Phát triển bền vững cần động lực tự thân của doanh nghiệp

Hoàng Đông - 10:17, 09/06/2024

TheLEADERĐộng lực tự thân của doanh nghiệp là một trong những chìa khóa quan trọng cho nền kinh tế hướng đến phát triển bền vững.

Theo đuổi giải pháp phát triển bền vững suốt 15 năm, vị doanh nhân Hải Phòng Phạm Hồng Điệp đã xây dựng thành công mô hình khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Điệp cho biết, tại KCN Nam Cầu Kiền, doanh nghiệp tham gia vào ba mô hình cộng sinh công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn với ba ngành là sắt thép, nhựa và điện, điện tử. Thông qua đó, doanh nghiệp tiết giảm được chi phí xử lý chất thải, thậm chí bán chất thải cho đối tác để kiếm lợi nhuận.

Đó chính là lý do các doanh nghiệp luôn ủng hộ chủ trương xanh hóa của Nam Cầu Kiền cũng như Công ty CP Shinec, chủ đầu tư của khu công nghiệp. 

Ngoài ra, theo ông Điệp, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến với Nam Cầu Kiền nhưng hầu như không hỏi đến chi phí thuê, chỉ quan tâm tới yếu tố bền vững.

Câu chuyện thực tế tại Nam Cầu Kiền chỉ ra, doanh nghiệp sẽ triển khai các giải pháp phát triển bền vững, chuyển đổi xanh một cách hoàn toàn tự nguyện nếu các giải pháp đó đem lại giá trị và lợi nhuận. 

Ở chiều ngược lại, động lực tự thân của doanh nghiệp cũng là chìa khóa cho nền kinh tế hướng đến phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), cho biết, sự tự thân của doanh nghiệp sẽ tạo ra tác động rất lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Thọ lấy ví dụ, tại Việt Nam hiện nay, Nhà nước chịu 100% chi phí xử lý và khoảng 75% chi phí thu gom rác thải, người dân chỉ đóng góp khoảng 25% chi phí thu gom. Kết quả, rác thải ở Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải, được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, tại nhiều nước phát triển, nhà nước và người dân chỉ chịu một chi phí nhỏ còn hơn 70% công tác thu gom, xử lý chất thải do doanh nghiệp đóng góp. Nhờ cơ chế đó, doanh nghiệp chủ động triển khai giải pháp biến rác thải thành tài nguyên đầu vào cho sản xuất, hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn.

Chính vì vậy, chính sách môi trường của Việt Nam đã được sửa đổi theo hướng sử dụng công cụ kinh tế và tiếp cận thị trường. 

Ông Thọ nhìn nhận, để khuyến khích nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, Nhà nước có thể thay đổi cách tiếp cận bằng việc chỉ hỗ trợ phần chi phí tăng lên do chuyển đổi mô hình từ nâu sang xanh, còn lại là dư địa để doanh nghiệp sáng tạo.

Nói kỹ hơn về nỗ lực tự thân từ phía doanh nghiệp, TS. Nguyễn Phương Nam, CEO Công ty tư vấn KLINOVA, cho biết, sự tự thân cần hội tụ đủ ba yếu tố.

Thứ nhất, giới doanh chủ phải tự thân nâng cao năng lực, tư duy về phát triển bền vững. Ông Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất lúng túng trong ứng dụng các giải pháp phát triển bền vững vì không biết nên làm bước nào trước, bước nào sau, giải pháp nào dùng trong ngắn hạn, hoạt động nào cần duy trì dài hạn.

Chính vì vậy, khi tư vấn cho doanh nghiệp, KLINOVA tổ chức một số khóa học bắt buộc có sự tham gia của nhà lãnh đạo để người chủ doanh nghiệp có thể đưa ra một chiến lược rõ ràng cho quá trình chuyển đổi.

Thứ hai, tự thân về năng lực chuyên môn của đội ngũ. Theo ông Nam, có ngân hàng muốn đẩy mạnh hoạt động cấp tín dụng cho dự án bảo vệ môi trường nhưng trong đội ngũ 10 nghìn nhân sự không có lấy một người có bằng cấp trong lĩnh vực môi trường. Như vậy, công tác thẩm định dự án sẽ phải tốn tiền thuê chuyên gia, tư vấn bên ngoài.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp chủ động xây dựng, đào tạo đội ngũ có năng lực chuyên môn về phát triển bền vững, khoản chi phí này có thể được tiết kiệm đáng kể.

Cuối cùng, tự thân về vốn. Tuy nhiên, không nhất thiết phải là doanh nghiệp tự dành dụm tiền của để triển khai các dự án bền vững mà thay vào đó là chuẩn bị một chiến lược rõ ràng, từ đó tiếp cận, vay vốn xanh của các nhà đầu tư, định chế tài chính.

Thực tế, đây là cách làm của nhiều tập đoàn lớn đang triển khai hoạt động hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam như Lego, Heineken. 

Ông Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn kế hoạch tài chính bởi muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp trước tiên phải đảm bảo có khả năng tồn tại lâu dài.

Trong bối cảnh nguồn lực eo hẹp, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không nhất thiết phải “tự thân” một cách quá “đao to búa lớn”, thay vào đó là chiến lược vừa với sức mình và một hướng đi khôn ngoan.