OCB triển khai kế hoạch tăng vốn lên hơn 20.000 tỷ đồng

Trần Anh - 14:42, 17/05/2023

TheLEADERNguồn vốn tăng thêm được ngân hàng dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Hồi đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa có nghị quyết việc triển khai thực hiện phương án tăng vốn điều lệ năm 2023, theo phương án mới được Đại hội cổ đông thông qua tháng trước.

Theo đó, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên thêm gần 6.850 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Mệnh giá mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng, tương ứng với việc nhà băng này phát hành thêm gần 685 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành là 50%, tức cổ đông nắm giữ 2 cổ phiếu OCB sẽ nhận được một 1 cổ phiếu mới.

Thời gian thực hiện trong năm 2023, căn cứ theo sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu của OCB.

Nguồn vốn sử dụng để tăng vốn đến từ hơn 7.077 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 1.702 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và gần 3.000 tỷ đồng từ các quỹ khác.

Sau phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ được tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Với số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

OCB triển khai kế hoạch tăng vốn lên hơn 20.000 tỷ đồng
Quá trình tăng vốn điều lệ của OCB từ năm 2015 đến nay.

Tại ĐHCĐ năm 2023, ban lãnh đạo OCB cho biết với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định.

Năm 2023, OCB đặt mục tiêu năm nay tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ; dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ.

Ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3% để phù hợp với bối cảnh thực tế năm 2023.

Trong quý I, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tổng thu thuần của ngân hàng đạt 2.090 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 1.751 tỷ đồng, chiếm 84% trong cấu trúc tổng thu thuần hoạt động của ngân hàng. NIM duy trì hiệu quả ở mức 3,9%, tăng so với cùng kỳ.

Đến hết quý 1/2023, tổng tài sản của OCB tiếp tục tăng trưởng khả quan khi đạt hơn 199.141 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất biến động mạnh, hoạt động tín dụng và huy động của ngân hàng không ngừng tăng trưởng.

Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng đạt gần 121.914 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy ngân hàng vẫn luôn tập trung vào hoạt động cho vay cốt lõi. Bên cạnh đó, tổng huy động thị trường 1 đạt 143.752 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Riêng tiền gửi khách hàng ghi nhận kết quả khả quan khi tăng trưởng 7,2% so với cùng kỳ, tương đương đạt 105.564 tỷ đồng.