Lồng ghép kiến thức về kinh tế tuần hoàn vào giáo dục

Phạm Sơn - 15:24, 07/05/2021

TheLEADERGiáo dục là công cụ hữu ích để thay đổi nhận thức của xã hội, đồng thời tập hợp nguồn lực thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Lồng ghép kiến thức về kinh tế tuần hoàn vào giáo dục
Sách 'Cùng học về 3R' được thí điểm ở một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình tiên tiến đang được thế giới nỗ lực lên phương án triển khai, với kỳ vọng giải quyết triệt để mối quan hệ mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Cụ thể, kinh tế tuần hoàn vận hành trên nguyên tắc đưa sản phẩm sau sử dụng quay trở lại sản xuất, qua đó bảo toàn tài nguyên, xử lý hiệu quả rác thải, bên cạnh việc tạo ra cơ hội việc làm và lợi ích kinh tế to lớn.

Tuy nhiên, thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn không đơn giản, đặc biệt với một quốc gia có trình độ khoa học công nghệ, phát triển kinh tế chưa cao, lại đang vật lộn với khủng hoảng rác thải.

Theo nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường, nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ ở trình độ cao, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự thuận lợi trong cơ chế chính sách cũng như phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan.

Trong đó, sự thiếu hụt về nguồn lực công nghệ, con người và nhận thức về môi trường của người tiêu dùng là thách thức hàng đầu đối với việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn đối với các tổ chức, công ty, kể cả các đơn vị lớn như các doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).

Không chỉ PRO Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới với tiềm lực mạnh mẽ cũng đều đang gặp khó với kinh tế tuần hoàn. Lý giải về điều này, theo bà Eliana Vasileiou, chuyên gia môi trường thuộc tổ chức EKO, Hy Lạp, đổi mới sáng tạo và công nghệ không đủ để “thúc đẩy những thay đổi mang tính hệ thống cần thiết để tạo ra chuyển biến trong mô hình kinh tế”.

Theo chuyên gia đến từ châu Âu, tạo ra sự thay đổi cần phải được tiến hành “từ nhỏ tới lớn”, từ cá nhân tới tập thể, từ trẻ em cho tới người lớn thông qua các công tác tuyên truyền, truyền thông và đặc biệt là giáo dục.

“Reo rắc” nhận thức và tư duy tuần hoàn

Các trường học ở Việt Nam cũng đang đưa những nội dung về môi trường vào một số môn học và các tiết ngoại khóa, sinh hoạt. Tuy nhiên, theo bà Vasileiou, nhà trường nên có nhiều hơn các nội dung về tính tuần hoàn, như các bài học về tái sử dụng đồ cũ, thực hành phân loại rác thải tại nguồn…

Tiếp cận và thực hành các bài học ấy sẽ giúp lớp trẻ nhanh chóng hình thành thói quen, dễ dàng hơn rất nhiều so với công tác tuyên truyền, giáo dục người trưởng thành. Như vậy, nếu triển khai trên diện rộng và đạt hiệu quả cao thì vấn đề ở mắt xích quan trọng nhất đối với các đơn vị thu gom, tái chế là thái độ của người tiêu dùng sẽ được giải quyết.

Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào giáo dục
Cách tiếp cận dễ hiểu về kinh tế tuần hoàn và nguyên tắc 3R trong sách 'Cùng học về 3R'.

Gần đây, sách “Cùng học về 3R” của Bộ Môi trường Nhật Bản được dịch và phát hành dưới sự tài trợ của PRO Việt Nam với 2 phiên bản. Trong đó, phiên bản dành cho trẻ em đã được đưa vào một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các bài học trong cuốn sách được thiết kế đơn giản, sinh động, gợi mở cho các bạn nhỏ thực hành những điều nhỏ bé, từ việc dùng lại chai nhựa để đựng nước, san sẻ quần áo cũ với bạn bè, anh chị em cho tới phân biệt các ký hiệu để phân loại rác thải. Những khái niệm cơ bản về kinh tế tuần hoàn cũng được tiếp cận theo cách dễ hiểu nhất.

Đây cũng là hướng tiếp cận của sách “Giải cứu Trái Đất trong 365 ngày” do nhà báo Hoàng Anh Tú biên soạn, với những “tips” đơn giản để cha mẹ và con cái có thể cùng nhau thực hiện, từ đó rèn luyện lối sống xanh, xây dựng ý thức về môi trường.

Tuy nhiên, những hoạt động kể trên chỉ mang tính tự phát, thí điểm đến từ cá nhân và đơn vị tư nhân. Để thực sự tạo ra hiệu quả lan tỏa, cần phải có những hành động mang tính hệ thống hơn từ phía ngành giáo dục, ngành tài nguyên môi trường cũng như các bộ, ban, ngành liên quan.

Mới đây, tham vấn về Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2030, hướng tới 2045, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết cần có giải pháp đem lại tư duy xanh cho thế hệ trẻ sớm nhất có thể để tạo ra nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.