộc và thân thiện hơn, với nhiều hoạt động văn hóa, nhiều ánh sáng, an ninh và an toàn hơn.

Ông Thiên cho rằng, nền kinh tế số và kinh tế đêm chính là hai yếu tố giúp Đà Nẵng lấy lại vị trí tiên phong về phát triển du lịch. Bản sắc văn hóa, nghệ thuật ẩm thực, dân số trẻ, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu... là những lý do tất yếu để kinh tế về đêm phát triển, phù hợp với xu hướng quốc tế.

Đà Nẵng quyết không mất khách du lịch về đêm cho Hội An
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

"Trong thời gian đến, thành phố sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, quy hoạch đồng bộ cũng như ban hành cơ chế quản lý thích hợp để phát huy vai trò dịch vụ giải trí đêm và đảm bảo an ninh, an toàn đô thị...", Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết.

Cần thêm nhiều cơ chế, chính sách

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, các doanh nghiệp mong muốn có những cơ chế chính sách để hoạt động sôi nổi về đêm nhằm thu hút thêm du khách, để các sản phẩm dịch vụ giải trí đêm phát triển bền vững. 

Hiệp hội này đề xuất thành phố cần có những hoạt động sau 24h, kéo dài thời gian hoạt động của chợ đêm, các quán bar, giải khát dọc đường Bạch Đằng... cũng như các chính sách về miễn giảm thuế các loại để khuyến khích doanh nghiệp mở cửa hoạt động về đêm. 

Đồng thời, cần tăng cường quản lý đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, xử lý các tệ nạn, tình trạng chặt chém lừa dối du khách; làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế tối thiểu rác thải nhựa...

Từ phía doanh nghiệp, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS đề xuất thành phố cần hỗ trợ đầu tư cho hệ thống công nghệ 4.0 trong sử dụng kết nối cơ sở dữ liệu, cập nhật về các sản phẩm dịch vụ để du khách dễ dàng tiếp cận thông tin hoạt động về đêm. 

Ông Tùng cũng cho rằng, cùng với việc khuyến khích đầu tư để nhanh chóng cho ra đời cảng du lịch đường sông bài bản, thành phố nên tập trung đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để gấp rút cho ra đời khu phố đêm (phố đi bộ) đủ lớn ngay trung tâm thành phố, có thể là khu vực Helio - Tiên Sơn - cung thiếu nhi – công viên châu Á Asia Park - kéo dài ra bến sông gần cầu Trần Thị Lý; hoặc từ Cầu Rồng đi theo dọc sông Hàn phía Tây rồi sang cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Đại diện một số đơn vị lữ hành cũng cho rằng, việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm, từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách. Du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn. 

Dịch vụ phục vụ khách du lịch mang tính chất xuyên văn hóa, điểm đến là văn hóa bản địa, còn khách du lịch mang văn hóa ở nơi khác đến. Do đó, cần xây dựng các cụm điểm quy tụ văn hóa đặc sắc. 

Đặc biệt, cần có sự quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước, có kết nối giao thông công cộng, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn. 

Đại diện Vietnam Airlines cũng cam kết sẽ phối hợp phát triển mạng đường bay, tăng cường khai thác đến Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy du lịch về đêm nói riêng và kích cầu điểm đến Đà Nẵng nói chung.

Để khai thác tốt tiềm năng lợi thế, nguồn lực phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế đêm gắn với kích cầu du lịch, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động, dịch vụ ban đêm tại một số khu vực phù hợp. 

Cùng với đó, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục tham mưu thành phố xây dựng các cơ chế hỗ trợ tiền thuê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước biển, bãi biển; hỗ trợ tiền điện, nước trong khung giờ từ 22h đêm đến 4h sáng. 

Đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng từ thành phố và tập trung hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, các cơ sở du lịch; đảm bảo hạ tầng về giao thông, hệ thống wifi, trang trí cảnh quan... 

Đặc biệt, triển khai các giải pháp về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế ban đêm.