‘Nắn dòng’ phế liệu tới các nhà tái chế tiên tiến, đạt chuẩn

Phạm Sơn - 16:01, 10/04/2023

TheLEADERCông cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được kỳ vọng sẽ tạo ra hỗ trợ cho các nhà tái chế đạt chuẩn về chất lượng cũng như đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

‘Nắn dòng’ phế liệu tới các nhà tái chế tiên tiến, đạt chuẩn
Ông Hoàng Đức Vượng tại Hội nghị Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - Cơ hội cho ngành tái chế Việt Nam do Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam tổ chức

Kể từ năm 2024, các doanh nghiệp trong nhóm ngành sản xuất, nhập khẩu sản phẩm liên quan điểm sử dụng bao bì; pin, ắc quy; dầu, nhớt; xăm, lốp sẽ phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế các sản phẩm sau tiêu dùng với một tỷ lệ bắt buộc. Tiếp sau đó, đến năm 2025 và 2027, nhóm ngành sản xuất, nhập khẩu điện, điện tử và phương tiện giao thông cũng sẽ phải thực thi chính sách này.

Trách nhiệm tái chế bắt buộc là một phần thuộc công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), được đưa ra tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và quy định cụ thể tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, chính sách EPR đã được thực hành ở nhiều quốc gia châu Âu và đem lại nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là quốc gia đầu tiên áp dụng công cụ này tại khu vực Đông Nam Á.

EPR giúp thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, thông qua đặt trách nhiệm lên các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, từ đó tăng cường lượng rác thải được thu gom, tái chế đúng cách, đồng thời tạo ra động lực cho doanh nghiệp thay đổi thiết kế bao bì, sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường và thuận lợi cho thu gom, tái chế.

Việc áp dụng EPR được lãnh đạo Hội Nhựa tái sinh nhấn mạnh sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tái chế vốn manh mún, lạc hậu và chưa có chỗ đứng xứng đáng trong nền kinh tế. Cụ thể, dù doanh nghiệp sản xuất lựa chọn hình thức thực thi EPR nào, dòng tiền cũng sẽ chảy về nhóm doanh nghiệp thu gom, tái chế rác thải.

Tuy nhiên, ông Vượng cũng lưu ý, một trong những chủ trương của EPR là “nắn dòng” phế liệu tới những doanh nghiệp tái chế tiên tiến, hiện đại, dảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Ngược lại, doanh nghiệp tái chế hoạt động thiếu nghiêm túc, không tuân thủ nghĩa vụ với môi trường sẽ không được phép tiếp tục hoạt động.

Đồng quan điểm, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, nhìn nhận, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sau khi áp dụng công cụ EPR, các quốc gia thường có được nền công nghiệp tái chế phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ tái chế tăng cao.

“EPR thúc đẩy ngành tái chế quốc gia, tạo ra ngành kinh tế mới là công nghiệp tái chế”, ông Hùng nhấn mạnh.

‘Nắn dòng’ phế liệu tới các nhà tái chế tiên tiến, đạt chuẩn
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, nêu những cơ hội đối với ngành tái chế khi thực thi EPR

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội trở nên lớn mạnh, ông Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp tái chế cần phải thay đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Bên cạnh đó, các nhà tái chế nhỏ lẻ, ít tiềm lực để áp dụng công nghệ tiên tiến có thể liên kết lại với nhau để lớn mạnh hơn.

Vụ trưởng Hùng cũng thông tin, vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân đã gửi thông báo tới các nhà tái chế và đơn vị đại diện doanh nghiệp thực thi EPR về việc gửi hồ sơ cho Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét. Dự kiến, danh sách các doanh nghiệp, nhà tái chế đạt tiêu chuẩn sẽ được công khai trên Cổng thông tin EPR quốc gia (https://epr.monre.gov.vn) để doanh nghiệp lựa chọn đúng nhà tái chế.

Trao đổi với Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng cộng đồng doanh nghiệp tái chế, ông Vượng đề xuất, cần phải có thêm những chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như giảm phí EPR cho những doanh nghiệp đã thực hiện thiết kế bao bì, sản phẩm theo hướng dễ thu gom, tái chế hoặc doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái sinh trong bao bì, sản phẩm.

Nói về đề xuất này, ông Vượng lý giải, hiện nay có nhiều loại sản phẩm, bao bì sử dụng vật liệu hoặc thiết kế gây khó khăn cho hoạt động thu gom, tái chế, gây ra nhiều gánh nặng cho các nhà tái chế nếu muốn tái chế đạt chất lượng cao. Chính vì vậy, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thay đổi thiết kế, sử dụng vật liệu thuận tiện là cách giúp cho ngành tái chế “bớt khổ”.

Mặt khác, thị trường vật liệu tái chế cũng đang là điểm nghẽn. Có càng nhiều doanh nghiệp chấp nhận sử dụng vật liệu tái chế trong sản phẩm, bao bì, bài toán đầu ra, thị trường cho tái chế sẽ được giải quyết.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của ông Vượng cùng các nhà tái chế, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết sẽ nghiên cứu, cân nhắc theo hướng giảm tỷ lệ thu gom, tái chế bắt buộc đối với một số vật liệu dễ thu gom, tái chế, ví dụ như nhựa PET, lon nhôm…

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề nghị các nhà tái chế tích cực hơn nữa trong việc nêu ý kiến đóng góp để nhanh chóng hoàn thiện cơ chế thực thi công cụ EPR, đặc biệt là những việc trước mắt là xác định chi phí tái chế bao bì, sản phẩm (Fs).