Mì ăn liền Việt đón tin vui từ EU

Nhật Hạ - 14:02, 15/06/2024

TheLEADERTừ ngày 2/7, mì ăn liền Việt Nam sẽ chính thức được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại Liên minh châu Âu (EU).

Sau 2,5 năm nỗ lực kiểm soát chất lượng của Bộ Công thương và liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt, mới đây EU đã thông báo đưa mì ăn liền của Việt Nam ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm từ ngày 2/7/2024.

Động thái này đã mở ra cơ hội rất lớn cho mì ăn liền Việt, dễ dàng tiếp cận thị trường EU với 450 triệu dân.

Trước đó, EU đưa các loại bún, miến, mì của Việt Nam vào phụ lục II để kiểm soát dư lượng ethylene oxide từ tháng 1/2022.

Từ thời điểm đó, mặt hàng này khi xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 50% và kèm theo giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.

Việc cấp chứng nhận cho từng lô hàng mì ăn liền xuất khẩu vào EU đã tạo gánh nặng đáng kể về hành chính và chi phí thương mại đối với Việt Nam.

Điều này cũng đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt như Công ty CP Acecook Việt Nam; Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm ViệtNam, Công ty CP Thực phẩm Á Châu, Công ty CP thực phẩm Thiên Hương.

Bên cạnh mì ăn liền, trong động thái mới nhất, EU cũng đã điều chỉnh quy định kiểm tra đối với một số sản phẩm nông sản, thực phẩm khác của Việt Nam.

Đối với thanh long, tần suất kiểm tra tại biên giới được tăng từ 20% lên 30%.

Mặt hàng ớt được chuyển từ Phụ lục I sang Phụ lục II. Cụ thể các lô hàng ngoài chịu tần suất kiểm tra 50% còn phải kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.

Đậu bắp vẫn giữ nguyên phụ lục II. Mặt hàng sầu riêng vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra 10%.

Để tiếp tục xuất khẩu ổn định vào EU cũng như bảo vệ uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, lương thực thực phẩm cần nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của EU.

Theo cơ quan này, các sản phẩm nông sản, thực phẩm muốn nhập khẩu vào EU phải đảm tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của thị trường EU.

Đơn cử như quy định về mức dư lượng tối đa cho phép, mức dư lượng kháng sinh, các quy định về chất phụ gia thực phẩm, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, quy định về sản phẩm phối trộn, truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở chế biến, quy định IUU, quy định chống phá rừng.

Hiện EU chia sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu thành hai loại: ít rủi ro và rủi ro cao.

Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ cần nhiều biện pháp soát theo quy định 2019/1973.