Nỗi lo ‘gánh’ thuế của dịch vụ đặt phòng trực tuyến

Tuệ Ngân - 09:26, 20/07/2018

TheLEADERNhững thay đổi về luật thuế liên quan đến quản lý thương mại điện tử được phân tích có khả năng đẩy ngành kinh doanh du lịch dữ hành ra ngoài Việt Nam.

Nỗi lo ‘gánh’ thuế của dịch vụ đặt phòng trực tuyến
Đặt phòng trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh: Noobpreneur

Giữa mùa du lịch, nhu cầu tìm kiếm khách sạn của người dân ngày càng tăng cao và việc “cháy phòng” rất dễ xảy ra. Tình trạng gọi tới gọi lui nhưng vẫn không thể tìm được khách sạn là điều rất bình thường.

Thế nhưng chị Ngọc Anh, một nhân viên văn phòng lại tỏ ra khá nhẹ nhàng khi được giao nhiệm vụ đặt phòng cho đợt nghỉ mát sắp tới của nhóm bạn. Chỉ thao tác bằng vài cú click chuột, chị đã đặt được phòng ưng ý với mức giá phải chăng.

Chị Ngọc Anh cho biết bí quyết của chị chính là sử dụng các trang đặt phòng trực tuyến, không những nhanh mà còn có thể so sánh được giá cả cũng như hình ảnh giữa các khách sạn.

Việc sử dụng các trang web cũng như ứng dụng để đặt phòng đang ngày càng trở nên không còn xa lạ, đặc biệt đối với những người đang tìm kiếm nơi nghỉ chân tại các địa điểm du lịch lạ lẫm với họ.

Là nhân viên lễ tân tại một khách sạn tại phố cổ, anh Hoàng cho biết phần lớn khách nước ngoài đến đây đều đặt phòng trực tuyến trên một số trang như Booking, TripAdvisors, Agoda với nhiều mức giá hấp dẫn và thậm chí còn thấp hơn giá niêm yết trong một số thời điểm.

Không chỉ có khách sạn nơi anh Hoàng làm việc, nhiều khách sạn nhỏ khác tại khu vực Phố Cổ cũng nhận khách chủ yếu qua đặt phòng trực tuyến. Với những khách sạn to với số phòng nhiều hơn, số lượng khách có thể đến từ việc hợp tác với công ty du lịch.

Có thể thấy, với vị trí trung gian giữa khách lưu trú và khách sạn, các đại lý nước ngoài cung cấp dịch vụ lữ hành trực tuyến (OTA - Online Travel Agent) đang có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường du lịch và lữ hành, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Việt Nam.

Theo phân tích từ trang Statista, doanh thu của OTA tại Việt Nam trong năm nay sẽ đạt khoảng 671 triệu USD, cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 15,8%. Điều này sẽ giúp OTA đạt giá trị thị trường khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2022.

Nỗi lo ‘gánh’ thuế của dịch vụ đặt phòng trực tuyến
Rất nhiều khách nước ngoài tới Việt Nam sử dụng dịch vụ đặt phòng trực tuyến. Ảnh: Tổng cục Du lịch

Sự thuận lợi mà OTA mang lại cho khách hàng sẽ góp phần kéo du khách tới Việt Nam cũng như phát triển ngành công nghiệp khách sạn.

Tuy vậy, OTA đang đứng trước khả năng sẽ nhận thêm gánh nặng về chi phí hoạt động và vận hành liên quan đến việc sửa đổi Luật quản lý thuế (Dự thảo Tờ trình), mảng quản lý thuế đối với thương mại điện tử, đang được Bộ Tài Chính xem xét.

Thứ nhất, Dự thảo Tờ trình đề nghị chuyển nghĩa vụ khai và nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp Việt Nam sang các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Thứ hai, Dự thảo Tờ trình xem xét yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ cho khách hàng Việt Nam thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện ở Việt Nam cho mục đích kê khai và nộp thuế.

Về vấn đề thứ nhất, công văn số 848/BTC-TCT ngày 18/1/2017 của Bộ Tài Chính yêu cầu các khách sạn tại Việt Nam có nghĩa vụ khấu trừ, khai và nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản tiền hoa hồng của các OTA nước ngoài.

Theo phân tích của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kì 2018, nếu Dự thảo Tờ trình được thi hành, OTA nước ngoài sẽ phải gánh thêm việc tuân thủ thuế, gia tăng chi phí hoạt động một cách không cần thiết và tạo ra cơ chế thu thuế không phổ biến. Điều này được dự báo sẽ đẩy ngành kinh doanh du lịch lữ hành sang các quốc gia khác.

Dự thảo Tờ trình cho thấy sự quan ngại đối với giao dịch thương mại điện tử ảo và khó xác minh nhưng trên thực tế, điều này không liên quan đến hoạt động kinh doanh của các OTA.

Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại nhấn mạnh OTA chỉ kết nối khách sạn và khách du lịch để hai bên khách sạn và khách du lịch thực hiện giao dịch với nhau. Chính các khách sạn, chứ không phải các OTA, mới là bên cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách du lịch.

Bên cạnh đó, mặc dù được cung cấp qua nền tảng công nghệ điện tử, dịch vụ đặt phòng trực tuyến của các OTA không mang tính chất ảo vì kết quả của dịch vụ đặt phòng chính là việc khách sạn cung cấp dịch vụ lưu trú tại Việt Nam cho khách du lịch.

“Do đó, việc yêu cầu các khách sạn phải khấu trừ và nộp thuế trong các giao dịch đặt phòng trực tuyến là hoàn toàn thiết thực, khác với một số lĩnh vực thương mại điện tử khác vốn phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân”, nhóm này khẳng định.

Không chỉ vậy, Dự thảo Tờ trình sẽ tạo ra tình trạng đánh thuế hai lần nếu cơ chế thu thuế mới được áp dụng song song với cơ chế khấu trừ thuế hiện nay. Trong khi đó, OTA nước ngoài trên thực tế không thể được bảo vệ theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần dp các yêu cầu hiện hành về thủ tục thông báo miễn giảm thuế quá rườm rà và khó khăn đối với doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến không thực hiện được trong đa số trường hợp.

Về vấn đề thứ hai, việc yêu cầu các OTA nước ngoài phải thành lập một văn phòng tại Việt Nam rõ ràng là không nhất quán với các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Cụ thể, theo các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam10, các dịch vụ được quy định tại CPC 7471 - Dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch - có thể được cung cấp qua biên giới mà không bị hạn chế tiếp cận thị trường, nhóm công tác VBF chỉ rõ.

Do vậy, điều này có thể đặt ra câu hỏi về việc thực thi các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam nếu như các OTA nước ngoài bị yêu cầu phải thành lập một văn phòng đại diện hoặc ủy quyền cho một đại diện thực hiện việc kê khai và nộp thuế như Dự thảo Tờ trình quy định.