Những doanh nghiệp đầu tàu hiến kế tạo lập chuỗi giá trị nông nghiệp Việt

Trần Anh - 12:11, 03/05/2019

TheLEADERTại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, những giải pháp hình thành và chuẩn hóa các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản sẽ đã được nhiều doanh nghiệp lớn đưa ra tại phiên Hiến kế chuyên đề Nông nghiệp.

Là người đứng đầu một trong những công ty đầu tiên sản xuất theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn", ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, dù những năm gần đây ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế như năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, không có thương hiệu...

Bên cạnh đó, theo ông Thòn, vấn đề giải cứu một số sản phẩm nông nghiệp gần đây hay câu chuyện được mùa mất giá cho thấy nút nghẽn chặn đường ra của sản phẩm.

Từ góc nhìn của người làm thực tế, ông nêu vấn đề, việc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững giúp giảm giá thành sản phẩm, khép kín được chuỗi sản xuất, "nhưng khi chưa có thương hiệu thì bản chất vẫn chỉ là chuyển cái khó của nông dân sang doanh nghiệp". Doanh nghiệp Lộc Trời từ chỗ sử dụng chuỗi sản xuất khép kín với 105.000 ha đất nhưng hiện chỉ còn hơn 30.000 do những khó khăn này.

Cũng theo ông Thòn, cần phân vai giữa ba nhà gồm: nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, trong đó Nhà nước chỉ nên làm vai trò trọng tài, tạo lập cuộc chơi để tạo được liên kết bền vững.

Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cũng đề xuất xây dựng đội ngũ nhân lực nông nghiệp gắn với thực tiễn, đó phải là những người "nghe được hơi thở của đồng ruộng, thấu hiểu tâm tư của nông dân".

Còn với doanh nghiệp nông nghiệp chuyên xuất khẩu tôm như Công ty Thủy sản Minh Phú, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm là sản xuất nhỏ lẻ và khi sản xuất nhỏ lẻ thì không truy suất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.

"Chúng ta rất khó bán hàng với tình trạng trên. Giấy thông hành bán tôm ra thị trường quốc tế và các nước lớn là phải có chứng nhận quốc tế, mỗi thị trường có những chứng nhận quốc tế khác nhau. Người dân sản xuất nhỏ lẻ thì không thể nào có được những giấy chứng nhận đó", ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Thủy sản Minh Phú nói.

Ông Quang cho hay, để giải quyết bài toán liên kết chuỗi nuôi tôm, doanh nghiệp này đã nhiều năm đi tìm lời giải, "đầu tiên là mua đất, thuê đất để nuôi tôm nhưng không được, sau đó thành lập công ty cổ phần để người nông dân góp đất nuôi tôm cũng không được".

Theo ông Quang, không sản phẩm nào thu hoạch nhanh bằng nuôi tôm, chỉ 2, 3 tháng đã có lợi nhuận gấp đôi, nhưng điểm nghẽn là rất khó huy động đất đê nuôi tôm, nguyên liệu cho các nhà máy chỉ đáp ứng 30 - 50 %, nhiều nhà máy phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Tình trạng này đẩy giá thành lên cao gấp 2, 3 lần.

"Nếu đủ nguyên liệu, nguồn vốn thì chỉ thời gian ngắn sẽ đạt mục tiêu Chính phủ đưa ra về phát triển ngành tôm. Minh Phú là đơn vị sản xuất tôm lớn nhất thế giới, chúng tôi thấy rằng bài toán bức xúc nhất là liên kết doanh nghiệp xã hội và bảo hiểm nông nghiệp", ông Quang nói.

Sau nhiều năm trăn trở, Minh Phú đi đến giải pháp thành lập công ty cổ phần xã hội, là một mô hình "có thể thực hiện tốt nhất". Theo đó, tất cả những người nuôi tôm sẽ góp đất, nuôi và bán sản phẩm trên chính mảnh đất của mình; như vậy một hộ nuôi tôm coi như ao nuôi tôm của một doanh nghiệp lớn và vấn đề truy suất nguồn gốc để cấp giấy chứng nhận quốc tế đã "có lời giải".

Tuy nhiên, theo ông, doanh nghiệp xã hội lại vướng quy định của Luật chứng khoán, vì các công ty cổ phần từ 100 cổ đông trở lên, vốn điều lệ trên 10 tỷ phải hoạt động theo Luật chứng khoán. Trong khi đó, doanh nghiệp xã hội không bắt buộc người dân đóng cổ phần mà họ tự nguyện, khi làm ăn tốt họ tham gia, khi không tốt họ ra đi. Điều chỉnh bằng Luật chứng khoán lại chờ xin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, nhanh nhất 6 tháng đến một năm.

Kể cả với những tập đoàn lớn như THACO khi đầu tư vào nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc THACO nhận xét tiếp cận tín dụng rất phức tạp do nông nghiệp quy mô lớn bị xem là nhiều rủi ro. Đại diện THACO mong muốn Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng chung cho nông nghiệp và hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu nông sản nói riêng.

Tổng kết những vấn đề lớn của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH nhận định, thực tế đã chứng minh, trong thời kỳ khủng hoảng khó khăn thì nông nghiệp lại là ngành cứu cánh cho nền kinh tế.

Do đó, bà đã đưa ra một loạt giải pháp lên Chính phủ để chấn hưng lĩnh vực này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy vai trò của nhóm doanh nghiệp đầu tàu.

Cụ thể, bà Thái Hương đề xuất Đảng, Quốc hội, Chính phủ coi mục tiêu "Tạo lập các chuỗi nông - lâm - thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm" là một trong các mục tiêu trọng tâm tới 2025 để tạo sự bứt phá.

Thứ hai, bà Thái Hương đề xuất Chính phủ ủng hộ và chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung thực hiện thành công dự án thí điểm hình thành, phát triển 1 số chuỗi nông - thủy sản có thương phẩm giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường "mục tiêu".

Bà Hương nhắc đến chuỗi sản phẩm sữa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; chuỗi tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ/Canada/EU; chuỗi rau - củ - quả có chế biến sâu để dần làm chủ các thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Nhật Bản.

Những doanh nghiệp đầu tàu hiến kế tạo lập chuỗi giá trị nông nghiệp Việt 1
Thủ tướng đến thăm gian hàng của TH tại diễn đàn kinh tế tư nhân 2019

Sau khi đề xuất các chủ trương lớn, nữ doanh nhân này cũng đề xuất một số kiến nghị, biện pháp việc cụ thể cần làm trước mắt.

Việc đầu tiên, Việt Nam cần triển khai số hóa, cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nông nghiệp trong năm 2019.

Tiếp theo, bà Thái Hương mong muốn các cơ quan chức năng, địa phương phối hợp cùng các doanh nghiệp "đầu tàu" trong năm 2019 tiến hành phân tích lại các thị trường mục tiêu, trọng tâm cho từng lĩnh vực, nhóm sản phẩm nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị có mục tiêu cụ thể là "chinh phục các thị trường này".

Chính phủ cần nhận diện rõ nét nhóm các doanh nghiệp "đầu tàu" ngành nông nghiệp và xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết nhằm tạo động lực và phát triển nhóm doanh nghiệp này để dẫn dắt sự phát triển chung.

Để kích thích phát triển sản xuất các chuỗi hàng hóa khép kín nông lâm thủy hải sản có giá trị chất lượng cao, phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu cho thị trường trọng điểm, Chính phủ cần chỉ đạo cho Bộ NN&PTNT kết hợp với các Bộ ban ngành xây dựng và giám sát bộ tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia đúng thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế kết hợp với các Bộ ban ngành liên quan đưa ra các chuẩn mực về dinh dưỡng cho người Việt và đề án Luật dinh dưỡng học đường để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật dinh dưỡng học đường sớm nhất có thể.

Về phía doanh nghiệp, bà Thái Hương cho biết cộng đồng này cũng cam kết sẽ huy động nguồn lực để hỗ trợ Chính phủ.

“Doanh nghiệp cũng sẽ cần xây dựng các chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp cho mô hình kinh tế tư nhân trên cơ sở để tham vấn mô hình đã thành công trong khu vực và trên thế giới”, bà Thái Hương góp ý.