Diễn đàn quản trị
Nữ tướng Hà Thị Thu Thanh: Kiên định là yếu tố làm nên nhà lãnh đạo
Sức mạnh của một tổ chức đều bắt nguồn từ sự kiên định với mục tiêu cao cả của nhà lãnh đạo. Nhưng làm thế nào duy trì sự kiên định ấy trong chính mình, biến nó thành kỹ năng của cả tổ chức, tạo niềm tin cho toàn đội ngũ?
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán, bà Hà Thị Thu Thanh được phân công về Bộ Tài chính, đúng lúc chiến dịch cải cách kế toán toàn quốc diễn ra. Năm 1991, bà được Bộ Tài chính điều chuyển về Công ty Kiểm toán Việt Nam, công ty đầu tiên đánh dấu sự có mặt của nghề kiểm toán độc lập tại Việt Nam. Bà cũng chính là người châu Á đầu tiên được cử sang Mỹ học về kiểm toán
Trong buổi trò chuyện “Lãnh đạo tạo đột phá: Khởi nguồn từ bản thân” với gần 500 nữ lãnh đạo tại TP. HCM, bà Thanh - hiện là Chủ tịch HĐQT Deloitte Việt Nam đã nhiều lúc nghẹn ngào, ứa nước mắt khi nhớ lại hành trình gian nan của chính mình để theo đuổi sự “kiên định tột cùng”, giá trị lớn nhất của bản thân mà bà muốn gìn giữ, và vun đắp cho văn hoá Deloitte.
Những ngày đầy nước mắt trên đất Mỹ
Tháng 3/1995, khi Mỹ tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, bà Thanh mới ngoài 30 tuổi nhưng đã là Phó Tổng giám đốc thứ nhất của liên doanh kiểm toán Deloitte Việt Nam. Bà được Deloitte cử sang Mỹ học và làm việc cùng với giới kiểm toán Mỹ.
Để lại sau lưng con nhỏ, rất nhiều công việc dở dang trong liên doanh mà bà gần như là người chủ lực trong những vấn đề liên quan đến thị trường, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Bà mang theo cả niềm tin của lãnh đạo, sự gửi gắm rất tự hào của chồng con, gia đình, đồng nghiệp và cả nỗi lo lắng mà chỉ khi đối mặt với nó, bà mới biết thực sự là gì.
Đầu tiên là rào cản ngôn ngữ khiến bà vô cùng bối rối. Có vốn tiếng Anh căn bản, nhưng để làm việc như một người Mỹ bình thường là hoàn toàn khác, đó là chưa kể đến hệ thống kiểm toán Việt Nam lúc đó tiếp nhận từ Nga, Việt Nam chưa ai biết đến hệ thống kế toán quốc tế, thị trường còn đang tranh cãi làm thế nào để chuyển đổi hệ thống kế toán Việt Nam sang hệ thống quốc tế. Ngôn ngữ tiếng Anh, ngôn ngữ kinh doanh, ngôn ngữ nghề nghiệp là cả một khoảng cách vô cùng lớn, vô cùng khác biệt.
“Bây giờ, chúng ta đã rất quen thuộc với internet, email, nhưng tại thời điểm đó chỉ dùng máy fax thôi, mà chỉ dùng vào những chuyện quan trọng và phải được sếp phê duyệt. Sang đó, cả một hệ thống hoàn toàn khác. Khi nhận được tin nhắn “có thông tin cho bạn, sao một ngày chưa thấy bạn trả lời?”, tôi chạy suốt một ngày vẫn không biết văn bản đó nằm ở đâu? Mình cứ chạy đến hộp thư, những tưởng văn bản phải là tờ giấy có đóng dấu sẵn. Nhưng thực ra nó nằm trong email, mà tôi còn chưa biết kiểm tra email thế nào!” bà Thanh nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ.
Thách thức nữa là đi làm phải biết lái xe. Hồi đó rất ít người biết lái xe, những liên doanh như Deloitte Việt Nam được nhập xe về nhưng đều có tài xế. Sang Mỹ, bà phải tự đi mua xe, tự đi thi bằng, trong vòng ba tháng phải biết lái xe. Luật lái xe bên Mỹ không dễ để thực hành với những kỹ năng bà còn bỡ ngỡ, trong khi vẫn phải đi làm từ sáng đến chiều như các bạn đồng nghiệp Mỹ.
“Trên hết là nỗi nhớ nhà, nhìn vạt nắng dài thăm thẳm, thấy lòng buồn rười rượi khi không biết con ở nhà học hành, ăn uống thế nào. Hồi đó xa nhà biệt biệt, một bức thư gửi về Việt Nam phải mất cả tháng trời mới tới nơi. Một phút nói điện thoại lúc đó là 50 USD, có những tháng tôi phải bỏ cả ngàn USD chỉ để nghe được giọng của con. Một nỗi nhớ nhà thăm thẳm, cứ chiều chiều đi làm về, ra công viên ngồi một mình rơi nước mắt vì nhớ con. Tôi không biết có bao nhiêu người phụ nữ xa con nhỏ, làm thế nào để tập trung công việc, làm thế nào để bỏ nỗi nhớ đó ra. Tôi chỉ biết mình nhớ nhà đến phát ốm”, giọng bà chùng xuống.
Trong muôn vàn khó khăn đó, bà thấy mình vô cùng lẻ loi và cô đơn trong sự hỗ trợ đến mức tối đa của các bạn Mỹ. Bởi đơn giản bà chưa có được sự kết nối trong cả hệ thống làm việc. Bà là người châu Á đầu tiên đến văn phòng của công ty kiểm toán tại Arizona. Với sứ mạng học nghề, học cách tổ chức quản lý một công ty, để sau này có thể tổ chức và lãnh đạo một công ty như thế ở Việt Nam, một sứ mạng mà bà cảm thấy quá lớn trong khi năng lực cảm thấy quá ít ỏi.
Có những hôm chờ bà xe buýt giữa sa mạc Arizona buổi tối vô cùng lạnh, buổi sáng vô cùng nóng, trong sự lẻ loi đến tận cùng vì chẳng có ai để chia sẻ nỗi cô đơn, sự thiếu vắng từ tình cảm, tri thức, cho đến những rào cản về văn hoá. Rất nhiều lần bà vừa lái xe vừa rơi nước mắt, đi lạc đường giữa sa mạc mênh mông.
“Mỗi tối, khi trở về nhà, tôi phải mở catxet lên để được nghe giọng nói của người Việt. Ở đó, họ còn chưa biết gì về người châu Á, chưa biết gì về Việt Nam. Buổi tối tôi thường làm món nem rán để đãi các bạn, từ đó học thêm về họ. Muôn vàn vất vả cộng với mất ngủ nhiều đêm khiến tôi lần đầu tiên biết đến stress, cứng hết cả cổ, không làm sao lái xe đi làm được... Tôi rơi nước mắt vì bất lực, rơi nước mắt vì bao nỗ lực vẫn không đạt kết quả.” Cả khán phòng lặng đi như cảm thông với nỗi vất vả của người phụ nữ được ví như nữ tướng của ngành kiểm toán.
Bà quá căng thẳng đến mức không thể làm tốt công việc, đến nỗi sếp đã phải gọi lại và nói: “Thanh, nếu bạn muốn, bạn có thể trở lại Việt Nam.”
Động lực để bám trụ
Nhưng, với tất cả sự nỗ lực, bà quyết tâm ở lại. Tập trung giải quyết những vấn đề ngôn ngữ kinh doanh, tự mình lái xe đi làm. Quyết tâm một tháng không gọi điện về nhà, để sang một bên nỗi nhớ con, nhớ gia đình. Một câu nói của bạn bè mà bà nhớ mãi đã giúp bà có động lực: “Bạn là người Việt Nam đầu tiên học về kiểm toán Mỹ, nếu bạn thành công sẽ có thêm nhiều người Việt nữa được sang Mỹ học”. Gọi điện về, con nói câu trước là “Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm”, câu sau con nói “Mẹ cố gắng nhé”, đó chính động lực để bà bám trụ.
“Trong sự nỗ lực tột cùng đó, tôi nhận ra trong con người mình có một giá trị, đó là sự kiên định. Sự kiên định không phải là cái gì quá to lớn, bắt đầu bằng việc chọn con đường, đi mà không ngã, bám vào những giá trị mình chọn, để đến hôm nay, tôi là một người mẹ hạnh phúc, các con tự hào về mình, là một người làm nghề có dấu ấn từ thời đầu tiên đó. Kiên định chỉ đơn giản là nội lực của bản thân, là nỗ lực đến tột cùng để vượt qua khó khăn, đi đúng con đường đã chọn”, nữ tướng Deloitte chia sẻ.
Sự kiên định không phải là cái gì quá to lớn, bắt đầu bằng việc chọn con đường, đi mà không ngã, bám vào những giá trị mình chọn.
Từ trải nghiệm của bản thân, bà Hà Thanh đã thổi hồn vào Deloitte sự kiên định đó, và biến nó thành giá trị cốt lõi của một công ty đầu đàn trong ngành kiểm toán. Bà nói: “Đến 2008 tôi được chính thức bổ nhiệm Tổng giám đốc. Với tất cả những gì mình học, tôi thấy không thể nào không cử người của chúng ta đi học tiếp nước ngoài. Thời đó, khi nói đến nghề kiểm toán và tư vấn trình độ quốc tế, cách nghĩ của người Việt chắc chắn phải là khuôn mặt người nước ngoài. Bây giờ vẫn còn suy nghĩ ấy. Rất may thực tế đã thay đổi, chúng tôi nghĩ rằng người Việt vẫn có thể làm điều đó”.
Bà bắt đầu chương trình đưa lãnh đạo và nhân viên ra nước ngoài học, đặc biệt là đi Mỹ, nhưng có quá nhiều rào cản. Hồi đó, một năm chi 1 tỷ đồng đưa người đi học ở Mỹ không hề nhỏ, có người đi không trở về, có người về lại không làm việc, khiến bà bị áp lực. Có người nói bà với số tiền lớn ấy thuê chuyên gia nước ngoài về để lấy thêm nhiều khách hàng, thay đổi hình ảnh công ty. Nhưng lương của một chuyên gia nước ngoài bằng 10 lần lãnh đạo Việt Nam, và bằng 50- 60 lương của một nhân viên Việt Nam. Nên cuối cùng, bà vẫn theo đuổi chương trình quốc tế hoá đội ngũ nhân viên.
Kiên trì theo đuổi các mục đích để tạo ra những giá trị, vượt qua mọi rào cản và thách thức chính là sự kiên định. Và lúc này, sự kiên định không chỉ là nội lực của riêng mình, mà trở thành kỹ năng của toàn đội ngũ. Để đến hôm nay, Deloitte vô cùng tự hào có đội ngũ lãnh đạo được đào tạo ở Mỹ nhiều nhất trong các công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu Việt Nam. Mười năm kiên trì đầu tư dù có mất mát, nhưng trên hết là niềm tin người Việt có thể làm nghề tư vấn kiểm toán với giá trị và đẳng cấp quốc tế.
“Khi mình thực sự kiên trì bám đuổi mục tiêu đã đề ra, đến hôm nay, trong dấu ấn của ngành, của nghề kiểm toán và tư vấn, Deloitte Việt Nam đã có được một đội ngũ người Việt có năng lực quốc tế, rất nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc cho chúng tôi, và lương của người Việt bằng lương của chuyên gia nước ngoài, thậm chí còn cao hơn ở một số vị trí rất quan trọng”, bà Thanh khẳng định.
Kiên định không chỉ là giá trị nội lực của người lãnh đạo, khi biến nó thành kỹ năng của một tổ chức, sẽ tạo ra giá trị đỉnh cao cho một tổ chức. Bà hình dung nó giống như bánh lái để máy bay chạy đúng hướng trên đường băng. Bây giờ đã 57 tuổi, nhưng bà vẫn leo đỉnh Fansipan với cả đội ngũ.
“Tôi tin mục tiêu cao cả với sự ròng rã kiên định trong suốt mười năm qua sẽ giúp Deloitte tiếp tục tiên phong. Người lãnh đạo thành công là người biết biến nội lực thành giá trị, từ giá trị thành bộ kỹ năng, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình để dẫn dắt tổ chức đi đến thành công,” nữ doanh nhân tâm sự.
‘Mỏ vàng’ cho vay tiền mặt của công ty tài chính bị kiểm soát
Góc nhìn của nữ tướng Deloitte về Hội đồng quản trị trong bối cảnh công nghiệp 4.0
Làn sóng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ thay thế hàng loạt việc làm, đặt ra những vấn đề mới với hội đồng quản trị (HĐQT) bên cạnh những vấn đề còn tồn tại như hiệu quả và xung đột lợi ích.
Nữ tướng Deloitte Hà Thu Thanh: 'Phải lãnh đạo được bản thân mình trước khi lãnh đạo bất cứ ai'
Trong công việc hay lãnh đạo kinh doanh, nam nữ bằng nhau và không hề có sự phân biệt.
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nền giáo dục hạnh phúc tạo ra cộng đồng hạnh phúc
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Gen Z: Làn gió mới của thị trường bất động sản và cách hoá giải thách thức quản trị
Thấu hiểu con người và tâm tư của nhân sự trẻ để tạo môi trường giúp họ phát huy tối đa tiềm năng là chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa.
Bộ quy tắc đạo đức mới quyết định tương lai môi giới bất động sản
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.
Nhiều đổi mới ở Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.