Ngành cầm đồ bước ra ánh sáng

Việt Hưng - 06:18, 21/05/2024

TheLEADERSự ra đời gần đây của các doanh nghiệp cho vay cầm cố tài sản kiểu mới đã giúp ngành cầm đồ trở nên chuyên nghiệp và minh bạch hơn, từ đó hạn chế một phần nạn "tín dụng đen" ở Việt Nam.

Cùng với sự phát triển của thế giới, các loại hình dịch vụ cầm cố tài sản của Việt Nam cũng phát triển rất sớm với quy mô ban đầu là những cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ.

Theo thống kê của Bộ Công an vào cuối năm 2022, ước tính, tại Việt Nam có khoảng 27 nghìn cơ sở cầm đồ đang hoạt động.

Tuy nhiên, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tại các cơ sở cầm đồ truyền thống này rất khó ước tính bởi không được thống kê rõ ràng. Nhưng theo nghiên cứu của các chuyên gia, số lượng khách hàng của các loại hình cho vay này là rất lớn.

Năm 2016, Nghị quyết mới của chính phủ tạo điều kiện cho các công ty cho vay cầm cố tài sản kiểu mới ra đời, hoạt động chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Từ đó, nhằm hạn chế phần nào nạn "tín dụng đen" ở Việt Nam.

Một số công ty nổi tiếng trong ngành và phát triển theo dạng chuỗi như F88, Người Bạn Vàng, và VietMoney,... đã và đang thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư tài chính, giúp lĩnh vực này ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Gói vay của các doanh nghiệp không chỉ có thủ tục đơn giản mà còn thích ứng linh hoạt với nhiều phân khúc khách hàng, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tài chính.

Ngành cầm đồ bước ra ánh sáng
F88 là chuỗi cầm đồ có hoạt động tích cực nhất tại Việt Nam - Ảnh: VH

Dù mang đến nhiều lợi ích cho người dân, nhưng mô hình cầm đồ cũng như dịch vụ vay tiêu dùng tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kiểm soát và thu hồi nợ. 

Theo báo cáo của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, năm 2023, ước tính tỷ lệ nợ xấu bình quân ở nhóm công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, trong bối cảnh tỷ lên nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân được cho là khách hàng bị suy giảm khả năng thanh toán nợ do kinh tế bất ổn. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là vẫn chưa có chế tài xử lý nếu khách hàng cố ý không trả nợ. Điều này làm cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro tăng cao.

Tại Việt Nam, F88 là chuỗi cầm đồ có hoạt động tích cực nhất, khi đạt quy mô 814 phòng giao dịch trên cả nước. Năm ngoái, F88 ghi nhận doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ, nhưng lỗ sau thuế 528,8 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ chính sách trích lập dự phòng thận trọng của F88. Cụ thể, F88 đã duy trì mô hình cho vay có tài sản đảm bảo với chính sách "xóa sổ" với 100% các khoản nợ quá hạn vượt quá 90 ngày. Mặc dù chính sách này của F88 khá khắt khe, nhưng do chất lượng tài sản cầm cố tốt nên vẫn đảm bảo được khả năng thu hồi.

Lợi thế của F88 đến từ chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn. Đơn cử như việc huy động 50 triệu USD từ quỹ đầu tư Vietnam Oman Investment và Mekong Capital, vay bổ sung 50 triệu USD từ Lending Ark, hay phát hành hơn 250 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Dựa vào đà phục hồi trên, F88 hướng tới các mục tiêu mở rộng danh mục cho vay và đưa tổng doanh thu tăng trưởng ở mức hai con số. Các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 sẽ đi kèm với việc tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng danh mục cho vay.

Công ty dự kiến sẽ mở thêm tối thiểu 80 phòng giao dịch trong năm nay, đồng thời, ra mắt các dòng sản phẩm mới nhằm tăng doanh thu, mở rộng thị trường, thực thi các cam kết xã hội mà điểm nhấn là phương thức kinh doanh bảo hiểm mới.

Ngành cầm đồ bước ra ánh sáng 1
Người Bạn Vàng hiện có 117 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP. HCM - Ảnh: NBV

Theo sau F88 là Srisawad Việt Nam - công ty con của tập đoàn tài chính International Holding với 100% vốn Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Srisawad Việt Nam được thành lập từ 2016 có trụ sở chính tại tỉnh Nghệ An. Sau gần 10 năm phát triển, hiện Srisawad Việt Nam đã có 120 chi nhánh trên toàn quốc, vận hành bởi hơn 2.000 nhân sự.

Về tình hình kinh doanh, Srisawad ghi nhận xu hướng giảm trong doanh thu thuần kéo theo mức lỗ tăng thêm. Dữ liệu từ Vietdata chỉ ra, năm 2022, doanh thu thuần của chuỗi này đạt hơn 43 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận xuống mức âm 75 tỷ đồng.

Cùng quy mô với doanh nghiệp Thái Lan là chuỗi Người Bạn Vàng - thương hiệu đối tác chiến lược của PNJ hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ.

Thành lập năm 2017, chuỗi này có dịch vụ cầm đồ đa dạng các sản phẩm từ điện thoại, laptop đến vàng, trang sức, và các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng như Rolex, Hublot… Người Bạn Vàng hiện có 117 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP. HCM.

Theo Vietdata, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Người Bạn Vàng ghi nhận xu hướng tăng trưởng trái ngược nhau. Nếu như doanh thu thuần chuỗi này tăng trưởng ổn định qua các năm từ 2020 - 2022, thì lợi nhuận chuỗi lại trồi sụt từ âm 5 tỷ đồng năm 2020, tăng lên 2 tỷ đồng năm 2021, rồi giảm xuống hơn 1 tỷ đồng năm 2022.

Cuối cùng là VietMoney, dù chuỗi cầm đồ này thành lập từ năm 2016 - cùng thời với Srisawad và Người Bạn Vàng, nhưng đến nay mới có 35 chi nhánh hoạt động.

Dữ liệu từ Vietdata chỉ ra, Vietmoney liên tục ghi nhận sự tăng trưởng ổn định về doanh thu thuần, đạt hơn 13 tỷ đồng năm 2022. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm dần và ghi nhận âm 22 tỷ đồng vào năm 2022.