Dự luật Forest Act có thể sớm được Chính phủ Mỹ thông qua, nếu điều này thành hiện thực, tác động sẽ không nhỏ lên Việt Nam.
“Forest Act là vấn đề đặc biệt quan trọng”, Tiến sĩ Tô Xuân
Phúc, giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức
Forest Trends (Mỹ), trao đổi với TheLEADER chiều 26/8.
Tiến sĩ Phúc nói có ba điểm khác biệt lớn nhất của dự
luật Forest Act so với EUDR (Quy định về phá rừng của Liên minh châu Âu).
Thứ nhất, có 5 loại hàng hoá được kiểm soát, gồm: dầu cọ, đậu
nành, sản phẩm từ gia súc, ca cao và cao su, không có cà phê và gỗ. Hiện gỗ đã
nằm trong phạm vi của Đạo luật Lacey Act mà Mỹ đang áp dụng.
Thứ hai, không có thời điểm quy định mất rừng, mà chỉ tính đối
với các diện tích rừng mất bất hợp pháp. Trường hợp mất rừng do chính phủ nước
sản xuất cho phép vẫn được xem xét. Ví dụ, chính phủ cho chuyển đổi rừng sang
trồng cao su.
Thứ ba, yêu cầu thông tin về vị trí địa lý nhưng có thể không
quy định toạ độ cụ thể.
Forest Act, một dự luật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các sản
phẩm liên quan đến nạn phá rừng bất hợp pháp của Hoa Kỳ đã được trình lại lên
Quốc hội vào tháng 11 năm 2023, sau khi một phiên bản trước đó không nhận được
đủ sự ủng hộ.
Hơn thế, bất chấp dự luật Forest Act tiến triển chậm, nước Mỹ vẫn tiếp
tục thúc đẩy yêu cầu đối với các sản phẩm được sản xuất trên đất bị phá rừng.
Theo Trase do Global Witness, từ tháng 10/2021 đến tháng 11/2023,
khoảng thời gian giữa lần đầu tiên dự luật Forest Act được trình và lần trình lại,
việc nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng được chỉ định của Mỹ đã khiến nước này phải đối mặt với
123.000 ha rừng bị phá ở các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Diện tích 123.000 ha rừng tương đương với thành phố Los
Angeles, cho thấy việc phê duyệt nhanh chóng Đạo luật có thể giúp giảm tác động
của việc tiêu thụ tại Mỹ đối với rừng trên thế giới.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt
Nam. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 97 tỷ USD, giảm 11,3% so với
năm 2022 và chiếm tỷ trọng 27,3% tổng xuất khẩu của cả nước, theo Báo cáo Xuất
nhập khẩu Việt Nam của Bộ Công Thương.