Lý do Hòa Phát dự báo ngành thép sẽ rất 'thê thảm'

Trần Anh - 09:28, 25/05/2022

TheLEADERHoạt động kinh doanh của ngành thép được dự báo sẽ ảnh hưởng nặng nề trong năm nay khi chịu áp lực giá bán giảm và chi phí đầu vào tăng cao.

Lý do Hòa Phát dự báo ngành thép sẽ rất 'thê thảm'
Hòa Phát là nhà sản xuất thép số 1 của Việt Nam

Tại ĐHCĐ diễn ra hôm qua (24/5), ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ ngành thép đang không thuận lợi. Bất chấp kết quả kinh doanh quý I khá tốt, ông Long cho rằng, ngành thép trong các quý tiếp theo sẽ tương đối “thê thảm”.

Hai nguyên nhân chính được đưa ra là chiến tranh Nga - Ukraina đẩy giá nguyên liệu tăng cao và chính sách Zero Covid tại Trung Quốc đang khiến nhu cầu tiêu thụ thép chậm lại.

Nhìn nhận về mối lo ngại tương lai của ngành thép, nhóm phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, các doanh nghiệp ngành thép đều đang phải đối mặt với khó khăn kép đó là giá thép đang chịu áp lực giảm trong khi chi phí đầu vào tăng cao.

Tại châu Âu, tâm lý thị trường thép châu Âu hoảng loạn bởi chiến sự Nga - Ukraina bùng nổ đã phản ánh vào giá thép tại thị trường này giai đoạn đầu tháng 3 đến đầu tháng 4 với giá HRC giao ngay tăng vọt từ 1.068 USD/tấn lên 1.584 USD/tấn. Các lệnh trừng phạt của EU với Nga và sự tàn phá của chiến tranh khiến các nhà máy lo ngại chi phí sản xuất cao do giá năng lượng tăng.

Ngược lại, người mua e ngại viễn cảnh nguồn cung thép từ các nhà cung cấp lớn như Nga và Ukraina sẽ bị cắt đứt hoặc giảm mạnh và sản xuất thép nội khối sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ giữa tháng 4 đến nay, giá HRC giao ngay đã liên tục giảm, đạt 1.300 USD/tấn vào cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn giai đoạn trước chiến tranh.

Đối với các hợp đồng giao sau, giá HRC hiện chốt quanh mức 1.000 USD/tấn giao sau 2 tháng và 960-970 USD/tấn giao sau 3 tháng. Các mức giá này là thấp nhất từ khi chiến tranh bắt đầu và đã đi ngang. 

Hiệp hội thép châu Âu EUROFER gần đây đã đưa ra dự báo tiêu thụ thép của khu vực có thể giảm 1,9% trong năm nay thay vì tăng 3,2% như dự báo đưa ra trong tháng 2. Các nhân tố như giá năng lượng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và cú sốc chiến tranh có thể dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lâu bền sử dụng nhiều thép như ô tô và đồ điện gia dụng.

Tại Trung Quốc, các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt khiến tiêu thụ thép nội địa Trung Quốc suy yếu và các nhà máy phải giảm sản lượng trong khi đẩy mạnh xuất khẩu.

Sản xuất thép yếu tại Trung Quốc và nhiều nước khác bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày khiến giá phế liệu và giá quặng giảm theo. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng liên tục chào giá xuất khẩu thấp. Tình hình này đã tạo áp lực lên mặt bằng giá thế giới, kéo giá thép thành phẩm trong nước giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay.

Tuần trước, Hòa Phát đã công bố giá HRC cho đợt giao hàng tháng 7 với các mức giảm giá khá sâu. Về sản lượng xuất khẩu, VDSC cho rằng mức sản lượng cao cùng kỳ khó lặp lại, do các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng. Yếu tố tích cực hỗ trợ cho giá bán cả nội địa và xuất khẩu phục hồi sẽ nằm ở khả năng gia tăng tiêu thụ của thị trường Trung Quốc.

Đối với các nhà sản xuất từ thượng nguồn như Hòa Phát, giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là than luyện cốc tăng mạnh sẽ là một thách thức cho biên lợi nhuận. Trong khi các nước châu Âu và Nhật Bản tìm kiếm nguồn cung than thay thế cho Nga, Ấn Độ cũng tăng cường mua than dự trữ và Trung Quốc mới đây đã giảm thuế nhập khẩu than từ mức 3-6% về 0% từ tháng 5/2022 đến tháng 3/2023.

Mặc dù vậy giá than thế giới vẫn neo ở mức hơn 500 USD/tấn do nguồn cung hạn chế. VDSC cho rằng vị thế quan trọng của Nga trong nguồn cung năng lượng toàn cầu, chiến sự kéo dài và khó khăn của các nước trong tìm kiếm nguồn thay thế cho Nga có thể khiến giá than duy trì cao ít nhất đến đầu năm sau.