Những lá bài ‘đinh’ trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Lan Hương - 15:47, 26/02/2019

TheLEADERTổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ có cuộc gặp mặt lịch sử lần 2 tại Hà Nội vào ngày mai (27/2), hy vọng những tiến bộ sẽ được tạo ra nhưng đi được bao xa vẫn là cái kết bí ẩn.

Những lá bài ‘đinh’ trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
Cả ông Kim và ông Trump đều nắm giữ những lá bài mạnh nhằm đạt được nhượng bộ từ phía còn lại. Ảnh: Getty Images

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai giữa tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong Un đang bước vào những bước chuẩn bị cuối cùng. Một thỏa thuận mang tính bước ngoặt liệu có thể đạt được hay không vẫn là điều chưa chắc chắn bởi mỗi bên đều có những kế hoạch của riêng mình.

Mỗi nhà lãnh đạo đều nắm trong tay những quân bài riêng nhằm kéo được sự nhượng bộ từ phía còn lại. Ông Trump có thể đưa ra việc nới lỏng các lệnh trừng phạt còn ông Kim có thể hứa hẹn về tiến trình phi hạt nhân hóa. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu rằng bên nào sẽ sẵn sàng cho các bước tiếp theo này.

Theo Kim Jaewon từ Asian Nikkei Review, lệnh trừng phạt lên Triều Tiên sẽ là con át chủ bài của ông Trump. Người đứng đầu Nhà Trắng có thể đưa ra đề nghị liên quan đến nới lỏng các lệnh trừng phạt – yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên.

Theo đó, Triều Tiên có thể được gia tăng hạn ngạch dầu nhập khẩu hoặc kết nối đường sắt với Hàn Quốc.

Ông Trump cũng có thể nhượng bộ trong việc mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong – một dự án của hai miền bán đảo Triều Tiên năm 2004 nhưng bị dừng lại năm 2016 do các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Theo Samsung Securities dẫn bởi Asian Nikkei, 560 triệu USD giá trị hàng hóa mỗi năm sẽ được tạo ra nếu lệnh trừng phạt được dở bỏ.

Cách ứng xử với tổ hợp hạt nhân Yongbyon sẽ là chìa khóa giúp Triều Tiên có được thỏa thuận tốt nhất trong bối cảnh phía Mỹ luôn muốn phá hủy nhưng lại không đạt được nhiều kết quả trong các cuộc đàm phán trong quá khứ. Triều Tiên có thể cho phép Mỹ kiểm tra lò phản ứng hạt nhân và thậm chí đồng ý phá hủy trong viễn cảnh tốt đẹp nhất.

Trong trường hợp đó, ông Kim Jong Un sẽ phải đối mặt với áp lực kiểm tra hạt nhân nhằm đổi lấy những nhượng bộ kinh tế lớn từ Washington.

Tuy vậy, Triều Tiên đang nắm giữ tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng như các loại vũ khí hủy diệt khác như vũ khí sinh học và hóa học – những mối nguy với an ninh nước Mỹ từng được ông Trump kiên quyết thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ.

Trước đó, Triều Tiên đã không ít lần thể hiện sức mạnh bằng việc bắn thử tên lửa đạn đạo năm 2017.

Hiệp ước hòa bình có thể là nhượng bộ tiếp theo ông Donald Trump đưa ra thông qua việc nối lại viện trợ nhân đạo hay mở văn phòng liên lạc, văn phòng đại diện. Bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ được Kim Jaewon nhận định là một trong những giải pháp đảm bảo sự tồn tại của chế độ tại Triều Tiên.

Trong lần gặp đầu tiên tại Singapore giữa năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất tiến tới phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên thông qua xây dựng niềm tin nhưng mỗi bên sau đó đã cho thấy các ý tưởng khác nhau liên quan đến vấn đề này.

Sự bế tắc liên tục tiếp diễn khi Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược – một yêu cầu phía Triều Tiên gọi là những đòi hỏi đơn phương, giống như “lưu manh”.

Reuters nhận định phi hạt nhân hóa mà ông Trump đang theo đuổi là một mục tiêu quá sức. Thay vào đó, người đứng đầu Nhà Trắng nên hướng tới những mục tiêu thực tế hơn về kiểm soát vũ khí.

Đối với Triều Tiên, lợi ích kinh tế sẽ là mục tiêu chính trong hội nghị Mỹ - Triều lần này và để đổi lại, nhượng bộ liên quan đến phi hạt nhân hóa có thể được đưa ra. Tuy nhiên, khái niệm phi hạt nhân hóa có thể bao gồm việc loại bỏ “chiếc ô hạt nhân” đanh bảo vệ đồng minh Mỹ tại châu Á.

Giống như lần gặp mặt trước, hội nghị Mỹ - Triều lần này tại Hà Nội tiếp tục là một dấu ấn quan trọng đánh dấu những nỗ lực tiến tới hòa bình của cả hai quốc gia.