Nếu biết tận dụng cơ hội vàng sẽ có sự thay đổi ngoạn mục
Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC
Thứ bảy, 25/01/2020 - 09:00
Dù không ai giao cho doanh nhân sứ mệnh phải làm thế này thế kia nhưng tự bản thân chúng ta cảm thấy mình phải có trách nhiệm với doanh nghiệp và với nền kinh tế của đất nước này.
Chính phủ ủng hộ doanh nghiệp tư nhân tự tin hội nhập
Những thập niên cuối thế kỷ 20, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ khiến cho mọi sinh hoạt trên hành tinh này đều thay đổi đến chóng mặt. Chính tôi cũng không thể hình dung được chiếc Iphone đã khiến cho toàn thế giới dịch chuyển không ngờ.
Các chuyên gia, nhà khoa học dự báo trong giai đoạn 2020 - 2030 cả thế giới sẽ sống trong một xã hội phát triển. Công nghệ sẽ là điều không thể thiếu trong mọi hoạt động của con người, bàn không giấy, điện không dây… Chỉ cần 1-2 thập niên tới sẽ không còn dây điện chằng chịt ở vùng sâu vùng xa nữa, khi các doanh nghiệp chế tạo được các bình ắc quy để tích điện từ năng lượng mặt trời.
Môi trường sống, môi trường kinh doanh đã thay đổi nhanh chóng. Mô hình kinh doanh không còn theo truyền thống thuần túy nữa. Những tỷ phú thời đại này đều có tầm nhìn vượt trội. Nền kinh tế thế giới cũng không dừng lại. Những chu kỳ như sự đào thải của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, khủng hoảng kinh tế thế giới theo như dự báo của các chuyên gia kinh tế đã không xảy ra vì cơ cấu mậu dịch của 2 cường quốc Mỹ - Trung đã được tái cấu trúc lại cho cân bằng hơn.
Trong bối cảnh của sự thay đổi mạnh mẽ đó, nếu quốc gia, doanh nhân biết tìm cơ hội từ sự xáo trộn này, sẽ có sự thay đổi ngoạn mục.
Đã là doanh nhân, chúng ta phải đối diện thẳng thắn với sự thay đổi ấy, và chủ động đưa ra những chiến lược kinh doanh thích ứng và đi trước sự thay đổi, để dù có bất trắc xảy ra thì chúng ta cũng chỉ bị ảnh hưởng, chứ không để mình bị suy kiệt.
Năm 2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%, năm 2018 là 7,08%, năm 2019 cũng vượt qua con số 7%. Năm 2020 là kết thúc thời kỳ 5 năm, để làm tiền đề cho tầm nhìn 2025-2030.
Riêng với kinh tế Việt Nam, Chính phủ khẳng định sẽ giữ cho kinh tế vĩ mô ổn định, hội nhập sâu rộng bằng các hiệp định song phương và đa phương. Về quản lý nhà nước, đặc biệt ở cấp cao nhất của chính phủ, gần đây cả Tổng bí thư và Thủ tướng Chính phủ đều khẳng định vai trò tiên phong của kinh tế tư nhân (KTTN), đó là một tín hiệu rất vui đối với doanh nhân.
Riêng TP. HCM, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, còn với cả nước, KTTN đóng góp khoảng 40%. Càng ngày, KTTN càng được Đảng và Nhà nước động viên, hỗ trợ bằng những cơ chế cụ thể, thiết thực hơn, để doanh nghiệp tư nhân tự tin hội nhập.
Đặc biệt, trong cuộc họp vừa rồi giữa các doanh nghiệp dẫn đầu với Thủ tướng Chính phủ, tất cả bộ ngành đều đưa ra quan điểm về KTTN, trong đó có cả công an, Viện Kiểm soát tối cao, tất cả đều khẳng định cái nhìn không hình sự hóa đối với hoạt động doanh nghiệp. Đảng và Nhà nước đã khẳng định trong cuộc họp cuối 2019, ủng hộ cho doanh nghiệp tự tin hội nhập, sánh vai mở rộng sang các quốc gia lân cận và thế giới. Vai trò của doanh nghiệp là phải bằng mọi cách tận dụng thời cơ có một không hai này.
Thế hệ chúng tôi có khó khăn thách thức, nhưng không bằng thể hệ trẻ, vì lúc ấy thị trường còn nhiều khoảng trống. Nhưng ngược lại, thế hệ trẻ lại có điều kiện tốt hơn về thị trường, công nghệ, ngoại ngữ… Một điều mà tôi nhắc đi nhắc lại với các bạn là cung cách phục vụ phải chuyên nghiệp. Các bạn không nên nóng vội, không có chuyện doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, mà là doanh nghiệp có sức mạnh nội lực khác biệt.
Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng tập đoàn đa ngành quản trị rất khó khăn! Giải mã về quản trị của các tập đoàn đa ngành thế giới, họ kinh doanh từ đồ chơi trẻ em đến chiếc máy bay, quan trọng là chọn mô hình nào phù hợp với doanh nghiệp mình, đó là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, trung phát triển.
Tôi đề nghị Chính phủ mạnh dạn hơn về chính sách cổ phần hoá, vì xã hội không mất gì cả. 10 năm trước tôi tham gia cổ phần hoá đầu tiên với nhà máy đường có giá trị cổ phần hoá cao nhất, 68 tỉ đồng. Ba năm trước đây, nhà máy này mỗi năm đóng thuế cho nhà nước không dưới 70 tỉ đồng. Như vậy, nhà nước có 68 tỉ đồng để làm việc khác, còn nhà máy đường vẫn phát triển tốt. Chính phủ nên mạnh dạn hơn nữa để phát triển tốt chiến lược này.
Về thị trường tài chính, suốt bao nhiêu năm Việt Nam chỉ có thị trường tiền tệ, các ngân hàng hoạt động chủ yếu nhờ dùng nguồn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, nhưng với tầm nhìn của mình, tôi thấy có rủi ro. Đến 2003 thị trường vốn mới hoàn thiện, nơi doanh nghiệp tiếp cận được chứng khoán vốn và chứng khoán nợ. Chứng khoán nợ có thời hạn, đó là điều kiện để doanh nghiệp tìm cơ hội tiếp cận thịtrường vốn. Thị trường vốn mới thực sự là nơi doanh nghiệp tiếp cận và mang tính ổn định. Nhà nước cần quan tâm hơn nữa để cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận một cách tự tin hơn.
Khi tôi quay lại ngành mía đường, năng suất bình quân không hơn 60 tấn/ha. Tôi phải sang Mỹ, sang Thái Lan… tìm đến nơi chuyên sản xuất mía đường để học hỏi, tìm ra quy trình canh tác chuẩn. Từ 3 tấc, tôi cho cày sâu 6 tấc, để cây mía có thể hút được nhiều hơn các chất dinh dưỡng từ lòng đất. Rồi tìm hiểu độ chịu hạn cục bộ, độ bén rễ của cây mía… để khi rễ bén sâu, cây mía có thể đứng vững, giữ nước, giữ độ ẩm, giúp cho ít cần phải thay gốc trong vụ kế tiếp. Cũng giống như con người, khi cơ thể khoẻ mạnh, sức đề kháng cao, cây mía sẽ đền ơn cho nông dân tức khắc, năng suất bình quân mỗi hecta tăng thêm 5 tấn so với trước đây.
Không chỉ là đường, tôi còn tận dụng bã mía để sản xuất điện sinh khối, làm phân, làm nước mía không ngọt Miaqua… làm sao cho hiệu quả nhất. Tôi đã phải đi một vòng trái đất để tìm cách giúp nông dân làm giàu bằng cây mía, cây dừa, những nông sản vốn “lận đận” ngay chính “thủ phủ” của mình, do chưa xây dựng được mối liên kết ổn định giữa sản xuất và tiêu thụ, chưa áp dụng công nghệ cao 4.0. Ngành mía đường tệ lắm cũng phải làm chủ được thị trường 95 triệu dân để không phải dùng ngoại tệ nhập đường về.
Doanh nghiệp Việt cần tự tin phát triển từ nhỏ đến lớn
Là doanh nhân phải có tố chất đặc biệt, trực giác mạnh. Trước một đầm lầy mình phải nhìn thấy tương lai nó sẽ trở thành cái gì. Người doanh nhân phải nắm bắt thông tin về lao động, về dây chuyền sản xuất để kết hợp với trực giác thiên phú. Nhưng lưu ý còn có thiên thời nữa, phải kiên nhẫn và nắm bắt cơ hội.
Muốn kinh doanh bền vững phải hiểu được nguyên tắc của nó, không thể làm theo kiểu phát triển tràn lan, tùy tiện, thiếu cơ sở căn bản. Nếu hiểu được rủi ro, có thể liên kết với nhau để cùng phát triển. Kinh tế thị trường đón nhận mọi thành phần kinh tế, nhưng không nhún nhường mô hình nào. Doanh nghiệp Việt không được tự ti, mà cần tự tin, phát triển từ nhỏ đến lớn, cố gắng trau chuốt, kiên nhẫn, không đốt cháy giai đoạn, vì ăn xổi ở thì không thể tồn tại.
Giá trị thương hiệu là tích sản, là kho báu. Ví dụ như cùng một chất liệu nhưng giá thành của các sản phẩm không giống nhau. Nâng lên tầm “tặng phẩm” thì tính hiệu quả của thương hiệu lớn vô cùng. Hãy phát huy sức mạnh của thương hiệu, trau chuốt để xây dựng thương hiệu. Khi có thương hiệu rồi, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều giá trị thực của sản phẩm. Phải giáo dục cho nhân viên của mình, từ anh bảo vệ trở đi ý thức về thương hiệu.
Năm 2020, về vĩ mô, Chính phủ rất quan tâm, đưa ra chính sách ổn định cho doanh nghiệp, GDP tăng trưởng tốt. Năm 2020 bắt buộc các ngân hàng tài cấu trúc lại các chỉ số an toàn của thị trường tiền tệ. Doanh nghiệp cần lưu ý về thách thức này trên nền tảng tích cực.
Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch lại thật chuẩn mực. Vì chính phủ mong muốn doanh nghiệp phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, hướng tới sự bền vững. Doanh nghiệp cũng phải hướng tới sự bền vững, đây là điều then chốt trong mọi then chốt.
Trách nhiệm của doanh nhân đầu tiên phải tạo ra giá trị giá tăng cho xã hội qua cân bằng cán cân thương mại, đó là trách nhiệm với đất nước. Trực tiếp xuất khẩu hay xuất khẩu tại chỗ, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội hơn nữa.
Như khi làm y tế, thì phải hướng đến việc làm sao để giảm tình trạng người bệnh phải từ các tỉnh lên thành phố để điều trị, khi làm giáo dục thì phải giảm được số lượng học sinh, sinh viên đi du học, khi tạo ra các sản phẩm thì những sản phẩm ấy phải tiệm cận được các tiêu chuẩn quốc tế nhất có thể.
Thứ hai là phải tạo giá trị gia tăng cho khách hàng, để tạo năng lực cạnh tranh. Kinh tế thị trường tạo cơ hội cho tất cả và không nhường nhịn một ai. Chúng ta cần có nhiều sản phẩm, hàng hóa, bao bì chất lượng, bảo đảm thị hiếu khách hàng. Quan trọng nhất là giữ được thị trường trong nước, đó chính là sự tự tin của chúng ta, là sức mạnh nội lực của chúng ta.
Thứ ba là tạo giá trị gia tăng cho cán bộ công nhân viên, hiểu họ đi theo mình để mong muốn có cuộc sống ổn định, có thu nhập tốt, đó là quyền lợi chính đáng.
Muốn nhân viên thành tài phải tạo được môi trường giúp họ dụng võ, thoả mãn sáng tạo, đó là cốt lõi để ngăn chảy máu chất xám. Và phải hiểu rằng, thu nhập hàng tháng của cán bộ công nhân viên chỉ là thu nhập căn bản. Thu nhập chính đáng mà các doanh nghiệp phải hướng tới chính là kế hoạch ESOP cho cán bộ công nhân viên, để thúc đẩy hiệu quả làm việc từ đội ngũ nhân sự và giúp tất cả cùng đồng lòng, nhìn về một hướng đưa tổ chức phát triển.
Thứ tư là có trách nhiệm với nhà đầu tư, với đồng vốn của cổ đông. Nếu đầu tư dàn trải, thanh khoản có vấn đề thì lập tức khó khăn sẽ xảy ra. Phải có trách nhiệm đáp ứng quyền lợi chính đáng của cổ đông, thị giá giao dịch tốt.
Cuối cùng là nghĩa vụ nộp ngân sách đối với Nhà nước, đóng góp cho cộng đồng - xã hội.
Năm giá trị cốt lõi đó luôn là một trách nhiệm mà bất kỳ một doanh nhân, một doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng để duy trì ổn định và phát triển cho doanh nghiệp. Đồng thời, nó cũng khiến chúng ta thú vị, tự hào.
Chúng ta là một trong những thành phần quan trọng cấu thành nền kinh tế. Dù không ai giao cho doanh nhân sứ mệnh phải làm thế này thế kia, nhưng tự bản thân chúng ta cảm thấy mình phải có trách nhiệm với doanh nghiệp và với nền kinh tế của đất nước này.
Nếu ai hỏi tôi kiếp sau làm gì, tôi vẫn làm doanh nhân, để cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Xu thế M&A sẽ bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới
Đừng nên bận tâm doanh nghiệp củamình nhỏ hay lớn, mà hãy quan tâm đến việc điều hành cho thật tốt doanh nghiệp của mình, rồi mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến. Giống như người chơi golf, nên bản lĩnh tự tin với handicap của mình, rồi sẽ tốt hơn.
Thập niên cuối thế kỷ 20, đầu 21 đang chứng kiến sự dịch chuyển như vũ bão nhờ trí tuệ nhân tạo, robot, sự phát triển của loài người đang đặt ra cho các doanh nghiệp vừa và trung những thách thức.
Nhưng các doanh nghiệp không được tự ti, quan trọng là mình làm tốt hay không, đừng nóng vội.
Thời buổi công nghệ, tất cả đều phải hiện đại hóa, đi tới mua bán sáp nhập (M&A) là chuyện hết sức bình thường. M&A là con đường đi tắt rất hiệu quả, vì đợi tích lũy tư bản thì cần rất nhiều thời gian.
Quan trọng là người định M&A phải biết xác định thời điểm nào để bán được giá tốt nhất. Chiến lược M&A phải nằm trong chiến lược kinh doanh.
Xu thế M&A sẽ bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới, đi vào đời sống kinh tế Việt Nam, tạo nên một lực đẩy mới cho các ngành nghề. Những công ty tài chính sẽ là người kết nối giữa người muốn M&A và người được M&A. Đây là xu thế và quy luật.
Ngày xưa tôi làm ngân hàng, nếu doanh nghiệp làm 10 đồng, tích luỹ 10 đồng, tôi đánh giá không cao, phải dùng đòn bẩy tài chính để 10 đồng vốn giúp tăng tổng tài sản lên 30 đồng. Đừng ngại mở rộng ngành nghề, cơ hội đến là đón nhận, nhưng nên ưu tiên ngành sản xuất chính, vì đó là “nồi cơm” chính của mình. Mặt khác, khi kêu gọi nhà đầu tư, phải tính đến câu chuyện “đối nhân” hay “đối vốn”. Nếu cần tiền mà không cần chủ thì phát hành chứng khoán nợ, nhờ ngân hàng. Còn nếu cần vốn thì phát hành chứng khoán vốn.
Hơn 40 năm trong nghề, M&A và tái cấu trúc là cụm từ mà tôi thực hiện thường xuyên. Từ hữu hạn lên cổ phần, lên đại chúng đều phải tái cấu trúc hết. Trong khi thị trường M&A chủ yếu là các công ty nước ngoài mua doanh nghiệp Việt, năm 2007 TTC là doanh nghiệp Việt tiên phong mua lại doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình là thương vụ mua 2 nhà máy đường của nhà đầu tư Pháp là Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai.
Tôi tin trong thời gian tới, thế cờ sẽ đảo ngược, những doanh nghiệp Việt đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm sẽ mua lại các doanh nghiệp nước ngoài để chiếm thị phần, lợi nhuận là nhất thời, thị phần mới là dài hạn!
Những doanh nghiệp đã là thương hiệu quốc gia càng không được ăn xổi ở thì. Mất tiền chưa là gì, mất tình mới mất một nửa, còn mất uy tín là mất hết. Dục tốc bất đạt, hãy tự tin nuôi dưỡng, vun đắp cho thương hiệu của mình. Nhớ là đừng vội. Thương hiệu không phải của mình đâu, mà của đất nước Việt Nam.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Câu lạc bộ thương hiệu Việt.
Ông Nguyễn Văn Tuyền – Nhà sáng lập Công ty HayBike, chủ sở hữu thương hiệu xe đạp Trevi Bike với khung xe được làm bằng tre, tài trợ xe di chuyển cho CLB bóng đá Hà Lan Heerenveen, mong muốn dùng cây tre để tạo ra những sản phẩm đủ đẳng cấp bán được giá cao, có thể làm ra đô la, euro.
Brand Finance vừa công bố bảng xếp hạng các thương hiệu tăng trưởng giá trị mạnh nhất 5 năm qua. Việt Nam có đại diện duy nhất là Viettel Telecom, nằm trong Top 50.
Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), rủi ro của mọi rủi ro là con người. Con người là tài sản quý giá của tổ chức nhưng không phải là sở hữu của tổ chức, do đó phải có chính sách, chế độ thì con người mới đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.
Được xướng tên trong “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024” là minh chứng cho cam kết hiện thực hóa mục tiêu ESG, hướng tới tương lai bền vững của Alphanam.
Khu công nghiệp sinh thái có mục đích cao nhất là nâng cao hiệu suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đem lại tác động tích cực cho môi trường, xã hội.