Ông Phạm Phú Ngọc Trai: Chiến lược hợp tác - Cơ hội nâng cao nội lực và phát triển bền vững doanh nghiệp

Kim Yến - 08:00, 07/09/2017

TheLEADERChiến lược hợp tác kinh doanh là một phần không thể tách rời của chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển công ty bền vững.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai: Chiến lược hợp tác - Cơ hội nâng cao nội lực và phát triển bền vững doanh nghiệp
Chủ tịch GIBC Phạm Phú Ngọc Trai. Ảnh Tuổi trẻ

“Điều mà doanh nghiệp luôn băn khoăn là làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh và doanh nghiệp được bền vững trong quá trình phát triển trước tình hình cạnh tranh khốc liệu và thay đổi liên tục qua quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế như hiện nay?”

Chiến lược hợp tác trong kinh doanh luôn là cơ hội để nâng cao nội lực cho các bên hợp tác và kinh doanh bền vững!”

Ông Phạm Phú Ngọc Trai đã chia sẻ như thế với hơn 200 doanh nhân trong cuộc hội thảo “Chiến lược cộng tác trong kinh doanh” do YBA (Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ TP. HCM) - chi hội Tân Sơn vừa tổ chức tại khách sạn Le Meridien.

“Nếu không cộng tác với bên ngoài sẽ tụt hậu, làm mất đi sự tiến công của chúng ta”

Nằm trong chuỗi 6 chương trình liên tiếp của YBA chi hội Tân Sơn Nhất, gồm có Chiến lược cộng tác trong kinh doanh; Ứng dụng CNTT; Nguồn nhân lực; Khảo sát lương; Thăm doanh nghiệp thành công; Quản trị về tài chính… Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, một CEO dày dạn kinh nghiệm đã mở đầu sự kiện với những kiến thức quản trị vừa thực tiễn, vừa mang tính hội nhập, giúp doanh nghiệp Việt có thể vượt qua những rào cản cố hữu để liên kết sức mạnh trong cộng đồng, nâng tầm chính mình.

Theo ông Trai, bất cứ một chiến lược kinh doanh nào cũng cần xuất phát từ đặc thù của doanh nghiệp, tầm nhìn và năng lực lãnh đạo trong dẫn dắt, sự tác động của bên ngoài (kinh tế vĩ mô, sự hội nhập ...), các cuộc cách mạng về công nghiệp như cuộc cách mạng 4.0 hiện nay .... luôn có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong cả ngắn và dài hạn. Theo đó, hợp tác (partnership) được hiểu theo nghĩa rộng hơn chứ không là mối quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp với nhau.

Ông Trai phân tích: “Một điều chúng ta rất băn khoăn là làm sao phát triển một cách bền vững trong sự cạnh tranh khốc liệt và thay đổi liên tục như thế này? Các kết quả tăng trưởng về kinh tế vĩ mô của Việt Nam hơn 30 năm qua tùy thuộc rất nhiều vào những chính sách vĩ mô và tiến trình hội nhập kinh tế của quốc gia. Năm 1997-1998 trải qua khủng hoảng kinh tế trong khu vực đầu tiên. Đó là bước đầu của hội nhập kinh tế quốc tế... Ảnh hưởng chỉ xảy ra 2 năm và sau đó nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên tiếp theo đó là khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2008 – 2009, khi Việt Nam đã và đang ở mở rộng tiến trình hội nhập. Đến hôm nay, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chưa trở lại như trước kia.

Kinh tế tư nhân đã được xem là đầu tàu để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, thật sự khối doanh nghiệp tư nhân chỉ mới phát triển mạnh khoảng 20 năm gần đây khi Luật Doanh nghiệp chính thức ra đời (sau Luật đầu tư nước ngoài hơn 10 năm). 

Sự hội nhập với các nền kinh tế khác trong khu vực và các nước trên thế giới... để tìm kiếm cơ hội phát triển, sánh vai cùng năm châu... cũng là rủi ro khi chúng ta vẫn lúng túng khi chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Nếu không cộng tác với bên ngoài sẽ tụt hậu, làm mất đi sự tiến công của chúng ta. 

Ví dụ như ngành nông nghiệp, dệt may, da giày, điện tử... doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa có được thương hiệu mạnh, lợi nhuận chia sẻ trong chuỗi giá trị từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng là một tỷ lệ rất nhỏ so với lợi nhuận của các doanh nghiệp ở các nước trong khu vực và thế giới mà Việt Nam hội nhập...

Càng hội nhập sâu rộng, nền kinh tế càng không thể tách rời với những cuộc cách mạnh về công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sống cho con người, xã hội và môi trường. Năng lực cạnh tranh luôn được cải thiện qua nỗ lực nâng cao hiệu quả và hiệu suất trong quá trình sản xuất chế biến và cung ứng những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, kể cả về lượng lẫn về chất.

Sự tiếp nhận và gắn kết vào xu thế phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp, luôn đi đôi với đổi mới sáng tạo... bây giờ không còn là sự lựa chọn mà là những yêu cầu bức thiết cho cả nền kinh tế và cho từng doanh nghiệp

Thời gian qua, chúng ta đã không tận dụng được những chiến lược hợp tác “hiệu quả” thông qua sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Có nhiều bài học kinh nghiệp xương máu trong các buổi giao thời, chuyển tiếp của các cuộc cách mạng trong công nghiệp trước kia. 

Có doanh nghiệp đã bắt đầu lập nghiệp bằng chính các công nghệ đã bị đào thải ở một nước khác để sản xuất kinh doanh và phát triển trong nước... Hệ quả là gặp phải khủng hoảng, dẫn đến phá sản do kinh doanh kém hiệu quả, hoặc gây tác động xấu đến môi trường, thiệt hại lớn đến cộng đồng và xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam có 61.300 doanh nghiệp mới thành lập, nhưng 43.350 doanh nghiệp bị đóng cửa…

Làm thế nào vượt qua những rào cản trong tư duy để hợp tác và cùng nhau phát triển bền vững?

Theo Phạm Phú Ngọc Trai, hợp tác trong kinh doanh có thể hiểu từ sự cộng tác của hai hoặc nhiều đối tác. Họ chia sẻ trách nhiệm trong mỗi khía cạnh của kinh doanh. Lợi ích và rủi ro thất bại cũng được chia sẻ đồng đều với nhau trong quá trình hợp tác.

Chiến lược hợp tác kinh doanh là một phần không thể tách rời của chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển công ty bền vững

Quy trình hoạch định chiến lược kinh doanh gồm có từ tầm nhìn doanh nghiệp, với những phân tích có cơ sở về cơ hội, rủi ro, xác định chỉ tiêu kinh doanh chính yếu với các chiến lược ưu tiên nhằm xây dựng kế hoạch thực hiện một cách khả thi. Và với sự biến đổi liên tục của thế giới hiện nay, sự thay đổi và kiểm soát quản trị doanh nghiệp luôn luôn là một phần trong quy trình xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, từ sự phân tích các cơ hội và rủi ro để thấy các mặt mạnh và yếu về ngoại vi và nội vi của doanh nghiệp, chúng ta có thể xác lập được các chiến lược về sự hợp tác qua các vấn đề về thương hiệu, phân phối, bán hàng, sản xuất, tài chính...dựa vào các mối quan hệ tương quan qua sự hợp tác của các bên liên quan, từ người tiêu dùng, khách hàng, nhà cung cấp, chính quyền, media, NGOs... Đặc biệt về các mối quan hệ nội vi, đó là nguồn nhân lực và tổ chức của chính doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng trong định hướng về chiến lược: “Chiến lược hợp tác được dẫn dắt và quyết định bởi đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp”.

Ông Trai cho biết theo một nghiên cứu gần đây của MIT Leadership Center khảo sát về các kỹ năng của nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực, có thể nhận thấy bốn kỹ năng quan trọng nhất giúp cho nhà lãnh đạo, người định hướng chiến lược để xác định các đối tác phù hợp trong quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh.

Trước tiên là kỹ năng hợp lý hóa, không thể phán đoán được vấn đề thì không tìm được quan điểm đúng để bắt đầu ý tưởng. Thứ hai là kỹ năng kết nối, không thể kết nối được mọi người trong một tập thể thì không thể làm việc cùng nhau. Thứ ba là kỹ năng xây dựng tầm nhìn, nếu chúng ta không hướng mọi người có tầm nhìn giống nhau thì không thể cộng tác được. Thứ tư là kỹ năng kiến tạo, vì không thể kiến tạo thì một tầm nhìn tốt cũng chỉ là hão huyền.

Đây là những kỹ năng vừa độc lập, vừa liên hệ với nhau chặt chẽ.

Và không có người lãnh đạo hoàn hảo. Chỉ có người lãnh đạo thành công, là khi biết mình mạnh gì, yếu gì để tìm người giúp mình hoàng thiện công việc của người đứng đầu tổ chức.

Chiến lược là một quy trình liên tục chứ không phải là sự kiện chỉ xảy ra một lần. Có thể đi đường biển, đường sông, còn chọn con thuyền nào, hợp tác với ai để đi đường biển và đường sông là hai chuyện khác nhau

Chính sách về vĩ mô cùng các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết đã mở rộng khái niệm partnership hơn bao giờ hết với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Chúng ta đã nhiều lần để mất cơ hội trong các cuộc cách mạnh công nghiệp của toàn thế giới. Do đó, hiện nay với sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đối với khu vực và toàn thế giới, cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển nhanh chóng của AI (Trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet of things), Robot, dữ liệu lớn (big data)... . đã bắt đầu và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước và Việt Nam chắc chắn sẽ không là một ngoại lệ!

Đó là những điều mà doanh nhân chúng ta hơn bao giờ hết, cần ý thức để nắm bắt cơ hội và tránh những rủi ro đang rình rập ở khắp các góc cạnh của ngành kinh tế và chính bản thân doanh nghiệp.

Thương hiệu uy tín với sự thích ứng nhưng phát triển về công nghệ sẽ giải quyết lòng tin vào sản phẩm từ người tiêu dùng nhằm thúc đẩy việc nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, của doanh nghiệp Việt Nam!

Nhấn mạnh đến điểm hạn chế nhất trong tư duy đã khiến những cuộc hợp tác đổ vỡ, ông Trai nói: “Thông thường những chuyện không hay xảy ra trong hợp tác vì chúng ta chưa chia sẻ được giá trị chung (Creating shared values) một cách xuyên suốt, nên tới lúc nào đó thì chỉ còn một công ty tồn tại hoặc tan rã.... Tuân thủ luật pháp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) cũng là những giá trị chung cần chia sẻ". 

Cũng theo ông Trai, có những phương pháp giúp chúng ta xây dựng chiến lược để gắn kết. Rủ người ta cùng làm ăn mà không chia sẻ giá trị chung thì đến khi nào có nơi khác chia sẻ lợi nhuận cao hơn và không bền vững... họ sẽ bỏ đi”. Thực tế nếu có sự khác biệt trong cách nhìn về lợi nhuận, điều này sẽ dẫn đến sự khác biệt trong tầm nhìn về những lợi ích ngắn hạn và dài hạn... Hệ quả, sẽ tạo ra các nhóm lợi ích cục bộ của một nhóm người... chứ không phải lợi ích của doanh nghiệp gắn liền với lợi ích của cộng đồng, xã hội... lợi ích của 90 triệu dân Việt Nam.

Về sức mạnh nội tại, ông Trai cho rằng phải có một tầm nhìn, sứ mệnh rõ ràng về kinh doanh, về văn hóa. Phải thiết kế, tuyển chọn nhân lực để có một tổ chức mạnh nhất, có mối liên hệ chặt chẽ giữa tất cả các phòng ban. 

“Tôi khuyên các anh chị đừng bao giờ nghĩ rằng tổ chức chúng ta bền vững bằng những giá trị đã xây dựng mà không đa dạng hóa nó. Đặc biệt trong mối quan hệ giữa các cộng sự và các phòng ban. Tất cả đều có thể thay thế hết. Thời đại này là thời đại của sự thay thế. Làm sao có hiệu quả trong xây dựng tổ chức? Ngoài xây dựng chiến lược, thực hiện nó, phải quản trị được chiến lược kinh doanh xây dựng trên nền tảng hợp tác (partnership)”, ông Trai chia sẻ.

Vị CEO nổi tiếng này kết luận: “Nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn chưa đủ, phải tạo ra giá trị cho xã hội, gồm những khoản đầu tư hướng về mục tiêu xã hội và môi trường, tạo ra giá trị chung trong năng lực cạnh tranh lâu dài… nếu không chúng ta khó giữ người. Lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội sẽ tạo ra thể chế, văn hóa. Kiến tạo những giá trị chung luôn là sự lựa chọn tốt nhất để kinh doanh bền vững”.