Mây bay lảng bảng trên “Mùa vàng Hồng Thái”

Hường Hoàng - 11:08, 11/10/2022

TheLEADERVề với xã Hồng Thái, tỉnh Tuyên Quang những ngày tháng 10 cuối thu, nhiều du khách không khỏi nao lòng khi bắt gặp những đám mây vấn vít lưng chừng những con đèo, những dãy núi hay sà xuống lưng chừng những thửa ruộng bậc thang vàng ươm trong ráng chiều.

Mây bay lảng bảng trên “Mùa vàng Hồng Thái”
Những du khách Hà Nội trong trang phục của người Dao Tiền trong Lễ hội Mùa vàng Hồng Thái (Ảnh: Nguyễn Tiến Cường)

Cách thành phố Tuyên Quang khoảng 150 km, cách trung tâm huyện Na Hang 40 km về phía Đông Bắc, Hồng Thái hiện ra với những con đường nho nhỏ dẫn lên đỉnh đồi có những nóc nhà lợp mái âm dương. Và dưới chân những đỉnh đồi ấy là những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp làm du khách phải dừng chân kinh ngạc.

Buổi sáng ở Hồng Thái, du khách có thể dậy sớm ngắm bình minh, săn mây, ngắm hoặc trải nghiệm mặc trang phục truyền thống của những cô gái Dao Tiền với tông màu chủ đạo là màu đen, trang trí những đồng tiền bằng bạc lung linh trên cổ áo. Thấp thoáng, có thiếu nữ Dao Đỏ đeo những bông len đỏ rực rỡ đi trẩy hội.

Mây bay lảng bảng trên “Mùa vàng Hồng Thái”
Du khách check in với trang phục của người Dao Tiền (Ảnh: Ngọc Tuyết)

Vào dịp 7/10-9/10 năm nay, Hồng Thái đã tổ chức lễ hội “Mùa Vàng Hồng Thái”, thu hút rất nhiều bà con trong khu vực và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn và tận hưởng không khí thoáng đãng, mát mẻ của mảnh đất cao ráo vùng Đông Bắc này. Lễ hội là dịp để bà con nơi đây chào mừng một mùa vụ bội thu, để trai gái trong thôn bản tụ tập và tham gia những lễ hội rất đặc trưng của vùng này.

Lễ hội “Mùa vàng Hồng Thái” bắt đầu bằng một cuộc thi gặt lúa. Cuộc thi có 5 đội tham gia với những người phụ nữ tay liềm tay hái và những người đàn ông thoăn thoắt bưng lúa vào bồ, đập lúa. Từ sáng sớm, người dân từ các thôn bản đã đổ dồn hết về nơi đây, reo hò cổ vũ cho các đội thi xung quanh ruộng lúa.

Mây bay lảng bảng trên “Mùa vàng Hồng Thái” 1
Đội thi giành giải nhất trong cuộc thi gặt lúa ở Mùa vàng Hồng Thái (Ảnh: Hoàng Lê)

Trong khuôn khổ của “Mùa vàng Hồng Thái” năm nay, Hồng Thái còn tổ chức giải đua xe đạp vòng quanh những rẻo đường lúa vàng quanh xã. Trong không khí lành lạnh của buổi sớm mai, những chiếc xe đạp lao vun vút từ trên những đoạn đường rất dốc, đặc trưng của Hồng Thái. Tất cả đều đem đến một không khí náo nức, vui tươi cho thôn bản vào phiên hội ngày mùa.

Sau chương trình thi gặt lúa và đua xe đạp là chương trình bay dù lượn trên đỉnh đồi. Người dân từ khắp nơi với đủ các lứa tuổi, từ những cô bé, cậu bé bản cho đến những ông bố bà mẹ cõng con, các du khách leo qua hai khoảng đồi dốc đứng... đã đổ về đây để ngắm nghía và trải nghiệm chương trình thú vị này.

Mây bay lảng bảng trên “Mùa vàng Hồng Thái” 2
Công tác chuẩn bị nhảy dù trên mùa vàng (Ảnh: Ngọc Tuyết)

Đặc biệt, buổi tối ngày khai hội, người dân địa phương còn tổ chức lễ hội nhảy lửa của người Dao Tiền. Trong lễ hội này, 12 người ông Dao Tiền cùng với nhau ngồi quây quần quanh một đống lửa to. Cùng với tiếng nhạc, tiếng trống dập dìu thúc giục, từng người, từng người một nhảy chân trần vào đống lửa, dùng tay trần hất than đỏ tung tóe. Nhưng tuyệt nhiên, không một ai bị bỏng!

Mây bay lảng bảng trên “Mùa vàng Hồng Thái” 3
Lễ hội nhảy lửa của người Dao Tiền, Hồng Thái (Ảnh: Hoàng Lê)

Lễ hội nhảy lửa của người Dao Tiền thường được tổ chức vào mỗi dịp đặc biệt như khi Tết đến, xuân về; đón mùa lúa mới… để mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong thôn bản mạnh khỏe, giàu, đẹp. Đây là một nét độc đáo trong văn hóa người Dao Tiền luôn được Hồng Thái gìn giữ, cho đến ngày nay.

Mây bay lảng bảng trên “Mùa vàng Hồng Thái” 4
Trang phục đặc trưng của những cô gái Dao Đỏ tại Hồng Thái (Ảnh: Hoàng Lê)

Song hành với đó, xuyên suốt lễ hội, người dân bày bán những đặc sản địa phương, từ những sản phẩm tươi sống như cá chép đồng, hồng ngâm, lê cho đến những sản phẩm OCOP được địa phương phát triển từ lâu. Lễ hội “Mùa vàng Hồng Thái” năm nay đã đem lại những ấn tượng khó phai trong lòng nhân dân bản địa và thập khách tứ phương.

Chị Nông Mi Sa, khách du lịch Hà Nội, cho biết: “Hôm nay mình được khoác lên người bộ quần áo của người Hồng Thái, mình cảm thấy rất là xinh. Mùa vàng Hồng Thái rất là đẹp và bản sắc văn hóa cũng hết sức thú vị. Đây là tiềm năng thu hút khách du lịch đến Hồng Thái mỗi năm”.

Trong khi đó, chị Kim Liên, du khách Đà Nẵng cho biết, là người con của một thành phố biển, khi đến với đồng, với ruộng, với thiên nhiên, văn hóa và con người nơi đây, chị chỉ muốn ở mãi mà chẳng muốn về.

Những năm gần đây, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang được biết đến với tên gọi “Sapa của Tuyên Quang”. Không chỉ có không khí mát mẻ, Hồng Thái còn nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang trải dài trập trùng, lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Ngoài mùa vàng tháng 9, tháng 10, Hồng Thái còn rực rỡ vào mùa hoa lê trắng sau Tết, hoa cải vàng tháng 11, 12 và mùa hồng mỗi đợt thu về.

Những ưu đãi của thiên nhiên trù phù phú cùng với văn hóa bản địa đã làm nên tiềm năng du lịch của Hồng Thái nói riêng và Na Hang nói chung. Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón hơn 350.000 lượt khách, thu trên 430 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng hơn 5.600 lao động từ hoạt động du lịch.