Ngân hàng phải đi trước một bước trong tiến trình chuyển đổi số

Việt Hưng - 07:29, 09/10/2022

TheLEADERThời gian qua, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng đã thu hút sự quan tâm của công chúng về những dịch vụ, tiện ích mới lĩnh vực ngân hàng và chuyển đổi số mang lại. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những thành công bước đầu và chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Tại hội nghị ngày 4/8/2022 về chuyển đổi số ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng đã thu hút sự quan tâm của công chúng về những dịch vụ, tiện ích mới lĩnh vực ngân hàng và chuyển đổi số mang lại. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những thành công bước đầu và chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước và việc đi trước đó thể hiện rõ nét nhất thông qua những bước thử nghiệm thời gian qua.

Để làm được điều đó, các ngân hàng đã tập trung vốn, công nghệ, con người vào chuyển đổi số, tổ chức từ rất sớm và sẵn sàng bỏ ra nguồn lực rất mạnh chi cho chuyển đổi số.

Ngân hàng phải đi trước một bước trong tiến trình chuyển đổi số
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

"Kết quả, trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa mà vẫn cách ly. Đấy là những kết quả tôi cho rằng nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng", ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Một minh chứng khác được Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đưa ra, đó là một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, MBBank… nhờ chuyển đổi số sớm, nên chỉ số CASA lên đến 40-50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn.

"Đây cũng là tiền đề để các ngân hàng khác từng bước chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân. Một trong những điều tôi cảm thấy rất phấn khởi là cả một quá trình như vậy, hệ thống thanh toán của ngân hàng thông suốt, đảm bảo an toàn, tất cả giao dịch xử lý, kịp thời, nhanh chóng, an toàn", ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, quá trình này cũng mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại. Cụ thể là vấn đề hành lang pháp lý mà hiện nay ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng đang triển khai trong bối cảnh đang hoàn thiện và sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử.

Luật Giao dịch điện tử có từ năm 2005, cách đây 17 năm và chuyển đổi số mạnh nhất là triển khai trong giai đoạn Covid-19, nhưng các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị trước đó vài năm. Như vậy ngân hàng phải đi trước một bước.

"Nhưng để các ngân hàng đi trước một bước thì không phải các ngân hàng tự làm được trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử. Phải nói là NHNN đã chủ động, nhìn nhận thấy xu hướng thế giới, nên đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 35 và nhờ đó mới triển khai được", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Ngân hàng phải đi trước một bước trong tiến trình chuyển đổi số 1
Chuyên gia kinh tế - TS. Phạm Xuân Hòe

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Quốc Hùng, Chuyên gia kinh tế - TS. Phạm Xuân Hòe cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong tiến trình chuyển đổi số là câu chuyện về hành lang pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ.

Ví dụ như Luật Giao dịch điện tử chưa kịp sửa, rồi Luật Kế toán. Luật Kế toán cũng đã có những câu chuyện mắc do số hóa ngành ngân hàng, đơn giản chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy trong quá trình số hóa của ngành. Hoặc chữ ký số. Hay câu chuyện chia sẻ dữ liệu dân cư thế nào để các tổ chức tín dụng có thể dùng eKYC xác thực khách hàng.

Cái khó thứ hai cho các ngân hàng thương mại theo TS. Phạm Xuân Hòe là vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn. Theo khảo sát của ông Hòe, gần một nửa các ngân hàng chỉ bỏ ra khoảng 3% chi phí cho chuyển đổi số. Còn lại khoảng 13% các ngân hàng đầu tư trên 13% chi phí cho IT, mà 13% cho IT thì không hề đơn giản.

Thách thức thứ ba là vấn đề về nhân sự, là con người, bởi trong môi trường số mà những người không hiểu về số, không hiểu về công nghệ, về bảo mật an toàn thì chắc chắn là sẽ vi phạm. Không được đào tạo lại cũng rất nguy hiểm.

Thách thức thứ tư là câu chuyện bị tấn công trên không gian mạng. Rõ ràng, ngân hàng luôn bị các loại tội phạm tấn công, như tấn công vào tài khoản, ăn trộm mật khẩu… và luôn có rủi ro bị mất tiền.

Thách thức thứ năm là mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Chính vì thế mà nhiều người chủ quan, dẫn đến cho mượn tài khoản, thậm chí cho cả người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch, dẫn đến mất trộm tiền.

"Năm thách thức trên là những thách thức mà chúng tôi nhìn thấy rất rõ trong quá trình đó. Chính những thách thức đó làm giảm tốc độ chuyển đổi số. Ngành ngân hàng chuyển đổi số tốt thì sẽ được kinh tế số, kinh tế chia sẻ rồi tất cả mọi thứ của hệ sinh thái trong nền kinh tế số mà các ngân hàng phục vụ", Chuyên gia kinh tế - TS. Phạm Xuân Hòe nói.

Ngân hàng phải đi trước một bước trong tiến trình chuyển đổi số 2
ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN

Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ trong chuyển đổi số ngành ngân hàng cũng rất quan trọng. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số…

Để hoàn thành các mục tiêu này, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN cho rằng, đầu tiên là chuyển đổi số về hình thức, nguồn lực, tập trung đầu tư cho phát triển các hạ tầng có tính vận hành, hệ thống thanh toán điện tử…

"Chúng tôi cũng đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ số trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ khu vực phục vụ khách hàng. Chúng tôi cũng xác định trong kỷ nguyên số thì số hoá dữ liệu rất quan trọng", ông Dũng đánh giá.

Ngành ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn ngoài ngân hàng thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử.

Đại diện Vụ Thanh toán cho biết, phía cơ quan này hiện đang đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, uy tín, hợp lý.

"Cuối cùng, không thể thiếu được là trong kỷ nguyên số thì rủi ro là rất lớn và thường trực. Bởi vậy, chúng tôi cũng xác định các ngân hàng và NHNN phải an toàn trong dịch vụ. Chúng ta cũng đã chứng kiến những vụ gian lận, tấn công vào người dùng…", ông Lê Anh Dũng nói.

Chính vì vậy người dùng cũng phải được cung cấp thông tin, kiến thức, được giáo dục kỹ năng an toàn tài chính để tận dụng tốt nhất các sản phẩm số của ngân hàng.