Những 'điểm nóng' trên thị trường tuyển dụng

Phương Anh - 10:00, 30/10/2022

TheLEADERNền tảng kinh tế vĩ mô ổn định đã thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghệ.

Nhu cầu tuyển dụng tăng nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh

Trong quý III/2022, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 7% trong năm nay, nhờ sự khởi sắc của ngành xuất khẩu, bán lẻ và du lịch.

Theo Tổng cục Thống kê, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 15,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2018.

Trong bối cảnh đó, thị trường tuyển dụng nhìn chung đang trên đà tăng trưởng.

Dữ liệu của Adecco Việt Nam trong cập nhật mới nhất cho thấy sự gia tăng ổn định số lượng cơ hội việc làm mới, và số lượng hồ sơ ứng tuyển, so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI, và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp, tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.

Ngành dịch vụ cũng ghi nhận tín hiệu tích cực về nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm & đồ uống, nhờ việc nới lỏng các hạn chế Covid-19, và độ phủ vaccine cao cho phép người tiêu dùng quay lại với các thói quen và cuộc sống trước đại dịch.

Tuy chưa nhiều nhưng nhu cầu nhân sự ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn đã và đang phục hồi kể từ khi Việt Nam quyết định mở cửa cho du khách nước ngoài từ giữa tháng 3 năm nay.

Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc trụ sở Hà Nội của Adecco Việt Nam, cho biết nhu cầu về các vị trí cấp trung và cấp cao trong ngành sản xuất đang gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất điện tử.

Điều này diễn ra khi các tập đoàn lớn trên thế giới và nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, sau nhiều tháng gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19.

Sự hỗ trợ tốt từ chính phủ, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, ít hạn chế vì dịch bệnh, tình hình chính trị - kinh tế ổn định là một số lý do khiến Việt Nam đang dần trở thành điểm đến lý tưởng để dịch chuyển chuỗi cung ứng, và mang đến cơ hội trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhu cầu tuyển dụng các vị trí như quản lý nhà máy, quản lý chất lượng và kỹ sư trở nên nhiều hơn, trong cả các nhà máy mới thành lập và nhà máy đang hoạt động, bà Hà thông tin với TheLEADER.

Công nghệ vẫn là điểm nóng trên thị trường tuyển dụng

Ngành công nghệ thế giới đang trải qua thời kỳ khó khăn với các đợt sa thải lớn và đóng băng tuyển dụng. Tuy nhiên, thị trường tuyển dụng ngành công nghệ của Việt Nam lại đang cho thấy điều trái ngược, khi lượng ứng viên chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nhân sự.

Theo bà Trương Thiên Kim, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng Adecco Việt Nam, Việt Nam vẫn là thị trường cạnh tranh cho cả nhà tuyển dụng trong nước và nước ngoài.

Nguyên nhân là bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường, cùng với sự khan hiếm nhân tài đang làm thị trường tăng nhiệt. Các chuyên gia công nghệ được săn đón cho các dự án số hóa của ngân hàng kỹ thuật, công ty công nghệ tài chính và các công ty phần mềm.

Một số vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao như giám đốc tư vấn chuyển đổi số, CTO, CIO, Lập trình viên Fullstack, kỹ sư lập trình back-end, kiến trúc sư kỹ thuật, thiết kế UI/UX, chuyên viên phân tích dữ liệu, quản lý sản phẩm…

Tuy nhiên, giữa cung và cầu vẫn có sự chênh lệch.

Bà Kim cho biết các công ty xây dựng chính sách phúc lợi hấp dẫn cho các vị trí chiến lược về công nghệ, nhưng không có nhiều ứng viên đạt kỳ vọng, hầu hết về trình độ tiếng Anh và chuyên môn.

Bà nhận định thêm sau đại dịch, nhiều nhân tài làm việc tại nước ngoài đang quay về Việt Nam. Đây là nguồn ứng viên triển vọng cho cơn khát nhân tài trong nước.

Thị trường tuyển dụng cuối năm

Nhu cầu thay đổi việc có xu hướng chậm lại trong quý IV vì các nhà tuyển dụng và người lao động đều cân nhắc nhiều yếu tố hơn.

Bà Đặng Thị Thái Hòa, Giám đốc bộ phận tuyển dụng, Adecco Việt Nam, nhận định để nâng cao hiệu quả và đảm bảo quá trình tuyển dụng diễn ra suôn sẻ trong thời điểm cuối năm, cả nhà tuyển dụng và ứng viên nên trao đổi trước về nhu cầu và kỳ vọng của họ.

Các ứng viên thường cộng thêm khoản tiền thưởng cuối năm dự kiến của họ khi đàm phán lương cho công việc mới. Ở phía còn lại, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc nhiều hơn về ngân sách, hoặc số lượng nhân sự khi kết thúc năm tài chính. Đây chính là nguyên nhân khiến thị trường tuyển dụng giảm nhiệt vào thời điểm cuối năm.

“Nếu không có sự thẳng thắn ngay từ đầu, hai bên có thể phải mất nhiều thời gian và công sức trong việc thảo luận. Để tiết kiệm thời gian và đạt được kết quả mong đợi, thì trao đổi thẳng thắn chính là yếu tố quyết định”, bà Hòa phân tích.

Đối với các ứng viên, bà Hòa cho rằng nên cân nhắc các khoản tiền thưởng cuối năm. Theo đó, ứng viên có thể cộng thêm khoản tiền thưởng cuối năm dự kiến của họ vào mức lương mong đợi, hoặc thương lượng về một khoản tiền thưởng khi ký hợp đồng lao động chính thức.

Trong trường hợp không có cơ hội phù hợp thì ứng viên thường có hai hướng lựa chọn, hoặc thận trọng chờ đến năm sau, hoặc là đánh đổi lợi ích và chấp nhận một vị trí mới phù hợp với kế hoạch phát triển sự nghiệp của họ về lâu dài. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định cá nhân của ứng viên, bà phân tích.