Ngân hàng Thế giới: Các yếu tố kinh tế Việt Nam cần lưu ý sắp tới

Phương Anh - 13:06, 19/05/2023

TheLEADERTheo Ngân hàng Thế giới, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn. Đồng thời, Việt Nam cũng cần đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam mới nhất lưu ý nền kinh tế đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài, khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu.

Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh, nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.

Ngân hàng Thế giới: Các yếu tố kinh tế Việt Nam cần lưu ý sắp tới
Tăng trưởng tín dụng. Nguồn: Báo cáo World Bank.

Dữ liệu cho thấy bất chấp việc nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3 và thanh khoản thị trường dồi dào, tăng trưởng tín dụng ước tính đã giảm xuống 9,2% (so cùng kỳ) vào tháng 4/2023, từ mức 9,9% (so cùng kỳ) vào tháng 3 và 12,2% (so cùng kỳ) vào tháng 2. Đây là tín hiệu cho thấy một nền kinh tế đang chậm lại.

Không chỉ vậy, triển vọng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt, để thích ứng với các điều kiện bên ngoài.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Đồng thời, Việt Nam cần đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi, để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV trong báo cáo tháng trước cũng kiến nghị cần đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cân bằng: giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Theo đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, thích ứng và nới lỏng phù hợp, đồng bộ các công cụ nhằm bình ổn tỷ giá, giảm lãi suất, điều hành tăng trưởng tín dụng, cho phép cơ cấu lại nợ ở mức độ phù hợp.

Báo cáo đề xuất Chính phủ sớm ban hành các chính sách cho phép giãn hoãn tiền thuế, tiền thuê đất, phí cho doanh nghiệp cùng với định hướng, giải pháp phối hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ và ổn định tài chính, trong bối cảnh rủi ro tài chính quốc tế gia tăng.

Theo nhóm tác giả, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài, bao gồm xung đột địa chính trị kéo dài và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính – ngân hàng toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ trên thế giới gia tăng, ngân hàng trở nên thận trọng hơn, cho vay ít đi trong khi cầu tín dụng toàn cầu thấp, làm chậm đà phục hồi kinh tế.

Cùng với đó là rủi ro an ninh năng lượng, lương thực vẫn hiện hữu; giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao, rủi ro tài chính tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh, thậm chí suy thoái nhẹ xảy ra.

Những rủi ro, thách thức này còn tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam.

HSBC trong phân tích mới nhất về Việt Nam đánh giá sau kết quả quý I không mấy khả quan, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. “Đặc biệt, chúng ta chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm trên mặt trận thương mại”.

Tuy vậy, tổ chức này cũng lạc quan rằng dù khả năng tăng trưởng suy giảm trong nửa đầu năm 2023, kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, và làn sóng thương mại sẽ chuyển hướng trong nửa cuối năm, đưa tăng trưởng 2023 đạt mức 5,2%.