Masan vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng giá heo

Trần Anh - 14:45, 29/10/2018

TheLEADERTrong 9 tháng đầu năm, doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi của Masan Nutri Science giảm 31,2% so với cùng kỳ, ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh chung của tập đoàn Masan.

Tập đoàn Masan vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2018 với doanh thu thuần đạt 9.171 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 26.630 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 9 tháng đầu năm 2017.

Dù doanh thu giảm, Masan báo lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần, từ 1.466 tỷ đồng lên 4.336 tỷ đồng. Một trong các nguyên nhân là công ty phát sinh khoản thu nhập tài chính bất thường từ đánh giá lại khoản đầu tư vào Techcombank trị giá 1.472 tỷ đồng.

Với hoạt động kinh doanh chính, mảng là hàng tiêu dùng nhanh - Masan Consumer (MCH) và thức ăn chăn nuôi - Masan Nutri Science (MNS), tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của Masan. 

Trong 9 tháng đầu năm, MNS vẫn giảm 31% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chăn nuôi. Trong khi đó MCH tăng trưởng nhờ chiến lược mới trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.

Cụ thể, doanh thu của Masan Consumer đã tăng 33% nhờ áp dụng chiến lược ‘cao cấp hóa’ các nhãn hiệu lõi. Cả mặt hàng gia vị, mì ăn liền, cà phê đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhờ vào các sản phẩm cao cấp. 

Các thương hiệu mới ra đời, như nước tăng lực Wake-up 247 cũng cho thấy sức tăng trưởng ấn tượng 38% trong vòng 1 năm. Dự kiến, doanh thu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh vào cuối năm và tháng Tết, khi Masan Consumer tích cực chi tiền cho marketing và tung ra thị trường sản phẩm mới.

Ngoài ra, doanh thu cũng được cải thiện nhờ Masan tuân thủ chính sách hàng tồn kho thấp với mức dưới 1 tháng hàng tồn kho.

Mặc dù vậy, Masan Consumer vẫn đang gặp khó khăn trong việc chen chân vào ngành bia. Kết quả kinh doanh bia Sư tử trắng đạt thấp hơn so với kế hoạch năm. Ban điều hành công ty đánh giá, việc tận dụng mô hình kênh phân phối thực và đồ uống hiện nay không phải là mô hình phù hợp mang tới thành công cho ngành bia. Ngành thịt chế biến cũng đang gặp nhiều khó khăn khi công ty tỏ ra thiếu ý tưởng với các sản phẩm mới.

Trong khi Masan Consumer cho thấy những chuyển biến tích cực thì một mảng kinh doanh lớn khác của Masan là thức ăn chăn nuôi lại là tác nhân chính khiến lợi nhuận chung của toàn tập đoàn giảm.

Quãng thời gian khủng hoảng giá heo năm ngoái đã khiến giá heo giảm sâu và nhu cầu thức ăn chăn nuôi gần như không còn. Masan Nutri Science hiện vẫn phải chịu hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng này. Quý 3, MNS đạt doanh thu 3.341 tỷ đồng, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, mảng này đạt doanh thu 10.035 tỷ đồng, giảm 31,2% so với cùng kỳ.

Masan vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng giá heo
Masan Nutri-Science vẫn bị ảnh hưởng nặng do khủng hoảng giá heo

Ban lãnh đạo công ty đánh giá, dù doanh thu thức ăn chăn cho heo đã tăng nhẹ vào quý 3/2018, sẽ phải cần thêm 6 tháng nữa để có thể hồi phục hoàn toàn. Hiện tại, các hộ chăn nuôi heo đã cảm thấy tự tin hơn và bắt đầu tái đàn nhờ vào giá heo ổn định ở mức 45.000-50.000 đồng/kg trong 2 quý vừa qua.

Thị trường hồi phục chậm hơn do giai đoạn phát triển của heo bao gồm 5 tháng để heo nái nằm ổ và sinh con, mất thêm 4 tháng để heo con phát triển thành heo thịt. Do vậy, Ban Điều hành dự tính thị trường thức ăn chăn nuôi thương mại sẽ hồi phục trong năm 2019 với mức tăng trưởng khoảng 10% và bắt đầu từ quý 1.

Để đạt được hiệu quả hoạt động, MNS đã tổ chức lại mô hình đội ngũ kinh doanh. Doanh thu trung bình trên mỗi nhân viên đã tăng lên 4,4 tỷ đồng trong quý 3 từ mức 2,9 tỷ đồng trong quý 1. Công ty cũng chuyển dần từ mô hình thức ăn chăn nuôi sang kinh doanh thịt tươi sống vào cuối năm nay.

Một mảng kinh doanh khác của Masan là khai thác và chế biến khoáng sản, Masan Resources (MSR) ghi nhận kết quả tích cực. Trong quý 3, doanh thu mảng này đạt 1.449 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ. 

Phía MSR cho biết, giá vonfram đã giảm nhẹ trong quý 3 do tính chất mùa vụ tại Châu Âu và những bất ổn trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn cung tinh quặng vonfram vẫn tiếp tục bị thu hẹp trên toàn cầu. Do các mỏ vonfram ngoài Trung Quốc gần đây bị đóng cửa, Ban Điều hành dự đoán giá vonfram sẽ tăng trở lại mức giá 300 USD/mtu trong quý cuối năm.

Giá đồng thấp do chiến tranh thương mại Mỹ Trung và nhu cầu về đồng thấp nên giá thấp hơn mong đợi. MSR mất cơ hội ghi nhận doanh thu khoảng 650 tỷ đồng và EBITDA khoảng 400 tỷ đồng trong Q3/2018 liên quan đến đồng. Tuy nhiên, Ban Điều hành cho rằng doanh thu từ đồng sẽ tăng trở lại vào Q4/2018 do giá đồng tốt hơn và nhu cầu tăng.

Với Techcombank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2018 của Techcombank, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) cao, ở mức 25,4%. Ban điều hành Masan đánh giá, ngân hàng này đang trên đi đúng kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 10 ngàn tỷ đồng cho năm 2018.