Nội lực là chìa khoá cho tăng trưởng kinh tế 2021

Phương Linh - 15:43, 05/02/2021

TheLEADERTrong bối cảnh các yếu tố bên ngoài còn nhiều bất lợi cho tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam cần tìm mọi cách duy trì tăng trưởng từ các động lực trong nước.

Nội lực là chìa khoá cho tăng trưởng kinh tế 2021
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi khả quan trong năm 2021

Mặc dù còn nhiều khó khăn và yếu tố bất định, song theo TS. Nguyễn Đoan Trang, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi khả quan trong năm 2021.

Ở kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt trên 7%. Kịch bản này có khả năng xảy ra trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát trên quy mô toàn cầu, kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn, các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021, hoạt động thương mại và đầu tư FDI sôi động trở lại nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ở kịch bản trung bình, bà Trang cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt 6,7 – 6,8%. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất hiện nay diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục nhưng vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, đại dịch được khống chế dần dần.

Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 6,1 – 6,2%. Kịch bản này có khả năng xảy ra nếu như các diễn biến về dịch bệnh trên thế giới còn tiếp tục phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, hoạt động xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư tư nhân của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn.

Trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài còn nhiều bất lợi cho tăng trưởng kinh tế, theo bà Trang, kinh tế Việt Nam cần tìm mọi cách duy trì tăng trưởng từ các động lực trong nước. Khi các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài dự kiến sẽ kéo dài, Chính phủ cần ưu tiên các nội lực từ bên trong. 

Những động lực này đến từ việc ổn định kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp trong nước và phục hồi tiêu dùng.

Bà Trang đưa ra một số giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế 2021. Theo đó, giải pháp thứ nhất là tiếp tục kích thích tiêu dùng trong nước. Trước mắt, Chính phủ cần đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân nhanh các khoản trợ giúp xã hội đã xác định trong Nghị quyết 42 và Quyết định 15. 

Đồng thời cần tích cực triển khai các biện pháp kích thích tiêu dùng khác như tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để kích cầu nền kinh tế và học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc kích thích cầu tiêu dùng.

Thứ hai, Chính phủ cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, coi tốc độ triển khai nhanh các biện pháp hỗ trợ là ưu tiên cao nhất. Hiện nay, nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp được đánh giá là khó thực thi, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn để được nhận hỗ trợ. Các giải pháp về cho vay còn dựa nhiều vào ngân hàng thương mại, trong khi đây là những có sở kinh doanh dịch vụ tài chính nên khó chấp nhận các doanh nghiệp gặp rủi ro do dịch bệnh.

Do vậy, các chính sách hỗ trợ cho vay doanh nghiệp cần thực chất hơn, Nhà nước nên đóng vai trò lớn hơn với tư các là người bảo lãnh rủi ro đối với các khoản vay của doanh nghiệp

Thậm chí, Chính phủ có thể sử dụng các gói cứu trợ tài khoá để bảo lãnh cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh giống như nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.

Các giải pháp được bà Trang đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp là giãn, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp một cách thực chất hơn. Nghiên cứu để ưu tiên các biện pháp giãn thuế hơn là miễn thuế thu nhập do tác động của miễn thuế thu nhập không cao trong giai đoạn hiện nay khi các doanh nghiệp chưa phát sinh thu nhập. 

Mặt khác, nếu áp dụng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng sẽ phần nhiều là những đối tượng ít bị ảnh hưởng từ Covid-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các biện pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua giảm phí sử dụng hạ tầng, hoặc các dịch vụ khác như chi phí tiền điện hoặc chi phí năng lượng. Ví dụ như nghiên cứu để giảm phí BOT đường bộ bằng cách cho phép các doanh nghiệp được kéo dài thời gian thu phí của dự án.

Ngoài ra, các giải pháp ưu tiên hỗ trợ phục hồi việc làm cho người lao động thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới. 

Trước mắt, các cơ quan quản lý cần tiếp tục và đẩy mạnh tốc độ triển khai các giải pháp đã quy định như giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho những ngành mà sản xuất bị đình trệ và sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những doanh nghiệp bị xếp hạng trong nhóm gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài, hỗ trợ vốn vay, thuế, phí cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều việc làm mới, hỗ trợ người lao động trong những ngành nghề có thể đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất từ trung quốc trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia cũng cho rằng, trong năm 2021, động lực tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ nội lực. Trong đó, đầu tư công là một trong những ưu tiên trong phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, giải pháp này cần đảm bảo tính dài hạn trên góc độ tác động kinh tế, xã hội của công trình đầu tư, tránh tâm lý giải ngân vốn để kích thích tăng trưởng ngắn hạn.

Đối với doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp cần tận dụng giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 như một thời điểm phù hợp để thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động theo hướng số hoá, cải thiện nhân lực và công nghệ để đón những cơ hội mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần rà soát lại toàn bộ các chi phí và thực hiện giảm, cắt các chi phí đến mức tối đa như chi phí thuê văn phòng, thuê mặt bằng bán hàng, chi phí quảng cáo, chi phí hành chính. 

Trong đó, chi phí lao động cũng là chi phí lớn mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tính đến nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là lao động chất lượng cao. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc sử dụng các công cụ quản lý doanh nghiệp hiện đại, mở rộng việc áp dụng các hình thức quản lý số, chuyển đổi số mô hình kinh doanh cho phù hợp với xu hướng số hoá đời sống kinh tế xã hội.

Tùy theo điều kiện cụ thể, các doanh nghiệp cần kịp thời nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự của mình, đặc biệt là đào tạo để họ có thể đáp ứng tốt những yêu cầu sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, ông Thắng nhận định.