Phát triển bền vững trong thời đại mới

Phạm Sơn - 19:30, 06/01/2021

TheLEADERThực hiện hóa mục tiêu kinh tế, xã hội trong thời đại mới, phát triển bền vững là yếu tố bắt buộc để đảm bảo tăng trưởng bao trùm, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình kiến thiết đất nước.

Phát triển bền vững trong thời đại mới
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”. Ảnh: Báo Chính phủ.

Đại dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, nền kinh tế cũng bắt đầu có những dấu hiệu khôi phục. Đạt được mức tăng trưởng GDP 2,91%, Việt Nam được coi là một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm toàn cầu.

Đối mặt với đại dịch Covid-19, bên cạnh những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ người dân cũng như nền kinh tế, bài toán phục hồi kinh tế bền vững cũng được đặt ra, như một xu thế toàn cầu.

Nói về những nguy cơ cho nền kinh tế trong thời đại mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên, đặc biệt khi Việt Nam được dự báo nằm trong top các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Kèm theo đó, chênh lệch giàu nghèo, già hóa dân số, bẫy thu nhập trung bình cùng với những vấn đề an ninh phi truyền thống cũng đang đặt ra nhiều rủi ro cho tiến trình kiến thiết đất nước.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phải có một chiến lược rõ ràng, quyết liệt để giải quyết triệt để những thách thức, chớp lấy cơ hội đặt ra, hướng tới phát triển bao trùm và bền vững.

Thành tựu 5 năm phát triển bền vững

Theo đánh giá mới nhất của Liên hợp quốc về chỉ số phát triển bền vững cũng như kết quả thực hiện 17 mục tiêu thuộc Chương trình nghị sự 2030, Việt Nam xếp hạng thứ 49 trên thế giới.

Các chuyên gia đánh giá, điều này thể hiện nỗ lực vượt bậc của Nhà nước cũng như các doanh nghiệp và toàn xã hội khi xếp thứ hạng tương đối cao về phát triển bền vững dù vẫn còn là nền kinh tế đang phát triển, thu nhập chưa cao.

Trong đó, các nhóm chỉ tiêu về xóa đỏi giảm nghèo, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu và hợp tác quốc tế đều đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được đánh giá cao so với những quốc gia có cùng trình độ phát triển.

Trước những kết quả đạt được, dù trong bối cảnh Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại nặng nề, làm tổn thương tới các nguồn lực thực hiện phát triển bền vững, tại phiên họp Báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đánh giá khả năng hoàn thành của Việt Nam đến năm 2030, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch vẫn quyết tâm không điều chỉnh và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp vào tiến trình phát triển bền vững chung của toàn thế giới.

Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Nhằm thực hiện hóa kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, Chính phủ ban hành nghị quyết 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Một trong những mục tiêu được Chính phủ chỉ đạo trong nghị quyết 02 là xây dựng chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, lộ trình rõ ràng với các chỉ tiêu có “tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn”, bao gồm các vấn đề về bảo vệ môi trường, giảm nghèo đa chiều, phát triển khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, qua đó duy trì thứ hạng về phát triển bền vững.

Mắt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức về phát triển bền vững cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp và cả các cơ quan Nhà nước cũng cần được chú trọng. Đặc biệt, doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng nhưng đang chưa có tầm nhìn đúng đắn về phát triển bền vững.

Cụ thể, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có suy nghĩ cho rằng phát triển bền vững là điều cao siêu, khó thực hiện. Theo rà soát, trong tổng số 750.000 doanh nghiệp, mới chỉ có 100.000 doanh nghiệp được tiếp cận với các vấn đề phát triển bền vững.

Trước đó, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, với quan điểm chỉ đạo cốt lõi coi con người làm trọng tâm, tạo điều kiện bình đẳng để phát triển bền vững, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển bền vững.

“Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế đã nói rồi nhưng bổ sung thành không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Nhà nước về phát triển trong thời đại mới.