Nhận thêm 180 chiếc Airbus, Boeing trong 6 năm tới, Vietjet có nguy cơ thừa máy bay

Trần Dũng - 14:29, 20/03/2018

TheLEADERViệc mở rộng đội bay quá nhanh của Vietjet Air có thể dẫn tới rủi ro thừa nguồn cung, nhất là trong bối cảnh thị trường hàng không trong nước có dấu hiệu phát triển chậm lại.

Trong bảng xếp hạng tỷ phú đô la toàn cầu mới được Forbes công bố gần đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air đứng thứ 766 với tổng tài sản ước tính trị giá 3,4 tỷ USD.

Động lực lớn giúp bà Thảo có mặt trong danh sách đến từ sức tăng trưởng bùng nổ của hãng hàng không Vietjet Air trong những năm qua. Cổ phiếu VJC đã tăng gấp đôi trong khoảng 6 tháng qua đưa mức vốn hóa thị trường của công ty đạt 4,1 tỷ USD

Chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011, chiến lược hàng không giá rẻ đã giúp Vietjet Air phát triển nhanh chóng tại thị trường trong nước và hiện đã chiếm khoảng 40% thị phần vận chuyển hàng khách trong nước. Doanh thu trong năm 2017 của Vietjet đạt khoảng 42 nghìn tỷ.

Cả 3 nguồn thu chính của Vietjet Air, bao gồm thu từ vận tải hàng không, thu từ dịch vụ phụ trợ và thu từ nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay (sell and leasing back) đều tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt.

Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng của Vietjet Air cũng như khối tài sản của bà Thảo, có thể sẽ chậm lại trong thời gian tới. Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, tới năm 2023, 180 máy bay Vietjet Air đặt mua đều sẽ được bàn giao, như vậy bình quân trong vòng 6 năm tới, mỗi năm Vietjet Air sẽ nhận thêm khoảng 31 máy bay. Số lượng máy bay dường như là quá nhiều để thị trường trong nước có thể hấp thụ.

Nhận thêm 180 chiếc Airbus, Boeing trong 6 năm tới, Vietjet có nguy cơ thừa máy bay
Vietjet Air sẽ nhận 180 máy bay trong vòng 6 năm tới

“Do tốc độ tăng trưởng của thị trường trong nước chậm lại, tăng trưởng chuyên chở của Vietjet Air có thể sẽ không theo kịp tốc độ mở rộng của đội bay, do đó, tỷ suất lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng”, báo cáo phân tích Vietjet Air của HSC đánh giá.

Để khai thác được hết số may bay sắp bàn giao, bên cạnh thị trường trong nước, Vietjet Air đang có tham vọng mở rộng các đường bay ra nước ngoài, đặc biệt la khu vực Bắc Á. Trong năm 2018, Vietjet Air đặt mục tiêu mở rộng thêm 24 đường bay mới, trong đó có 20 đường bay quốc tế.

Bắc Á là thị trường lớn nhất với tốc độ tăng trưởng cao nhất với ngành hàng không Việt Nam. Thị trường Bắc Á chiếm 61% tổng lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam trong năm2017, tương đương với 7,9 triệu khách. Trong đó, khách du lịch Trung Quốc tăng vọt 48%, đạt 4 triệu lượt khách. 

Song song với các thị trường mà hãng hàng không này đã có mặt như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Vietjet sẽ khai thác thêm các thị trường mới như Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ. Ngoài ra, Vietjet Air cũng đang tính tới việc thành lập các liên doanh với các hãng hàng không trong khu vực khác để thâm nhập vào thị trường các nước này.

Nhưng những kế hoạch của Vietjet Air sẽ gặp ít nhiều trở ngại, đặc biệt là nếu các liên doanh không thành công ở các nước châu Á khác. Hiện tại, do cạnh tranh gia tăng giữa các hãng hàng không giá rẻ, cùng với chính sách bảo hộ của các quốc gia đối với doanh nghiệp hàng không trong nước, sẽ không dễ dàng để Vietjet Air áp dụng được mô hình từng thành công tại Việt Nam sang các liên doanh mới này.

Trong trường hợp mở rộng sang thị trường nước ngoài gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh của Vietjet Air sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do hãng hàng không này có nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay. 

Bán và thuê lại máy bay (sell and leasing back), là nghiệp vụ thường thấy trong ngành hàng không, trong đó các hãng hàng không như Vietjet Air sẽ ký hợp đồng mua máy bay, sau đó bán rồi thuê lại chính chiếc máy bay mình đã mua. Làm như vậy, Vietjet Air không phải bỏ toàn bộ tiền ra để mua máy bay, chỉ cần đặt cọc, rồi dùng tiền của công ty cho thuê máy bay để trả cho hãng sản xuất máy bay. Với việc đặt số lượng lớn lên tới hàng trăm chiếc, mức chiết khấu mà Vietjet Air nhận được có thể lên tới 40 - 50%.

Ngoài ra, hoạt động này cũng giúp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp "đẹp" hơn hẳn, vì toàn bộ doanh thu từ việc bán máy bay đều được ghi nhận vào báo cáo tài chính. Chẳng hạn, trong năm 2017, việc bán và cho thuê lại 17 chiếc máy bay Airbus A321 đã đóng góp thêm tới 19,7 nghìn tỷ đồng vào doanh thu của Vietjet Air, tăng 71% so với năm trước. 

Tuy nhiên, hoạt động này cũng mang lại rủi ro vì chi phí thuê lại sẽ cao hơn so với các hình thức khác. Trong trường hợp Vietjet Air khó khăn trong việc phát triển thị trường mới, chi phí duy trì hoạt động thuê 31 chiếc máy bay mới mỗi năm sẽ trở thành gánh nặng ngày một lớn cho doanh nghiệp này.