Phan Hoàng Lan, 30 Under 30 của Forbes: Tôi muốn thay đổi định kiến về công chức nhà nước

Quỳnh Như - 09:23, 26/04/2018

TheLEADERGiọng nói trầm ấm, cách nói chuyện thông minh lôi cuốn toát lên một thứ năng lượng tích cực tạo sự tin tưởng lớn cho người đối diện, dường như Phan Hoàng Lan sinh ra để làm công việc xã hội kết nối.

Phan Hoàng Lan, 30 Under 30 của Forbes: Tôi muốn thay đổi định kiến về công chức nhà nước
Phan Hoàng Lan, nhân viên Bộ Khoa học và công nghệ.

Phan Hoàng Lan, 30 tuổi, nhân viên Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC - Bộ Khoa học và công nghệ) vừa được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 Under 30 (30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2018).

Tuy là một công chức nhà nước nhưng Phan Hoàng Lan lại là một cái tên khá nổi trong cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam.

Lan cùng một vài cộng sự chính là tác giả của Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844), được coi là đề án quốc gia đầu tiên về khởi nghiệp, đánh dấu sự vào cuộc của Chính phủ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Cô cũng là người khởi xướng Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Techfest Việt Nam, sự kiện thường niên bắt đầu từ năm 2015.

Với giọng nói trầm ấm, cách nói chuyện thông minh lôi cuốn toát lên một thứ năng lượng tích cực từ Lan tạo sự tin tưởng lớn cho người đối diện, dường như Lan sinh ra để làm công việc xã hội kết nối. 

Phan Hoàng Lan đã dành những chia sẻ thú vị tại đêm vinh danh Forbes Vietnam Under 30 Summit 2018 ngày 24/4 vừa qua. 

Mối lương duyên giữa Phan Hoàng Lan với giới khởi nghiệp bắt đầu từ thời còn học phổ thông. Do học trường chuyên lớp chọn lúc cấp 2 và 3 nên Lan hay được chứng kiến nhiều anh chị bạn bè đoạt các huy chương quốc tế. Lúc đó, ngoài vui mừng, một vấn đề cũng nảy sinh trong đầu Lan: rõ ràng, trí tuệ của người Việt rất cao, tại sao đất nước vẫn không phát triển?

Khi học bằng thạc sỹ ngành kinh tế phát triển ở Vương quốc Anh, nhiều giáo trình đề nghị về 2 phương pháp có thể giúp các nước đang phát triển bắt kịp thế giới: thứ nhất, đi học tập kinh nghiệm – kiến thức từ các nước lớn hoặc các doanh nghiệp FDI. Thứ hai, tích cực ứng dụng các kiến thức và phát minh khoa học vào thực tiễn. 

Với những điều kiện Việt Nam đang có, theo Phan Hoàng Lan, chúng ta nên chú tâm phát triển phương thức thứ hai.

Còn lý do khiến Lan chọn đầu quân làm việc cho Nhà nước thay vì một tổ chức tư nhân nào đó, cũng đặc biệt không kém: "Do sống trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với các vấn đề về hành pháp – lập pháp (ông bà đều làm ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), nên từ nhỏ, tôi luôn ao ước được như ông bà, muốn góp phần tạo ra các chính sách giúp xã hội tốt đẹp hơn", Lan tiết lộ.

Đặc biệt, Lan cũng muốn thay đổi thành kiến tồn tại từ lâu: người Nhà nước ít năng động, luôn không chịu thay đổi. Tuy nhiên, cùng những khó khăn trong công việc, cô còn phải làm nhiều cuộc 'cách mạng' khác mới khiến hình ảnh công chức cơ quan nhà nước tươi sáng hơn trong mắt người dân.

Khi chọn trở về làm việc cho nhà nước, Lan đã nhận được không ít những lời bàn lùi của người thân và bạn bè. Mọi người hỏi cô, vì sao đã đi học ở Tây, đã làm việc tại Anh, Mỹ, Hàn Quốc mà còn bỏ về nước? Nhiều người trong Nhà nước vừa già vừa bảo thủ, cô có vào làm cũng chẳng thay đổi được điều gì đâu.

"Tôi muốn chứng minh cho doanh nghiệp và các bạn trẻ thấy, cơ quan Nhà nước cũng làm được nhiều việc, nhiều người có tư duy mở. Bằng những cố gắng của mình, trong vài năm vừa qua, tôi cũng đã dần thay đổi thái độ của cấp trên.

Khi làm việc, chúng ta phải liên tục cập nhật kiến thức cũng như khoa học kỹ thuật. Có nhiều cách để thực hiện một việc. Cách thức làm việc khác nhau cho ra những kết quả khác nhau", Phan Hoàng Lan khẳng định.

Phan Hoàng Lan: Tôi muốn thay đổi thành kiến rằng, người nhà nước luôn không chịu thay đổi
Techfest là dự kiện được Phan Hoàng Lan khởi xướng năm 2015.

Theo chia sẻ của Lan, hành trình thay đổi thái độ tiếp nhận của mọi người đối với vấn đề khởi nghiệp sáng tạo là không đơn giản, rất truân chuyên.. Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Techfest Việt Nam đầu tiên, Lan phải đứng ra tự làm, vì không phải ai cũng hiểu mô hình kết nối mới này là như thế nào.

Lan mời các startup, nhà tài trợ, mặt bằng… tuy nhiên, phút 89, một sự cố xảy ra khiến chút nữa sự kiện này đã không thể thành hiện thực. Đột nhiên, một lãnh đạo của trường đại học, nơi Lan mượn địa điểm để tổ chức, nói Techfest Việt Nam phải dời qua khuôn viên nhỏ, không được làm ở khuôn viên chính, vì ông cũng chưa hiểu rõ hết về nội dung sự kiện. May mà cuối cùng cô cũng thuyết phục được vị lãnh đạo này không thay đổi ý định.

Hiện tại, Techfest Việt Nam đã trở thành một sự kiện lớn trong giới khởi nghiệp Việt Nam, tổ chức bởi Bộ Khoa học và công nghệ cùng các đối tác. Năm 2015, có 1,5 triệu USD từ các nhà đầu tư rót vào các doanh nghiệp tham gia Techfest, năm 2017 là 4,5 triệu USD. 

"Nhưng vui nhất đối với tôi là hiện nay đã nhiều cơ quan Nhà nước và chính quyền các địa phương vào cuộc trong phong trào hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm đến nhu cầu của khởi nghiệp, xem khởi nghiệp cần gì để họ có thể hỗ trợ và xây dựng chính sách phù hợp", Phan Hoàng Lan nói với giọng tự hào.

Dù đã bước đầu gặt hái vài thành công, nhưng không vì thế, cô gái 30 tuổi này lại trở nên tự mãn, bởi, Lan biết, con đường đến mục tiêu của cô còn rất chông gai.

Nhiều địa phương vẫn chưa hiểu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là gì và hỗ trợ các doanh nghiệp đó như thế nào. Thế nên, mới có chuyện, một địa phương định mang Techfest về tự làm, nghĩ rằng lấy ý tưởng sáng tạo từ sinh viên, rồi nói với cô: Lan gọi cho tôi các nhà đầu tư có vài chục triệu USD, mà không biết rằng nếu dự án mới chỉ ở ý tưởng thì gần như không thể nghĩ đến chuyện gọi vốn theo kiểu hàng triệu USD như vậy được.

Hiện tại, Lan đang tập trung hỗ trợ, nâng cao nhận thức, năng lực cho các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhưng đây là quá trình dài và cần kiên nhẫn. 

Một khó khăn khác đang khiến Phan Hoàng Lan chỉ biết kêu trời: "Khó nhất trong công việc của tôi là phải thực hiện các thủ tục hành chính. Mỗi ngày, tôi tốn tới 1/2 thời gian dành cho việc họp hành. Muốn làm bất cứ thứ gì với các đơn vị công cũng phải trình đủ giấy tờ, công văn đóng dấu, gửi bưu điện, trong khi, chỉ cần một cái mail đã giải quyết được tất cả những quy trình rườm rà kể trên".