Miền đất hứa cho sản xuất công nghiệp

Tùng Anh - 09:11, 28/11/2023

TheLEADERVới môi trường kinh doanh minh bạch, hướng tới các nhà đầu tư và đề cao tinh thần đổi mới, Quảng Ninh được các nhà đầu tư chú ý tới như một miền đất hứa mới cho ngành sản xuất công nghiệp.

Miền đất hứa cho sản xuất công nghiệp
Hoạt động của nhà máy Yazaki tại Quảng Ninh

Là một công ty chuyên sản xuất và bán dây điện tự động cho sản xuất ô tô, Yazaki Việt Nam là một trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh. 

Chia sẻ về việc chọn Quảng Ninh để đặt nhà máy thứ ba tại Việt Nam vào năm 2014, ông Mizuta Kazunori, Tổng giám đốc của Yazaki Vietnam nhấn mạnh ba lý do.

Thứ nhất, Yazaki tập trung chủ yếu vào xuất khẩu sản phẩm đến các khu vực như Nhật Bản, do đó việc có khu công nghiệp kèm khu vực miễn thuế quan là điểm quan trọng.

“Chúng tôi đã quyết định mở nhà máy tại khu công nghiệp Đông Mai vì đáp ứng hai yêu cầu quan trọng này”, ông Mizuta cho biết.

Thứ hai, khu công nghiệp Đông Mai nằm gần thành phố Hải Phòng, nơi có nhà máy chính của Yazaki, nhờ đó dễ dàng di chuyển bằng ô tô. Đây cũng là một yếu tố quan trọng cho việc hỗ trợ khẩn cấp và di chuyển hướng dẫn viên đào tạo cho nhân viên mới.

Thứ ba, do đặc thù sản phẩm, việc lắp ráp đòi hỏi một lượng lớn lao động, do vậy việc bảo đảm nguồn nhân lực và chi phí lao động rất quan trọng. Quảng Ninh tại thời điểm năm 2014 thuộc cấp độ 3 (hiện nay là cấp độ 2) về mức lương khu vực. 

Vì vậy chi phí lao động ở đây có ưu thế hơn so với Hải Phòng. Lúc đó, khu vực mà công ty đến từ Nhật Bản chọn đặt nhà máy chưa có nhiều công ty lớn nên việc thuê được nhân công cũng dễ dàng hơn.

Sau khi mở nhà máy tại đây, sự thay đổi lớn mà doanh nghiệp ghi nhận được nằm ở việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông.

Đặc biệt là việc xây dựng đường cao tốc đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển linh kiện và sản phẩm. Ngoài ra, việc xây dựng các tuyến đường vận chuyển hàng hóa ổn định và tiện lợi cũng là một điểm tích cực.

Có cùng quan điểm, ông Đặng Minh Đức, Phó tổng giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (DEEP C Quảng Ninh) cho rằng, Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu cả nước về mọi mặt. 

Miền đất hứa cho sản xuất công nghiệp
Ông Đặng Minh Đức, Phó tổng giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong

Cụ thể, Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu văn minh, hiện đại. Đây là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch và là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Với mạng lưới hạ tầng phát triển đồng bộ đã đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối thuận lợi, mở rộng cánh cửa kết nối Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc, đón nhận nhiều cơ hội mới.

Với môi trường kinh doanh minh bạch, hướng tới các nhà đầu tư và đề cao tinh thần đổi mới, Quảng Ninh được các nhà đầu tư chú ý tới như một miền đất hứa mới cho ngành sản xuất công nghiệp.

“Chúng tôi bị ấn tượng bởi tầm nhìn, chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, do vậy đã lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư”, ông Đức chia sẻ.

Một điều đặc biệt khác mà các nhà đầu tư ấn tượng với Quảng Ninh là chính quyền luôn cầu thị và lắng nghe tiếng nói của nhà đầu tư, từ đó nhìn nhận vấn đề và tìm cách giải quyết. 

Hàng năm, lãnh đạo cấp cao của tỉnh luôn có các cuộc gặp với doanh nghiệp và lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ.

“Chúng tôi đánh giá cao sự lắng nghe của UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh cùng các cơ quan liên quan, đã tạo cơ hội lắng nghe ý kiến của cộng đồng nhà đầu tư, các ý kiến từ người lao động trực tiếp tại hiện trường”, ông Mizuta nói.

Mới đây nhất, trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nhật Bản – Quảng Ninh năm 2023, ông Mizuta đã đại diện rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ về những khó khăn cũng như mong muốn của họ đến với chính quyền tỉnh Quảng Ninh.

Miền đất hứa cho sản xuất công nghiệp 1
Ông Mizuta Kazunori, Tổng giám đốc của Yazaki Vietnam

Một trong những thách thức các công ty đã đầu tư vào Quảng Ninh gặp phải, theo lãnh đạo Yazaki là vấn đề nguồn nhân lực.

Trong những năm gần đây, khi nhiều công ty từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác đầu tư vào khu vực phía Bắc của Việt Nam, việc đảm bảo nguồn nhân lực trở nên khó khăn hơn.

Hơn nữa, khi cạnh tranh nguồn nhân lực trở nên căng thẳng hơn, chi phí lao động cũng tăng lên, tạo áp lực lớn đối với hoạt động kinh doanh của công ty.

Ngoài ra, khu vực phía Bắc Việt Nam thường gặp tình trạng thiếu nước từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, gây ra tình trạng thiếu điện và vấn đề này vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, việc cung cấp điện ổn định là một yếu tố không thể thiếu đối với sản xuất ổn định.

Đưa ra lời đề xuất đối với lãnh đạo chính quyền Quảng Ninh, vị đại diện doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn có chính sách thuế thuận lợi cho người lao động, cải thiện việc cung cấp nhà ở để thu hút và giữ chân nhân tài. 

Ông cho rằng các yếu tố này rất quan trọng trong quá trình cân nhắc đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai.

Thứ hai, vị doanh nhân người Nhật Bản mong muốn Việt Nam xem xét việc cung cấp nguồn điện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đối với các công ty Nhật Bản, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, việc chuyển đổi sang các giải pháp hóa thạch thấp là cực kỳ cấp bách.

"Nếu có thể tập trung vào cải thiện hạ tầng để chuyển từ cung cấp điện của các doanh nghiệp nhà nước sang hạ tầng hỗ trợ xã hội cùng với thúc đẩy xã hội không khí thải, điều này sẽ trở thành một điểm hấp dẫn lớn đối với các công ty Nhật Bản định đầu tư vào tương lai”, ông Mizuta nói.