Loạt tổ chức thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch

Hoài An - 11:25, 18/05/2021

TheLEADER36 tổ chức tôn giáo mới đây đã tuyên bố thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch, đến từ 11 quốc gia bao gồm Brazil, Argentina, Ấn Độ, Philippines, Uganda, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Ireland, Anh và Mỹ.

Các tổ chức này gồm có Anh giáo, Công giáo, Giám lý, Trưởng lão và Baptist, cùng một số tổ chức khác. Trong số này cũng có Giáo hội Anh giáo xứ Wales (the Church in Wales), với khối tài sản hơn 700 triệu bảng Anh (tương đương 975 triệu USD), đã bỏ phiếu để thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch tại cuộc họp của Hội đồng quản trị của giáo hội vào tháng 4.

Nhóm cũng bao gồm Giáo phận Bristol và Giáo phận Oxford, cũng như bảy giáo phận Công giáo từ Vương quốc Anh và Ireland và một số dòng tu từ khắp nơi trên thế giới.

Thông báo thoái vốn toàn cầu được đưa ra trong bối cảnh Vương quốc Anh đang chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 tới và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26) tại Glasgow vào tháng 11 năm nay.

Hành động này thể hiện vai trò đi đầu của các tổ chức tôn giáo trong việc nêu bật nhu cầu cấp thiết phải thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch, và đầu tư vào các giải pháp thay thế sạch để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày càng trầm trọng.

Trong khi chính phủ các nước trên khắp thế giới tiếp tục đầu tư đáng kể vào các gói phục hồi kinh tế, điều quan trọng là các khoản đầu tư này phải hỗ trợ, đảm bảo cho một cuộc phục hồi công bằng và xanh hậu Covid-19.

Tuy nhiên, như Liên Hợp quốc đã tuyên bố, trong kế hoạch chi tiêu phục hồi từ Covid-19 mà 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố vào năm 2020, chỉ có 18% có thể được coi là xanh. Chính phủ các nước đã hỗ trợ tài chính đáng kể cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch trong các gói phục hồi Covid-19.

Thông báo này được đưa ra ngay trước đại hội cổ đông của tập đoàn Royal Dutch Shell dự kiến diễn ra vào hôm nay (18/5/2021). Shell đang chịu áp lực đáng kể do kế hoạch tăng sản lượng khí đốt lên 20% trong vài năm tới.

Giáo hội Giám lý thông báo đã thoái vốn cổ phần nhiên liệu hóa thạch còn lại vào cuối tháng 4/2021, bao gồm 21 triệu bảng Anh, tương đương 29 triệu đô la Mỹ giá trị cổ phần của Royal Dutch Shell, với lý do các kế hoạch khí hậu “không phù hợp” của Shell.

Vào tháng 2, tòa án tối cao Vương quốc Anh đã cho phép một nhóm 42.500 nông dân và ngư dân Nigeria khởi kiện Shell ra tòa án Anh nhiều năm sau sự cố tràn dầu ở châu thổ Niger gây ô nhiễm vùng đất và nước ngầm ở đây.

Chính phủ Anh đang phải đối mặt với thách thức của tòa án về quyết định gây tranh cãi khi cung cấp 1 tỷ USD cho dự án phát triển khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn do tập đoàn dầu khí Total của Pháp điều hành ở Mozambique.

Các cộng đồng tôn giáo từ lâu đã đi đầu trong phong trào thoái vốn toàn cầu, với số lượng cam kết lớn nhất. Trong tổng số hơn 1.300 cam kết thoái vốn toàn cầu được thực hiện cho đến nay, hơn 450 là từ các tổ chức tín ngưỡng.