Leader talk
Kỳ vọng vào cuộc 'Đổi mới' lần thứ hai tại Việt Nam
Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế sau đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu đang đặt ra yêu cầu bức thiết cho việc đổi mới lần thứ hai, nếu Việt Nam muốn sớm hồi phục và phát triển bền vững trong tương lai.
Làn gió mới từ công nghệ
Gần 40 năm sau cuộc đổi mới lần thứ nhất năm 1986, dù đã đôi lần trông đợi, phải đến thời điểm hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mới có cảm nhận rằng, dường như cả đất nước đang nóng lòng mong đợi, đòi hỏi và sẵn sàng cho một cuộc đổi mới lần thứ hai.
“Đây là tín hiệu tốt, rất đáng mừng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi hết sức nhanh chóng, sâu sắc, và nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách mới, bên cạnh những tồn tại vốn có”, bà Lan nhấn mạnh.
Bà cũng tin rằng, công cuộc đổi mới lần này sẽ tạo động lực và năng lực cần thiết cho sự hồi phục và bứt tốc trong tương lai, đưa nước ta vào một thời kỳ phát triển mới, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh.
Khát khao thay đổi đang xuất hiện khắp nơi, ở nhiều địa phương, nhiều ngành, từ lãnh đạo các đơn vị, các nhà quản trị đến những người lao động trong các doanh nghiệp, những người dân bình thường, từ các bạn trẻ khởi nghiệp đến sinh viên trên ghế nhà trường...
Trong những chuyến công tác cuối cùng của năm 2023, gặp gỡ các nhà trí thức, nhà quản trị, doanh nhân, sinh viên…, điều bà Lan ấn tượng và vui nhất là những ý tưởng sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người trẻ.
Khó khăn vẫn còn đó, thậm chí nhiều hơn. Trong năm 2023, cả chục vạn doanh nghiệp đã đóng cửa, rời bỏ thị trường, kéo theo cả triệu người mất việc. Song bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác vẫn trụ vững, một số còn vươn lên tầm vóc cao hơn, chủ yếu nhờ cố gắng đổi mới sáng tạo, vượt lên chính mình. Hàng triệu hộ kinh doanh gia đình vẫn bền bỉ chèo chống trên thương trường, hàng triệu hộ nông dân vẫn kiên trì bám ruộng, và biết bao người trẻ vẫn gan góc, xông pha đi tới.
Rất nhiều bạn trẻ đang ra sức tìm kiếm con đường mới, cách đi mới để dấn bước vào thị trường. Bà Lan đánh giá, khởi nghiệp của các doanh nghiệp trẻ hiện nay có rất nhiều cái khác so với trước đây. Đã tận mắt chứng kiến biết bao thay đổi trong mấy năm đại dịch và sau đại dịch, những cái chết của bao doanh nghiệp đi trước, những khốn khó mà chính gia đình, bạn bè và bản thân họ đã phải gánh chịu, những người khởi nghiệp hiện nay dường như bớt nóng vội để điềm tĩnh, thận trọng hơn.
Dù ở ngành, lĩnh vực nào, thì họ cũng dành thời gian học hỏi, tìm hiểu thị trường, người tiêu dùng với những xu hướng mới, học hỏi để trang bị cho mình những hiểu biết, kỹ năng và năng lực cần thiết để có thể thích ứng với yêu cầu mới, tìm kiếm sự hợp tác, liên kết với những người khác để có thể đi cùng nhau trên chặng đường dài trước mắt.
Số lớn người khởi nghiệp cũng lựa chọn đi theo hướng xanh và ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số để có thể phát triển bền vững và bắt nhịp với xu thế của thế giới.
Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã thành danh cũng chuyển mình mạnh mẽ sang sản xuất và kinh doanh trên nền tảng đổi mới hệ thống tổ chức và quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, đi theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh, gắng sức vươn lên đạt các tiêu chuẩn mới ngày càng cao hơn đối với sản phẩm của mình.
Họ cũng tăng cường hợp tác, tạo lập các liên minh, liên kết với nhau và với nông dân, với các nhà khoa học, các doanh nghiệp khác liên quan để tạo thêm sức mạnh, cùng nhau tham gia và cố gắng nâng vị trí trong các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Nhiều người trong số họ vừa là tấm gương, vừa là người dẫn dắt và hỗ trợ, đầu tư cho những người trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp. Những người trẻ này, với tình yêu mảnh đất nơi họ được sinh ra hoặc có duyên sinh sống ở đó, đã học cha ông, học các thầy các bạn cách khởi sự trong thời đại mới, rồi bắt tay khai thác các tài nguyên bản địa, biến những sản phẩm quê hương mình đã từng làm thành những sản phẩm mới lạ, độc đáo hơn, phong phú, cao cấp hơn, đưa ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, họ cũng mang về những kỹ năng, tập quán mới tốt đẹp hơn, cách làm mới hiệu quả hơn, góp phần thay đổi cuộc sống của gia đình và quê hương. Họ trở thành một lớp doanh nông xanh mới vô cùng đáng quý cho nước nhà.
Một trong những điểm sáng trong kinh tế nước nhà năm 2023 là nông nghiệp. Bên cạnh những khó khăn chung như các ngành khác, nông nghiệp năm qua đã phải hứng chịu những thách thức ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và nguồn nước ở nhiều nơi, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thị trường cũng rất khó khăn, với giá đầu vào tăng cao, trong khi giá bán ra hầu hết không tăng được do sức mua kém đi cả ở thị trường trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh đó, năm 2023, thủy sản Việt không đạt chỉ tiêu xuất khẩu, mà vẫn có vị trí khá tốt trên các thị trường lớn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây năm 2023 vượt lên đạt trên 5 tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2 tỷ đô la là điều bất ngờ thú vị nhất.
Có được kết quả này là nhờ đổi mới tổ chức và kỹ thuật canh tác ở nhiều vùng cây trái, ứng dụng công nghệ, kiểm soát quy trình sản xuất và kinh doanh theo các chuẩn mực mới. Gạo Việt cũng chuyển nhanh sang xuất khẩu chủ yếu dòng hàng chất lượng cao, tranh thủ mức giá tăng trên thị trường thế giới để thu được lợi ích đáng kể, đồng thời có hướng đi rõ hơn để tiếp tục đổi mới ngành hàng.
Kết quả nêu trên trong nông nghiệp Việt Nam trong năm 2023 cũng cho thấy một số chủ trương mới trong phát triển nông nghiệp của chúng ta đã và đang mang lại những thành tựu ban đầu.
Từ chủ trương thuận thiên, đi theo nông nghiệp xanh, khuyến khích kinh tế tuần hoàn, khuyến khích ứng dụng công nghệ, phát triển nông nghiệp đa chức năng, liên kết đa chiều…, đến thay đổi thứ tự ưu tiên của 3 nhóm nông sản chính ở đồng bằng sông Cửu Long sang thủy sản, trái cây và lúa gạo (thay vì tập trung chủ yếu vào lúa gạo như trước đây), hay đổi mới tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp…, đã tạo nên động lực mới cho các địa phương, cho doanh nghiệp và nông dân để họ chuyển mình, góp sức gieo trồng nên những trái ngọt mới.
Trong khi đầu tư của nhà nước hoặc FDI vào nông nghiệp chưa tăng đáng kể, thì cả tốc độ tăng GDP, giá trị, chất lượng và hiệu quả kinh tế của nông nghiệp nước ta đã dần cải thiện và cho những bài học rất đáng quan tâm.
Những doanh nghiệp và những người khởi nghiệp kể trên, bao gồm cả trong nông nghiệp, đang làm theo cách khác hẳn so với 5,10 năm trước. Sự tự thân đổi mới đã giúp các doanh nghiệp vừa tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm tài nguyên, ứng phó tốt hơn với những khó khăn do biến động thị trường và biến đổi khí hậu, vừa mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về nhiều mặt, nâng cao được hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tạo được niềm tin của người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.
Nỗ lực ghê gớm của họ đã giúp họ vượt qua bao thử thách, trụ được và gặt hái được những thành công nhất định trên thương trường. Nếu được cộng lực bởi một môi trường tốt hơn, chắc chắn họ sẽ tiến xa hơn và đóng góp lớn hơn cho xã hội, cho đất nước.
Những “đốm lửa nhỏ” từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, những doanh nông xanh và bài học trong nông nghiệp năm qua đã khiến bà Lan liên tưởng đến thời điểm đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Lúc đó, trước khi Đảng, Nhà nước khai mở cuộc đổi mới kinh tế trên phạm vi cả nước, thì đã có những việc làm đổi mới, phá rào được nhen nhóm ở các địa phương, từ các cơ sở nông nghiệp đến công nghiệp.
Không ai quên được việc ông Kim Ngọc “liều mình” thay đổi cơ chế nông nghiệp ở Vĩnh Phúc đã giúp người dân đỡ đói, nông dân đỡ khổ và nông nghiệp của tỉnh đi lên như thế nào. Những câu chuyện tương tự ở An Giang, Long An… cũng vậy. Thành công của các mô hình này sau đó đã được lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước thừa nhận, coi như các bài học thực tiễn, góp phần đưa đến quyết định tiến hành cuộc đổi mới cơ chế kinh tế sâu rộng trên phạm vi cả nước.
Giờ đây, trên đất nước ta cũng đang xuất hiện những tín hiệu thay đổi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, từ các cơ sở kinh tế tại vô số địa phương. Trong một số ngành và lĩnh vực, những nghị quyết, chính sách, văn bản pháp quy mới cùng các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển mới đã được ban hành, đưa ra những định hướng mới cho phát triển kinh tế nước nhà.
Chỉ một phần thôi những chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới và hợp lòng dân, khi được thực thi cũng đã có thể mang lại kết quả đáng kể, như nông nghiệp năm 2023 cho thấy.
Trên thực tế, sự mong mỏi đổi mới lần thứ hai đã dâng trào khi nước ta gia nhập WTO, rồi ra khỏi ngưỡng nghèo, trở thành nước thu nhập trung bình thấp. Lúc đó những bài học của hơn 20 năm đầu đổi mới, cơ hội từ hội nhập quốc tế cùng mong muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình đã làm dấy lên niềm hy vọng có một cuộc đổi mới lần thứ hai.
Rồi giữa thập niên trước, khi chúng ta nhận thấy không thể bỏ lỡ chuyến tàu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc trên khắp thế giới, vấn đề đổi mới lần thứ hai lại nổi lên như một đòi hỏi để có thể nhảy vọt theo đà cuộc cách mạng công nghiệp đó, thay vì bị nó nhảy qua đầu và bỏ rớt lại xa hơn ở phía sau.
Và giờ đây, sau những bước tham gia một loạt FTA, nâng cấp quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới, sau những dò dẫm học hỏi trên nền tảng công nghệ, sau những cọ xát liên tục với bao thách thức mới nảy sinh, ở nước ta những điển hình đổi mới sáng tạo đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn, như chỉ báo ngày càng rõ nét cho một công cuộc đổi mới vô cùng cấp thiết - cuộc Đổi mới thời 4.0 cao hơn, sâu hơn, mạnh mẽ, toàn diện, triệt để hơn cuộc đổi mới gần 40 năm trước.
Tinh thần không khuất phục trước khó khăn
Đáng chú ý, làn sóng đổi mới không chỉ xuất hiện trong các doanh nghiệp tư nhân, trong khởi nghiệp của các bạn trẻ, mà theo bà Lan, trong mọi thành phần kinh tế đều đã có những chuyển biến tích cực.
Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như ngành điện mặc dù còn không ít những tồn tại, hạn chế, nhưng đã có những thay đổi không hề nhỏ nhờ chuyển dần theo cơ chế thị trường cạnh tranh trên một số mặt, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại và định hướng phát triển năng lượng tái tạo.
Nhiều đơn vị nhà nước trong các ngành viễn thông, hàng không, ngân hàng, xây dựng, các dịch vụ vận tải, y tế, giáo dục… hay các dịch vụ hành chính công cũng có những chuyển hướng đáng kể qua cố gắng ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập mấy năm gần đây.
Khu vực FDI cũng đang chuyển động, với việc một số nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao đưa Việt Nam vào tầm ngắm của họ trong các chuỗi cung ứng mới hình thành theo phương châm friend-shoring.
Trong khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt nổi lên một số doanh nghiệp táo bạo chuyển hướng mạnh sang các lĩnh vực công nghệ cao, cùng những mô hình kinh doanh, quản trị hiện đại. Những gì Vingroup, Thaco, Hòa Phát, hay FPT, CMC, Mỹ Lan, Minh Long, Vinamilk, Vinamit, Vĩnh Hoàn… đang làm, hoặc những hạt gạo ST25, Lộc Trời, Cỏ May, Trung An đang tuôn chảy từ thị trường trong nước ra các nước ngoài đều mang trong mình những giá trị mới từ ứng dụng công nghệ và phương thức kinh doanh tiên tiến hơn trên thế giới, đồng thời có cả nội hàm sáng tạo của chính người Việt Nam.
Và ngay cả với những doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, nhiều doanh nhân trong số đó chưa hết ‘máu kinh doanh’, sẽ không từ bỏ thị thường. Sau những khó khăn gay gắt kéo dài do dịch bệnh và suy giảm kinh tế toàn cầu cùng những chao đảo dữ dội trên thị trường, có lẽ họ nhận ra rằng, việc kinh doanh trong quá khứ sẽ khó có thể tiếp tục thành công trong tương lai.
Do vậy, họ ngưng lại để suy ngẫm, quan sát bức tranh kinh tế thế giới và trong nước để hiểu hơn bối cảnh đang thay đổi, từ đó định hình hướng đi mới, xây dựng năng lực mới cho mình.
Tinh thần đổi mới của các doanh nhân, doanh nghiệp là điều vô cùng đáng quý. Nhiều người, nhiều đơn vị không ngồi chờ Chính phủ có chính sách ưu đãi, mà thấy việc phải làm, thấy cơ hội đến là sẵn sàng lao vào, đón đầu những bước phát triển mới, chấp nhận thách thức còn hơn bỏ lỡ thời cơ.
Họ hiểu hơn ai hết những thay đổi nhanh chóng trên thương trường, do công nghệ, do các biến động chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường...đã làm đảo lộn bao thứ, kể cả những điều trước đây tưởng như chân lý (như toàn cầu hóa chẳng hạn). Họ biết nếu không tỉnh táo, mau lẹ, quyết liệt tự thay đổi thì sẽ mất thời cơ và có thể bị loại vĩnh viễn khỏi cuộc chơi.
Khát vọng vươn lên của họ trong bối cảnh đó càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Chính họ đang góp phần tạo nên tư duy, năng lực, động lực, áp lực và nội lực mới cho công cuộc đổi mới đang được chờ đợi ở nước ta.
Ý chí, quyết tâm của các doanh nghiệp là vậy, song theo bà Lan, công cuộc đổi mới lần thứ hai vẫn còn nhiều trở ngại phía trước. Trong khi phía các doanh nghiệp và nhiều cơ sở đã có sự chuyển biến, sẵn sàng cho đổi mới, thì rào cản từ tư duy, nhận thức, từ thể chế và năng lực quản lý điều hành của một số cơ quan nhà nước lại chưa được khơi thông, và vẫn có những nhóm lợi ích chống lại đổi mới.
Tuy nhiên, nhìn toàn cục nền kinh tế, ngày nay chúng ta có những thuận lợi lớn hơn nhiều so với cách đây 40 năm. Nền kinh tế thị trường đã hình thành, cơ cấu các thành phần kinh tế đã thay đổi, những mối quan hệ quốc tế quan trọng đã được thiết lập và nâng cao, quy mô và vị thế của nền kinh tế nước ta đã lớn hơn đáng kể. Bối cảnh thế giới tuy phức tạp, nhưng thời đại mới đang mở ra với những vận hội chưa từng có cho các nước đang phát triển như nước ta có thời cơ vượt lên.
Trên tinh thần của người Việt không khuất phục trước khó khăn, nhất định chúng ta sẽ “ló cái khôn”, cùng nhau thúc đẩy được cuộc đổi mới thời 4.0 cho phát triển, với trách nhiệm, niềm tin và khát vọng vươn tới một Việt Nam dân giàu nước mạnh trong tương lai không xa.
Rủi ro với triển vọng kinh tế Việt Nam 2024
3 yếu tố giúp kinh tế tăng trưởng tích cực trong 2024
Xuất khẩu tăng trưởng, mặt bằng lãi suất thấp hơn cùng với sự trở lại của nhu cầu tiêu dùng được dự báo là ba yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 khả quan hơn.
Hai yếu tố kinh tế Việt Nam 2024 cần lưu tâm
HSBC đánh giá, Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ và có khả năng lấy lại mức tăng trưởng 6% trong năm nay.
World Bank dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc
World Bank đánh giá, kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong năm nay nhưng đã ở vị thế tốt hơn năm ngoái khi nguy cơ suy thoái giảm bớt.
Lạm phát có còn đe dọa nền kinh tế?
Chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể tạm thời lãng quên các yếu tố về rủi ro lạm phát để có các giải pháp kịp thời phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Ông Hoàng Nam Tiến: Lãnh đạo tương lai phải làm chủ AI
Ông Hoàng Nam Tiến tin rằng, trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), nếu thế hệ sinh viên không khai phá tiềm năng sẽ dễ dàng rơi vào nhóm 90% người bình thường.
Giới trẻ tặng nhau sữa trái cây Mãng Cầu cho ngày mới đầy năng lượng
Không chỉ là thức uống thơm ngon, dinh dưỡng, mỗi chai nước uống sữa trái cây mãng cầu còn là món quà ý nghĩa mà giới trẻ dành tặng nhau, thể hiện sự quan tâm và sẻ chia nguồn năng lượng tích cực.
Giá xăng giảm gần 400 đồng mỗi lít từ chiều 31/10
Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm đan xen vào chiều 31/10. Tuy nhiên, so với đầu tháng 10, giá xăng hiện tại vẫn tăng khoảng 700 đồng.
Thụy Sĩ muốn đồng hành cùng Việt Nam phát triền bền vững
Doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hiện diện tại Việt Nam với nhiều đóng góp cho tiến trình hướng đến phát triển bền vững.
VinFast hợp tác FGF hỗ trợ khách thu cũ xe xăng, đổi ô tô điện
VinFast và đối tác FGF hợp tác triển khai chương trình “Thu cũ - Đổi mới” đặc biệt kể từ ngày 1/11/2024 nhằm hỗ trợ mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi xanh.
Sức hút của nhà ở vừa túi tiền Bình Dương
Các dự án nhà ở vừa túi tiền vùng ven TP. HCM đang cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với cả người mua ở thực và nhà đầu tư.
Tín chỉ carbon chờ pháp lý
Tín chỉ carbon đang được một số đơn vị bán cho nước ngoài nhưng còn nhiều vướng mắc, cần khung pháp lý để đảm bảo thông thoáng.