Nới kênh bảo hiểm xã hội để mở thị trường vốn

Thùy Dung - 11:16, 30/12/2019

TheLEADERQuỹ bảo hiểm xã hội đang nắm giữ phần lớn trái phiếu Chính phủ khiến cho khu vực tư nhân bị hạn chế cơ hội tiếp cận nguồn vốn này, đồng thời chặn khả năng tăng tỷ suất sinh lời từ đầu tư của Quỹ.

Thành công của Việt Nam trong thời gian qua dựa vào nguồn tài chính của khu vực ngân hàng ngày càng phình lên với tỷ lệ tín dụng trên GDP nhảy vọt từ 17% năm 1996 lên đến trên 130% năm 2018.

Mặc dù sự phát triển của khu vực ngân hàng tạo điều kiện huy động tài chính cho các hoạt động sản xuất, nhu cầu huy động nguồn tài chính dài hạn bền vững cho các doanh nghiệp có thể gặp nhiều trở ngại trong thời gian tới, Ngân hàng thế giới (World Bank) đánh giá trong báo cáo Điểm lại vừa qua.

Trên khắp thế giới bao gồm cả Đông Á và Thái Bình Dương, thị trường vốn được nhận định là kênh bổ sung hiệu quả cho nguồn tín dụng của ngân hàng vì chuyên về nguồn tài chính dài hạn, dành cho các hoạt động sản xuất rủi ro hơn, bao gồm cả đầu tư hạ tầng, nghiên cứu và phát triển. 

Nới kênh bảo hiểm xã hội để mở thị trường vốn
Thị trường vốn được xem là kênh bổ sung hiệu quả cho nguồn tín dụng của ngân hàng.

Theo báo cáo từ bộ phận đầu tư của ngân hàng Thụy Sỹ UBS cuối năm 2018, thị trường vốn Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển và sẽ tăng trưởng đáng kể trong 5 năm tới.

Dư nợ tại ngân hàng vượt tổng giá trị trái phiếu niêm yết và cổ phiếu lưu hành khiến Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất trong khu vực (trừ Trung Quốc) phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Để bắt kịp mức trung bình tại Đông Á vào năm 2023, tổng giá trị trái phiếu lưu hành của Việt Nam cần tăng lên 200 tỷ USD (gấp 4 lần) và thị trường cổ phiếu sẽ đạt khoảng 173 tỷ USD (tăng 100%) vào năm 2023.

Số liệu được đưa ra bởi World Bank cho biết quy mô thị trường trái phiếu và cổ phiếu tăng mạnh, từ dưới 40% GDP năm 2011 lên đến gần 100% GDP vào tháng 6/2019, tương đương khoảng 68% tổng giá trị tín dụng của khu vực ngân hàng.

Mặc dù phát triển nhanh, Việt Nam vẫn đứng sau các quốc gia ASEAN khác dựa trên bằng chứng về quy mô các thị trường trái phiếu. Thị trường trái phiếu ở Việt Nam phát triển tương đối nhanh là nhờ vào trái phiếu phát hành của khu vực Nhà nước, do hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ hạn chế ở các ngân hàng và các công ty bất động sản.

World Bank nhận định mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoài ngân hàng, là yếu tố quan trọng để phát triển các thị trường vốn, không chỉ nhằm duy trì tăng trưởng thị trường, mà còn để nâng cao thanh khoản và giảm biến động.

Các loại hình nhà đầu tư khác nhau có các khung thời gian đầu tư khác nhau, mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau, chiến lược và phương thức đầu tư khác nhau đều giảm hành vi bầy đàn trên thị trường.

Trên góc độ phát triển thị trường, các quy định về hoạt động của bên mua có vai trò quan trọng ở chỗ những quy định đó có thể khuyến khích hoặc cản trở sự phát triển của thị trường trái phiếu.

Đó là các văn bản pháp luật và/hoặc quy định về các hoạt động đầu tư được phép thực hiện của các pháp nhân như bảo hiểm xã hội (BHXH), quỹ hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, quỹ tương hỗ, ngân hàng trong nước và nước ngoài.

Trước đây, BHXH chủ yếu đầu tư dưới hình thức cho Chính phủ vay trực tiếp (85%, trước năm 2016), đầu tư vào tiền gửi ngân hàng ở những ngân hàng thương mại được phê duyệt (14%) và đầu tư vào các dự án chiến lược (1%).

Tuy nhiên, theo Nghị định số 30/2016/NĐ-CP, BHXH được phép đầu tư vào công cụ có thể giao dịch là trái phiếu Chính phủ.

Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ BHXH” tổ chức cuối tháng 5/2019, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết khoảng 85% đầu tư của quỹ này được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, còn các hình thức đầu tư khác như gửi tiền, mua trái phiếu chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt do Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Tuy vậy, do nhu cầu của quỹ BHXH – nhà đầu tư lớn trên thị trường trái phiếu này và các lý do khác, hầu hết các đợt phát hành trong 9 tháng đầu năm 2019 đều được thực hiện trong phân khúc 10 và 15 năm, theo số liệu từ Bộ Tài chính.

Nới kênh bảo hiểm xã hội để mở thị trường vốn
Nguồn: Bộ Tài chính

Bên cạnh đó còn có nhu cầu lành mạnh của các doanh nghiệp bảo hiểm về các phân khúc dài hạn hơn do tài sản nợ của họ có tính chất dài hạn hơn, qua đó hỗ trợ từng bước tăng phát hành ở phân khúc kỳ hạn trên 15 năm.

Điều này gây lấn át các phân khúc kỳ hạn khác được các nhà đầu tư khác ưa chuộng hơn.

“Vấn đề này nên được cân nhắc để cải cách theo hướng mở rộng cơ chế đầu tư cho BHXH, có thể thông qua sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội và Nghị định nêu trên, không chỉ nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho BHXH cải thiện bền vững qua nâng cao thu nhập từ đầu tư và giảm rủi ro (nhờ đa dạng hóa đầu tư tốt hơn), mà còn vì sự tham gia của họ ở các thị trường khác như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó giúp đẩy mạnh tăng trưởng ở các thị trường đó, qua đa dạng hóa mạng lưới các nhà đầu tư”, World Bank chỉ rõ.

Ngoài nới kênh BHXH, gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng là cách mở rộng mạng lưới nhà đầu tư cho thị trường vốn.

Quy mô thị trường còn nhỏ, thiếu các mã trái phiếu phát hành theo mốc chuẩn, thiếu công cụ tự bảo hiểm, và thực chất là Việt Nam chưa đứng trong các chỉ số toàn cầu về trái phiếu thị trường mới nổi, được coi là những yếu tố chính gây hạn chế về hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài

Đối với thị trường này, cách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đầu tư vào Việt Nam và đưa thị trường đến gần hơn với các chỉ số trái phiếu toàn cầu trong hai ba năm tới là phải cải thiện chương trình phát hành theo mốc chuẩn và xác định quy mô mục tiêu để phát hành theo mốc chuẩn ở mức cao hơn.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của thị trường khi họ tạo ra những áp lực tích cực về chất lượng và dịch vụ của các tổ chức trung gian, nhu cầu về hạ tầng thị trường lành mạnh, an toàn và vững mạnh, World Bank nhận định.

Tuy nhiên họ có thể làm tăng biến động và khiến cho thị trường trong nước dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường quốc tế và thị trường mới nổi tiềm năng. Về phía doanh nghiệp, thông tin kịp thời và đáng tin cậy bằng tiếng Anh, bao gồm cả thông tin công bố của doanh nghiệp, là điều kiện cần đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Diễn đàn chuyên đề vốn - tài chính thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) tháng 8 năm ngoái, ông Fiachra MacCana - Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu, Công ty CT Chứng khoán TP HCM (HSC), cho rằng quỹ lưu ký có thể là giải pháp để nâng trần khối ngoại.

Trong đó, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài được xem là cách để tăng sở hữu nước ngoài, giúp nhà đầu tư thâm nhập sâu hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vị chuyên gia cho rằng cần nhắc tháo dỡ quy định trần vốn 49% của nhà đầu tư nước ngoài để họ có thể nắm giữ mức trần vốn lớn hơn.