Ngành du lịch tìm lối thoát hiểm

An Chi - 09:03, 15/08/2021

TheLEADERKhoảng thời gian ít ỏi đầu năm 2021 khi dịch bệnh tạm lắng xuống không đủ để ngành du lịch kịp gượng dậy sau một năm 2020 đầy "bão tố" bởi dịch bệnh và thiên tai lịch sử.

Ngành du lịch tìm lối thoát hiểm
Bãi biển vắng khách du lịch trong mùa dịch

Khó khăn chồng chất

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2021 đến nay đang khiến ngành du lịch tiếp tục gánh chịu những hậu quả nặng nề. Số liệu của Tổng cục Du lịch cho biết, trong nửa năm 2021, khách du lịch nội địa tại Việt Nam chỉ đạt 30,5 triệu lượt; trong đó, chỉ 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch.

Báo cáo của Tổng cục thống kê cũng cho biết, tính chung sáu tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 88,2 nghìn lượt, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 55,7 nghìn lượt, chiếm 63,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 98,2%; đường bộ đạt 32,3 nghìn lượt, chiếm 36,6% và giảm 94,2%; đường biển đạt 216 lượt, chiếm 0,2% và giảm 99,9%.

Đáng chú ý, hầu hết lượng khách đến Việt Nam đều là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ do Việt Nam chưa mở cửa du lịch với nước ngoài.

Doanh thu du lịch lữ hành sáu tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

So với thời điểm trước dịch Covid-19, năm 2019, Việt Nam thu hút tới hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng.

Hoạt động du lịch bị đình trệ cũng khiến các doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch đang gặp khó về tài chính, thậm chí rơi vào tình trạng kiệt quệ do không có doanh thu.

Theo phản ánh của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho nghỉ việc không lương 60 – 90% nhân sự.

Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu du lịch nội địa – thường chiếm khoảng 20% tổng doanh thu để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt. Tuy nhiên, "sức khoẻ" của họ đều đang rất suy kiệt, nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và kéo dài, chưa biết thời điểm nào có thể kiểm soát hoàn toàn và mở cửa phát triển du lịch trở lại. 

Ngành du lịch cần thời gian dài để phục hồi

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, đại dịch Covid-19 ập đến từ năm 2020 đã tác động ngay lập tức và vô cùng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Sang năm 2021, những tác động có sức “tàn phá” nặng nề này ngày càng kéo dài đã khiến cho ngành du lịch càng thêm bế tắc và gần như kiệt quệ. 

Du lịch là một trong những ngành bị tổn thương nặng nề nhất và phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng do Covid-19. Lượng khách du lịch và doanh thu du lịch giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp du lịch và khách sạn phải dừng hoạt động, nhân lực du lịch bị mất việc làm hoặc chuyển sang các ngành nghề khác. Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng dịch vụ trong ngành du lịch.

Trước thực trạng khó khăn của ngành du lịch hiện nay, ông Siêu cho biết, Tổng cục Du lịch đã tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như giảm phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch.

Bên cạnh đó, để khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, đồng thời nhanh chóng khôi phục thị trường, ngành du lịch đang nỗ lực tìm các giải pháp hữu hiệu để tái thiết và mở cửa lại sớm nhất có thể.

Mới đây, Bộ Chính trị đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ông Siêu cho rằng, chuyển đổi số trong phát triển du lịch; đặc biệt là trong quản lý, kinh doanh, nghiên cứu thị trường, tiếp thị và bán sản phẩm du lịch là yêu cầu mang tính chất “sống còn” của ngành.  Dịch bệnh Covid-19 tạo yêu cầu, thách thức và sức ép đòi hỏi ngành du lịch chuyển đổi số mạnh mẽ để có thể phát triển, sống chung với dịch bệnh.

Nhận thức rõ xu hướng du lịch mới và chuyển đổi số được thúc đẩy bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo Phó tổng cục trưởng, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia khác từng bước phục hồi và phát triển thông qua đổi mới và ứng dụng công nghệ trong du lịch.

Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã cho ra mắt ứng dụng du lịch an toàn trên điện thoại di động, cung ứng các dịch vụ trực tuyến, có chính sách đặt dịch vụ và hoàn hủy linh hoạt để đảm bảo sự an toàn cho du khách và đội ngũ lao động trong ngành du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi số hoạt động của mình như trong các khâu tiếp thị, bán hàng và cung ứng dịch vụ, ông Siêu chia sẻ.

Tầm nhìn xa hơn cho ngành du lịch, ông Siêu cho rằng, thời gian tới, ngành Du lịch Việt Nam sẽ thực hiện chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương để triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển du lịch; đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực du lịch và đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao tay nghề nhằm nhanh chóng phục hồi du lịch sau dịch bệnh.

Trước đó, tại buổi làm việc với Tổng cục Du lịch về xây dựng chính sách kích cầu cho hoạt động du lịch, lữ hành, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Đoàn Văn Việt cũng cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng chính sách kích cầu du lịch tập trung vào các hoạt động trọng điểm, phù hợp với tình hình mới.

Theo ông Việt, du lịch là một ngành đặc thù, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, do chịu tác động lớn và trực tiếp của dịch Covid-19 nên ngành cần có thời gian dài hơn để phục hồi và phát triển như trước.

Về kế hoạch kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, ông Việt nhấn mạnh, ngành du lịch cần tập trung vào các hoạt động trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm du lịch đêm.

Chính sách kích cầu cần tập trung vào những giải pháp liên quan trực tiếp đến du lịch và lữ hành, tính toán về thời gian kích cầu, thị trường khách, nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch ở những địa bàn đủ điều kiện đón khách, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đồng thời, chuẩn bị tốt nhất cho sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.