Phát triển kinh tế tuần hoàn thế nào khi các nguồn lực còn hạn chế?

Phạm Sơn - 06:51, 08/07/2022

TheLEADERCân nhắc bối cảnh trong nước, quốc tế và chọn lựa lĩnh vực ưu tiên là những đề xuất của các chuyên gia JICA cho việc xây dựng khung kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Phát triển kinh tế tuần hoàn thế nào khi các nguồn lực còn hạn chế?
Toàn cảnh Kinh nghiệm của Nhật Bản và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong việc xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Năm 2022 đánh dấu mốc quan trọng về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn được Chính phủ phê duyệt.

Cuối tháng 6 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã chính thức khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Theo lộ trình được Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và môi trường phải hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trước ngày 31/12/2023 để trình Thủ tướng Chính phủ.

TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), kế hoạch hành động quốc gia này sẽ bao gồm nhiều nội dung mang tính chất tạo khung và định hướng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, làm cơ sở thực hiện cho quy mô từ các bộ, ngành cho tới doanh nghiệp.

Như vậy, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia là đặc biệt quan trọng để mở ra hướng đi cho kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động quốc gia là rất thách thức khi những nguồn lực trong nước còn khan hiếm.

Cân nhắc bối cảnh

Đóng góp ý kiến về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Koki Takano, chuyên gia đến từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nhấn mạnh, một yếu tố cần phải cân nhắc khi xây dựng kế hoạch hành động là bối cảnh thực hiện, bao gồm bối cảnh trong nước và quốc tế.

Trong đó, bối cảnh trong nước là những hiện trạng về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; thải bỏ ra môi trường cũng như nguồn lực để triển khai. Xây dựng kế hoạch hành động phải đặt vào bối cảnh của Việt Nam để có hướng đi đúng đắn và phù hợp, tránh tình trạng kế hoạch không sát với thực tế dẫn đến khó triển khai.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần công nghiệp tàu thủy Shinec, Chủ đầu tư dự án khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, đề xuất, áp dụng kinh tế tuần hoàn phải xem xét đến hiện trạng của Việt Nam, không chỉ hiện tại mà còn cần phải tính đến hiện trạng trong tương lai.

Đối với bối cảnh quốc tế, ông Takano đề nghị khung kế hoạch hành động quốc gia phải đặt lưu ý những chương trình nghị sự mang tính khu vực và toàn cầu.

Thực tế, câu chuyện phát triển bền vững và triển khai kinh tế tuần hoàn đang là mối quan tâm hàng đầu trên thế giới. Nhiều cam kết, chiến lược mang tính đa quốc gia đang được đưa ra, có thể kể đến như hội nghị COP26; sáng kiến xây dựng hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tại khu vực ASEAN, vào năm ngoái, các nước thành viên đã chính thức thông qua kế hoạch hành động chống rác thải nhựa đại dương, với kinh tế tuần hoàn và công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một trong số những hướng tiếp cận mới được đưa ra. Các thành viên cũng đang bàn thảo về việc tháo gỡ rào cản thương mại nội khối đối với sản phẩm, dịch vụ có tính chất thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Trong bối cảnh quốc tế đang rất quan tâm về kinh tế tuần hoàn, ông Takano nhận xét, việc lồng ghép nội dung của các chương trình nghị sự quốc tế vào kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội phát triển các mối quan hệ đối tác và thu hút tài trợ.

Đây là những trợ lực quan trọng để Việt Nam nhanh chóng triển khai kinh tế tuần hoàn khi nguồn lực trong nước, bao gồm nguồn lực Nhà nước và khu vực tư nhân đều còn hạn chế.

Lựa chọn ưu tiên

Một giải pháp khác được chuyên gia Nhật Bản đưa ra là lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên để triển khai kinh tế tuần hoàn, từ đó tạo ra tác động lan tỏa, thay vì triển khai một cách dàn trải dẫn đến kém hiệu quả.

Ông Takano đưa ra 2 phương pháp để xác định ngành và lĩnh vực ưu tiên. Phương pháp đầu tiên là dựa trên cơ sở dữ liệu, với việc phân tích các số liệu như tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên, lượng rác thải phát sinh… từ đó xác định ngành, lĩnh vực cần thiết phải áp dụng kinh tế tuần hoàn sớm.

Phương pháp thứ 2 là ưu tiên những lĩnh vực khả thi, có thể dễ dàng áp dụng kinh tế tuần hoàn, ví dụ như nông nghiệp, quản lý rác thải…

Thực tế, việc đặt thứ tự ưu tiên cho các ngành triển khai kinh tế tuần hoàn là chiến lược quen thuộc trên thế giới. Tại Hà Lan, chiến lược và kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn đưa ra các lĩnh vực ưu tiên là thực phẩm; rác thải hữu cơ; hàng tiêu dùng và xây dựng.

Tại Nhật Bản, chiến lược kinh tế tuần hoàn được đưa ra từ những năm 1990, với lộ trình ưu tiên theo thứ tự lần lượt là vật chứa và bao bì; thiết bị điện gia dụng; thực phẩm; xây dựng; ô tô; thiết bị điện, điện tử loại nhỏ.

Trên cơ sở tiềm năng giảm phát thải nhà kính, Quỹ Ellen Macathur cũng đưa ra các ngành ưu tiên là xi măng; nhựa; thép; nhôm và thực phẩm. 5 lĩnh vực này có tiềm năng giảm khoảng 9,3 tỷ tấn khí thải carbon nếu áp dụng chu trình tuần hoàn.