Dịch Covid-19 đẩy CPI tháng 2 xuống mức thấp nhất 10 năm
Nhật Hạ
Thứ bảy, 29/02/2020 - 11:19
Theo báo cáo hôm nay của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước.
Đây là mức giảm nhiều nhất của tháng 2 so với tháng trước trong 10 năm. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhiều mặt hàng dần trở về mặt bằng giá trước Tết. Thêm nữa, dịch Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng.
Trong mức giảm 0,17% của chỉ số CPI tháng hai so với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm.
Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,5% do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 14/2/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 5,2% (tác động làm CPI chung giảm 0,22%), đồng thời giá vé một số phương tiện giao thông điều chỉnh giảm sau Tết Nguyên đán (giá vé ô tô khách giảm 0,21% và giá vé tàu hỏa giảm 8,93%).
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ chùa đầu xuân giảm mạnh. Giá các tour du lịch trong nước giảm 2,72%, du lịch ngoài nước giảm 2,03%; giá khách sạn, nhà nghỉ giảm 0,24%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%, chủ yếu do tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt làm cho giá rượu, bia các loại giảm 0,65%.
Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,13%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03% (giá gas giảm 4,27% do giá gas trong nước điều chỉnh giảm làm CPI chung giảm 0,05% và giá dầu hỏa giảm 6,83%). Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%. Trong đó lương thực tăng 0,32% do giá gạo xuất khẩu tăng làm giá gạo trong nước tăng 0,34%.
Còn giá thực phẩm giảm 0,07% do nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết giảm, đồng thời ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch cúm gia cầm nên giá thịt lợn giảm 1,42%; giá thịt bò giảm 0,17%; giá thịt gia cầm tươi sống giảm 3,2%; giá trứng gia cầm các loại giảm 2,82%. Bên cạnh đó giá một số loại trái cây giảm 2,3% do hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế trong thời gian có dịch Covid-19.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13% do nhu cầu về một số mặt hàng thuốc y tế tăng cao khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 1/2020 làm nhóm thuốc các loại tăng 0,18%.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08% do giá các loại xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,11% và giá dịch vụ giúp việc gia đình tăng 0,16%; nhóm giáo dục tăng 0,04% và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,17%.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
Lạm phát cơ bản tháng 2/2020 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 3,1% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến lĩnh vực du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2020, đặc biệt là khách Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm 2019.
Bắc Ninh đang tăng tốc cải thiện môi trường điều hành và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, quyết tâm ghi tên vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là công trình quan trọng, cần được hoàn thành kịp thời để phục vụ các hoạt động đối ngoại trong khuôn khổ APEC 2027.
Tại Đông Nam Á, Cake là ngân hàng thuần số đầu tiên đạt cấp độ cao nhất về công nghệ chống giả mạo khuôn mặt, do chính kỹ sư công nghệ người Việt xây dựng.
Bắc Ninh đang tăng tốc cải thiện môi trường điều hành và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, quyết tâm ghi tên vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Nhà máy đặt tại Kaluga có công suất 1.000 tấn/ngày. Trong đó giai đoạn 1 là 500 tấn/ngày, thuộc nhóm nhà máy có công suất chế biến hàng đầu Liên bang Nga.