Lối thoát cho các dự án tắc nghẽn của Novaland

Phương Sơn - 12:26, 04/08/2023

TheLEADERCác dự án bất động sản ách tắc về pháp lý của Novaland cũng như nhiều doanh nghiệp khác căn bản đã có hướng giải quyết, nhưng có những vướng mắc rất khó tháo gỡ.

Tiền lệ từ Đồng Nai

Cùng ngày Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn bay ra Hà Nội tham dự hội nghị với lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành về hướng tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, một dự án khu đô thị của Novaland ở Đồng Nai vốn bế tắc cả năm nay bất ngờ được mở lối thoát.

Hôm qua, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai phát hành công văn thông báo 2 căn nhà thuộc dự án khu đô thị Aqua City do Novaland phát triển tại thành phố Biên Hoà đã đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.

Mặc dù số lượng căn nhà đủ điều kiện đưa vào kinh doanh quá ít so với tổng số 2.116 căn của dự án Aqua City, công văn này được nhìn nhận như tín hiệu mở lối thoát cho một trong số hàng trăm dự án bất động sản đang bế tắc do vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Hai căn nhà được công nhận đủ điều kiện kinh doanh sẽ là “tiền lệ” để hàng nghìn căn nhà khác thuộc cùng dự án được phép hoàn thiện hợp đồng mua bán, nhận bàn giao nhà và quan trọng hơn, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sở dĩ được nhìn nhận như “tiền lệ” bởi trước khi có công văn trên, hàng nghìn căn nhà khác trong khu đô thị Aqua City cũng có tình trạng pháp lý như hai căn nhà đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Thực tế, nhiều căn nhà thuộc Aqua City đã hoàn thiện xây dựng và trước đây đã được Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai công nhận đủ điều kiện mua bán. Tuy nhiên, năm ngoái, sở này đã rút lại thông báo cho phép bán nhà hình thành trong tương lai với lý do dự án chưa được ngân hàng bảo lãnh, buộc chủ đầu tư phải làm lại thủ tục.

Để có được thông báo đủ điều kiện kinh doanh, mới có hai khách hàng đồng ý ký thoả thuận ba bên với chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh để Sở Xây dựng công nhận, những khách hàng còn lại chưa ký bởi không biết có giải quyết được không.

Đại diện của Novaland cho biết, việc hai căn nhà được công nhận đủ điều kiện kinh doanh sẽ tạo niềm tin cho các khách hàng còn lại để trong những ngày tới họ sẽ ký phụ lục hợp đồng nhằm hoàn thiện thủ tục công nhận hợp đồng mua bán và nhận nhà.

Chính vì thế, việc công nhận 2 căn nhà đủ điều kiện kinh doanh mang tính “biểu tượng” cho hướng tháo gỡ vướng mắc cho dự án Novaland như lời của ông Nhơn phát biểu tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

“Cho đến nay, các dự án của Novaland căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ”, ông Nhơn nói với hội nghị.

Novaland thấy lối thoát cho các dự án tắc nghẽn
Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn: Nghị quyết 33 là nguồn oxy quý báu đúng thời điểm. Ảnh: VGP

Phát biểu của ông Nhơn phần nào được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh – Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp – khẳng định trong báo cáo gửi tới hội nghị.

Theo đó, hầu hết các dự án do Novaland phát triển tại Bà Rịa Vũng Tàu đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết. Các dự án tại TP. HCM, Đồng Nai và Bình Thuận đã được tổ công tác và các bộ ngành, địa phương tìm hướng tháo gỡ.

Tại tỉnh Đồng Nai, tổ công tác đã trực tiếp làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với 7 dự án bất động sản lớn, trong đó có các dự án của Novaland tại xã Long Hưng và phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa.

Tổ công tác xác định các vấn đề vướng mắc về quy hoạch đô thị xây dựng không thống nhất giữa ba cấp độ quy hoạch thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND tỉnh và các sở địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Tổ công tác nhận định, tại thời điểm phê duyệt, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu của tỉnh đã chưa cập nhật đầy đủ các hồ sơ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của dự án bất động sản được phê duyệt trước đó. Đây là thiếu sót của địa phương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Hiện tại, các cơ quan hữu trách tỉnh Đồng Nai đang thực hiện các công việc liên quan dến việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hoà và việc bố trí nhà ở xã hội tại các dự án theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Còn tại Bình Thuận, dự án NovaWorld Phan Thiết do Novaland phát triển, vướng mắc về phê duyệt giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án.

Tổ công tác cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị nghiên cứu, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc phê duyệt giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án.

Ngay sau chỉ đạo ngày, tháng 4/2023, Cục Quản lý quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và môi trường đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án của Novaland.

Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đang tiến hành triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của tổ công tác, Bộ Xây dựng và các bộ ngành.

Cùng với việc giải quyết các dự án lớn điển hình như của Novaland, ông Sinh dẫn báo cáo của các địa phương cho biết, Hà Nội đã giải quyết tháo gỡ được 419 dự án tương đương 58,8% số lượng dự án có khó khăn, vướng mắc và TP. HCMđã giải quyết tháo gỡ được 67 dự án tương đương 37,2% số lượng dự án có khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP.Invest, dự án Palm Manor ở Việt Trì, Phú Thọ của công ty đã có những chuyển biến tích cực nhờ những tác động tích cực từ những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng và Tổ công tác của Thủ tướng.

Ông Hiệp cho biết, dự án Palm Manor được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 với quy mô 58 ha, nhưng những vướng mắc về giải phóng mặt bằng kéo dài trong nhiều năm khiến dự án mới triển khai được một phần nhỏ.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các bộ, ngành cùng với Nghị quyết 33, đến ngày 4/6/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết liệt thông báo các biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ dự án theo đúng quy định của pháp luật, giao đất từng phần để chủ đầu tư chủ động hơn trong tổ chức thi công.

Đặc biệt, tỉnh đã có yêu cầu cụ thể với Sở Tư pháp thống nhất biện pháp giải quyết việc đền bù cho các hộ sử dụng đất nhưng chủ đứng tên sử dụng đất đã mất.

“Những quyết định cụ thể, xử lý dứt khoát của các cơ quan địa phương đã tạo đà cho dự án Palm Manor Việt Trì chuyển động tích cực và khả năng đầu năm 2024 sẽ có sản phẩm cung cấp cho thị trường”, ông Hiệp cho biết.

Không riêng dự án ở Phú Thọ mà các dự án của GP.Invest ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương cũng đều có sự chuyển động tích cực mà theo ông Hiệp, là do cách làm dứt khoát, rõ ràng của các cấp chính quyền.

Ông Hiệp cho rằng Nghị quyết 33 đã cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường; còn ông Nhơn ví nghị quyết như “nguồn oxy quý báu đúng thời điểm”.

Còn nhiều việc phải làm

Mặc dù vậy, đại diện cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các cơ quan, bộ ngành đẩy nhanh hơn nửa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho các dự án; trong đó cần tháo gỡ ách tắc pháp lý trong thời gian ngắn nhất trên nền tảng pháp luật nhất quán, thông suốt từ địa phương lên Chính phủ và Quốc hội.

Một trong những vấn đề được ông Nhơn nhắc đến là cần làm rõ hơn kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để cán bộ địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm an tâm quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chính ông Sinh cũng thừa nhận việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản gặp khó khăn do một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.

Bên cạnh đó, ông Sinh cũng chỉ ra một thực tế là, mặc dù các địa phương đều đã và đang tích cực tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng chưa có kết quả cụ thể do quá trình triển khai thực hiện nhiều dự án kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc rất khó tháo gỡ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thừa nhận, có nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài nhiều năm, không thể giải quyết bằng một cuộc họp, một văn bản hay một năm, một quý.

Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn vướng mắc liên quan tới pháp lý, việc phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các thủ tục hành chính, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; các bộ, ngành địa phương tập trung, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch với các ngành, vùng, địa phương, phân khu.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần quyết liệt triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn nhưng có kiểm soát trên cơ sở phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý.

Các chính sách này sẽ giúp cung cấp ô xy, dinh dưỡng cho doanh nghiệp, Thủ tướng so sánh.

Để đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, ông Hiệp kiến nghị tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thống kê báo cáo 3 tháng/lần các dự án còn tồn đọng vướng mắc không giải quyết được trong thời hạn quá 5 năm và đề xuất cách xử lý.