Nắm bắt cơ hội xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam

Đặng Hoa (thực hiện) - 08:00, 10/02/2021

TheLEADER“Tôi kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là một đất nước an toàn, tăng trưởng cao, lấy hạnh phúc của người dân làm chủ đạo cho triết lý phát triển, trên nền tảng một nền kinh tế sáng tạo bền vững”, GS.TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).

Bối cảnh bất ổn chính trị, căng thẳng và chiến tranh thương mại, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, cùng với sự xuất hiện bất ngờ và tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 đã tạo nên một bức tranh rất tối màu trên toàn cầu. 

Đa số quốc gia trên thể giới đều rơi vào suy thoái do phải phong tỏa và áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để chống dịch, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng âm và suy giảm sâu.

Việt Nam trở thành một điểm sáng bất chấp đại dịch, khi là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP dương trong năm 2020, với mức tăng 2,91% so với năm 2019, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng 28/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế”.

Trong bối cảnh đó, GS.TS Nguyễn Đức Khương đánh giá, Việt Nam đang có cơ hội để xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam. Có thể là “Việt Nam – đất nước của sáng tạo” trên nền tảng một nền kinh tế tự cường, bền vững và có khả năng chống chịu cao với bất ổn từ bên ngoài.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam 2020, theo giáo sư, đâu là những điểm nhấn?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Kinh tế Việt Nam có một năm thành công ấn tượng. Điểm nhấn quan trọng nhất của Việt Nam là thành công trong việc thực thi “mục tiêu kép”, một minh chứng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể vừa chống dịch và phát triển kinh tế. Covid-19 là một phép thử, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học lớn và cũng mở ra những cơ hội phát triển mới. Việt Nam đã tìm thấy cơ hội trong khó khăn, có tinh thần quật khởi như trong chiến tranh chống ngoại xâm.

Nắm bắt cơ hội xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam
GS.TS Nguyễn Đức Khương

Không chỉ nằm trong các nước có mức tăng trưởng cao nhất và có một môi trường vĩ mô ổn định, năng lực “kháng cự” còn thể hiện ở cả ba khu vực kinh tế gồm: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; và dịch vụ. Sự quan tâm của Nhà nước đến việc nâng cao chất lượng của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cộng đồng, đã đem lại kết quả tích cực.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5,1% so với năm 2019 (xấp xỉ 544 tỷ USD) và xuất siêu đạt 19 tỷ USD, ngay cả khi thương mại toàn cầu suy giảm khoảng 5,6%.

Quan trọng hơn cả là Việt Nam xây được hình ảnh một nền kinh tế mở, năng động, và tiên phong thúc đẩy thương mại đa phương cùng có lợi. Từ thế kỷ 21 này trở đi, không quốc gia nào giành được sự tôn trọng của thế giới nếu chỉ nghĩ đến mình, vì lợi ích ngắn hạn của mình.

Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt vào tháng 6/2020 cũng đánh dấu quyết tâm cao và khát vọng lớn của nước ta trong xây dựng quốc gia số, kinh tế số, và xã hội số. Có thể coi chuyển đổi số là bệ phóng cho quỹ đạo tăng trưởng mới của Việt Nam trong kỷ nguyên số, tự động hoá và dữ liệu lớn.

Liệu có điều gì Việt Nam đã có thể làm tốt hơn trong việc hoàn thành mục tiêu kép: vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế trong năm qua?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Nền kinh tế mở của Việt Nam chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ từ những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng do Covid-19, sự thay đổi quan hệ kinh tế giữa các nước lớn, và biến động cục diện địa chính trị trên toàn thế giới.

Những gì Việt Nam đạt được đã phần nào vượt qua kỳ vọng của các chuyên gia và nhà quan sát quốc tế. Rất nhiều dự báo triển vọng kinh tế cho rằng Việt Nam là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài và có cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất mới.

Thành tựu của 2020 có thể lớn hơn nữa nếu chúng ta có năng lực phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả hơn trên mặt trận sản xuất, xuất khẩu, ví dụ như một số mặt hàng nhu yếu phẩm, vật tư, thiết bị y tế khi các nước khác “quay mặt” lại với hàng Trung Quốc thì hãy tận dụng cơ hội để chuyển giao công nghệ nhanh phục vụ cho sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng ta cũng có thể nỗ lực chuẩn bị nhiều hơn cho việc tìm hiểu, tiếp cận với nguồn vốn và công nghệ cao từ các nước phát triển thông qua các hiệp định thương mại mới được ký kết gần đây (RCEP, EVFTA).

Ngoài ra, quan tâm hơn đến các biện pháp phòng vệ thương mại và kiểm soát tốt hơn nguồn gốc hàng hóa xuất nhập khẩu cũng hết sức cần thiết. Lý do là sự suy giảm của kinh tế toàn cầu sẽ đẩy sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt hơn và các biện pháp “tiêu cực” như cáo buộc bán phá giá hay thao túng tiền tệ sẽ được sử dụng nhiều hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã tạo được nhiều lợi thế nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh. Quan điểm của ông như thế nào? Đâu là các lợi thế và làm thế nào để có thể tận dụng được lợi thế đó?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Kiểm soát dịch bệnh trước hết là ưu tiên số một. Người dân có khỏe và an tâm thì các hoạt động kinh tế xã hội mới có thể tiếp tục diễn ra. Nhiều quốc gia làm nửa chừng đã khiến tình trạng phức tạp hơn do buộc phải phong tỏa và nới lỏng liên tục. Kiểm soát được dịch bệnh trong hội nhập và toàn cầu hoá chỉ nên được coi một lợi thế tương đối.

Với việc kiểm soát cơ bản được dịch bệnh, rõ ràng Việt Nam có lợi thế về mặt thời gian để thúc đẩy trở lại các hoạt động kinh tế, tiêu dùng và thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là khoảng lặng quý báu để Chính phủ xem xét cơ cấu lại nền kinh tế, các doanh nghiệp tìm kiếm những mô hình kinh doanh bền vững hơn, linh hoạt hơn và có khả năng “chống chịu” cao hơn với biến động bên ngoài.

Lợi thế lớn mà Việt Nam đang có đến từ nội tại. Đó là tinh thần đoàn kết của một dân tộc trước khó khăn thách thức. Đó là khát khao đưa nước ta sánh vai các cường quốc năm châu trong hai thập kỷ tới đây. Và đó cũng là sự vươn lên của tinh thần, văn hóa khởi nghiệp sáng nghiệp.

Trên bình diện quốc tế, điểm cộng đang được dành cho các quốc gia có đường lối chính sách nhất quán, gây dựng được lòng tin chiến lược với các đối tác và thúc đẩy hòa bình, ổn định trên thế giới. Việt Nam có được hình ảnh và lòng tin này. Nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn đang hướng đến Việt Nam trong chiến lược đa dang hóa đối tác, nguồn hàng, và thị trường của họ.

Để tận dụng tốt lợi thế này, ngoài một môi trường chính sách minh bạch và thông thoáng, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân cần có tâm lý sẵn sàng cho những cuộc chơi lớn, bình đẳng và cùng có lợi với quốc tế.

Như vậy có thể coi Việt Nam là một lựa chọn điểm đến hàng đầu trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? Muốn hút được dòng dịch chuyển đó, Việt Nam cần có thêm/thay đổi những điều gì?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam đang là một số ít các quốc gia được quan tâm, có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất mới, năng động của châu Á. Thực tế, một số tập đoàn đa quốc gia, như Apple (Mỹ) hay Hoya (Nhật) đã và đang dịch chuyển đầu tư, dây chuyền sản xuất đến Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ hội đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một tầm nhìn trong ngắn hạn. Các cơ hội này có thể thay đổi khi các nước điều chỉnh đối sách. Để khai thác thời cơ, Việt Nam không nên chờ các dòng vốn này chảy đến mà cần chủ động tìm và thu hút vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với những ưu tiên phát triển của mình. Vai trò của các thương vụ ở nước ngoài, các tập đoàn đầu tầu và các hiệp hội xúc tiến thương mại ở giai đoạn này rất quan trọng.

Không chỉ kêu gọi đầu tư, mà cần phải có sự chuẩn bị kỹ và đặt ra những yêu cầu cụ thể cho các doanh nghiệp FDI để tạo ra hiệu ứng ngoại biên tích cực (môi trường, chuyển giao công nghệ, sử dụng lao động trong nước ở những khâu quản lý – điều hành, đào tạo…).

Đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng cơ sở để tăng năng suất, đồng thời tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua nghiên cứu và phát triển, cải tiến công nghệ, và kỹ năng quản lý, điều hành.

Việt Nam cần xúc tiến thương mại chủ động và tiếp tục nỗ lực nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sự ra đời của cổng thông tin điện tử về FTA trong những ngày cuối năm 2020 là một bước tiến lớn (https://fta.moit.gov.vn). Khi chủ nghĩa bảo hộ đưa đến gia tăng bất định trong chính sách thương mại thì các FTA góp phần hạn chế các rủi ro, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và gia nhập thị trường xuất khẩu.

Nắm bắt cơ hội xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam 1
GS.TS Nguyễn Đức Khương

Có bài học nào về công tác quản trị mà chúng ta có thể học được từ đại dịch Covid-19, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Tôi cho rằng điều đáng ghi nhận nhất chính là chiến lược chống dịch kiên định, nghiêm ngặt và quyết liệt, đặt hạnh phúc, sức khoẻ của người dân làm gốc.

Tiếp đến, truyền thông rõ ràng minh bạch đã tạo dựng niềm tin và sức mạnh hành động từ toàn bộ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Rất nhiều sáng kiến có ý nghĩa đến từ sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, doanh nghiệp. Ví dụ như đưa vào sử dụng ứng dụng Bluezone để cảnh báo tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, máy ATM gạo và khẩu trang miễn phí phát cho người dân… Sức sáng tạo của xã hội là vô cùng lớn, có thể được vận dụng trong mọi hoàn cảnh.

Ở góc độ chính sách, nắm bắt thực tế nhanh và dự báo tốt các tình huống khác nhau để có sự chuẩn bị trước đem đến sự chủ động đáng quý. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động ở những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất thông qua kết hợp các biện pháp tài chính và thuế có mục tiêu cũng tạo ra sự ổn định, đảm bảo an sinh xã hội. Khi các hoạt động kinh tế còn bị đình trệ, Chính phủ đã tăng tốc thực hiện chương trình đầu tư công vào nhiều công trình hạ tầng cơ sở trọng điểm. Đây không chỉ là bước đệm duy trì hoạt động kinh tế, mà còn tạo việc làm, thúc đẩy tiêu dùng và tổng cầu, giải quyết những “nút thắt” trong giao thông đi lại, vận tải hàng hoá, kết nối vùng miền – địa phương.

Sau khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh, theo ông, các bước tiếp theo mà Chính phủ Việt Nam cần thực hiện là gì?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Chúng ta đang có cơ hội để xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam. Có thể là “Việt Nam - đất nước của sáng tạo” trên nền tảng một nền kinh tế tự cường, bền vững và có khả năng chống chịu cao với bất ổn từ bên ngoài.

Điều này gắn chặt với sự chủ động về nguồn nguyên liệu, cải thiện năng lực sản xuất và cạnh tranh của các doanh nghiệp, đánh giá đúng mức tầm quan trọng của thị trường trong nước và tập trung vào các giải pháp đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng năng suất.

Với độ mở kinh tế lớn và đang là thị trường thu hút ngày một nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), cuộc chơi kinh tế toàn cầu buộc Việt Nam phải tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nhiều mặt hàng nhập khẩu doanh nghiệp trong nước có thể làm, nhưng họ chưa có được những ưu đãi về thuế và chính sách cần thiết.

Đột phá có thể đến khi khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại hóa các ý tưởng kinh doanh mới, lựa chọn “make in Vietnam”.

Nâng cao chất lượng đào tạo ở trường đại học, cao đẳng và trường nghề thông qua các chính sách gắn kết trường với doanh nghiệp, khuyến khích các chương trình đào tạo vừa học vừa làm trong các doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần một số trường đào tạo kỹ sư, công nghệ, và khoa học ứng dụng đẳng cấp để có nguồn lực chất lượng cao cho các lĩnh vực của Cách mạng công nghệ 4.0. Điều quan trọng là cần xoá bỏ được hình ảnh nguồn nhân lực nội địa rẻ và chất lượng thấp từ trước tới nay.

Theo ông, Việt Nam đã có thể đủ tự tin để bước vào năm mới với nhiều thách thức đang chờ đón phía trước?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam hoàn toàn tự tin để bước vào 2021 trên một nền tảng chắc chắn của những kết quả đạt được từ khó khăn trong năm 2020 và tiến bộ qua nhiều năm tăng trưởng cao gần đây.

Tinh thần vẫn nên sẵn sàng ứng phó với những tình huống phức tạp có thể xảy ra trong năm 2021. Hiện chúng ta vẫn còn trong giai đoạn “bình thường mới”. Khi nào người dân toàn cầu còn chưa được tiêm vắc xin và hết sợ dịch bệnh thì lúc đó những hạn chế đi lại, rào cản thương mại vẫn còn. Diễn biến dịch Covid-19 có thể phức tạp hơn với sự xuất hiện của một vài chủng mới đã được một số quốc gia ghi nhận.

Rà soát xuất xứ nguồn gốc hàng hóa và cân đối cán cân thương mại với các đối tác lớn cũng cần chú trọng nhằm hạn chế các xung đột lợi ích không cần thiết, ví dụ như việc Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, có thể đưa đến bất lợi về thuế quan đối với hàng xuất khẩu, hay thẻ vàng của EU đối với hàng thủy sản của Việt Nam.

Ông có kỳ vọng như thế nào về năm 2021 sắp tới?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Tôi kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là một đất nước an toàn, tăng trưởng cao, lấy hạnh phúc của người dân làm chủ đạo cho triết lý phát triển, trên nền tảng một nền kinh tế sáng tạo bền vững.

Tôi cũng kỳ vọng nước ta có ảnh hưởng quốc tế ngày một lớn hơn để thúc đẩy thịnh vượng chung cho toàn cầu, thông qua vai trò tiên phong trong khối ASEAN, các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức quốc tế, và đặc biệt hợp tác chặt chẽ hơn với các nước trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để tận dụng các chuẩn phát triển hiện đại nhất.

Xin cảm ơn ông!