Leader talk
Phú Quốc có đi sai hướng?
Giám đốc công ty du lịch Lux Group Phạm Hà chia sẻ trăn trở về hướng phát triển của du lịch Phú Quốc trong mối tương quan với các trung tâm du lịch biển đảo khác ở Đông Nam Á.
Ông nhận xét thế nào về sức hấp dẫn của du lịch biển đảo Phú Quốc so với hai hòn đảo đang là trung tâm du lịch ở Đông Nam Á là Bali của Indonesia và Phuket của Thái Lan?
Ông Phạm Hà: Nếu xét về góc độ biển đảo, ở Đông Nam Á, có ba nơi đáng đến nhất đối với du khách nước ngoài là Phuket, Bali và Phú Quốc.
Phú Quốc là một trong những đảo lớn nhất Việt Nam, có diện tích bằng Singapore, có đầy đủ cả rừng, núi, biển. Phía Nam của đảo Phú Quốc còn có 22 đảo.
Đó là tiềm năng vô giá trong việc phát triển biển đảo của Việt Nam. Đặc biệt, hệ sinh thái dưới biển của Phú Quốc rất đẹp. Về lặn, Phú Quốc là một trong những nơi lặn biển đẹp nhất thế giới. Đồng thời, Phú Quốc cũng là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.
Trên bản đồ, Phú Quốc còn là trung tâm của toàn bộ Đông Nam Á. Chúng ta phải coi đây là một điểm nóng chiến lược về du lịch và giao thương với toàn bộ khu vực này.
Hấp dẫn vậy nhưng vì sao kinh doanh khách sạn ở Phú Quốc năm nay lại hồi phục chậm nhất ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí là một trong những nơi có công suất phòng cho thuê thấp nhất trong các điểm du lịch lớn ở trong nước?
Ông Phạm Hà: Chúng ta đã làm gì với Phú Quốc? Từ đảo ngọc của khu vực, đảo ngọc của thế giới, tầm nhìn ngắn hạn đã làm cho Phú Quốc trở nên tầm thường hóa thành một thị trấn lòe loẹt, thị trấn Tây cho người Việt với mục đích là bán bất động sản thay vì lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm.
Khi nói đến khách hàng, chúng ta cũng phải định vị được khách hàng, định vị được điểm đến. Nếu định vị Phú Quốc là đảo ngọc của thế giới, chân dung khách hàng sẽ là những khách hàng sang trọng, muốn những kì nghỉ xanh, sạch, đẹp, biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Những khách hàng này muốn đến những nơi bình yên, được đắm mình vào thiên nhiên chứ không phải đến đó để nhìn những cục bê tông. Nhìn dưới góc độ du lịch, rõ ràng Phú Quốc đang định vị sai điểm đến.
Thứ hai, Phú Quốc đang định vị sai khách hàng. Muốn thu hút khách hàng quốc tế, chi tiêu nhiều, Phú Quốc cần tập trung xây dựng một điểm đến xanh, sạch, đẹp, giàu cảm xúc, giàu trải nghiệm cho đúng chân dung khách hàng đó.
Ví dụ, để thoả mãn nhu cầu nhóm khách hàng này, Phú Quốc sẽ có sẵn những khu chơi golf, hoặc những khu chẳng có gì ngoài biển xanh, cát trắng, nắng vàng và những món ăn ngon, nơi họ có thể trải nghiệm những hoạt động lặn biển, đi du thuyền ngắm hoàng hôn hay ngủ đêm trên biển. Những hoạt động đó có nhưng còn thiếu.
Thay vào đó, Phú Quốc đang có rất nhiều những ngôi nhà, những công trình nhà phố thương mại đầy màu sắc mang phong cách kiến trúc nước ngoài và thiếu vắng tính bản địa.
Thực ra, không hoàn toàn sai khi áp dụng kiến trúc nước ngoài nhưng nếu được bản địa hoá, nghĩa là có sự kết hợp giữa kiến trúc nước ngoài với kiến trúc Việt thì sẽ tạo ra những kiến trúc rất mới, đặc trưng, có thể thu hút được khách du lịch.
Cùng phải thừa nhận, không phải tất cả những nhà phát triển bất động sản tại Phú Quốc đều đang làm đại trà. Điển hình, khu nghỉ dưỡng Park Hyatt do BIM Land đang phát triển là một trong những dự án đáng trân trọng, bởi họ đã đưa vào đó những yếu tố làng Việt, đưa những ngôi nhà cổ của người Việt, ruộng lúa bậc thang, và rất hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Tức là, để phát triển du lịch, các công trình phải hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, với địa danh và đưa được kiến trúc đặc trưng của nơi đó để khách du lịch, đặc biệt là những khách sang trọng đến và trải nghiệm đúng gu mà họ mong muốn, cảm thấy hạnh phúc và hài hòa, tận hưởng những không gian đáng để đến thay vì đến những cục bê tông.
Đó là sự sáng tạo và phát triển coi khách hàng làm trung tâm. Đã định vị khách hàng là cao cấp và sang trọng thì phải nói ngôn ngữ của họ.
Ông đang nói đến việc Phú Quốc nên nhắm đến những khách hàng sang trọng trong khi bây giờ Phú Quốc đang nhắm đến du lịch đại trà. Nhắm đến số đông đâu có gì sai?
Ông Phạm Hà: Chúng ta thấy rằng Phú Quốc là đảo nên chúng ta có thể phát triển theo dạng du lịch đại trà nhưng cũng có thể là phát triển theo dạng cao cấp. Lựa chọn của mình như thế nào thì số phận của hòn đảo sẽ trở thành như thế.
Để đa dạng đối tượng, có thể định hướng cho khách hàng các phân khúc khác nhau ở những phân khu khác nhau, phù hợp với từng đối tượng. Như khu trung tâm Dương Đông có phát triển các sản phẩm du lịch hướng đến khách tầm trung, còn Bắc đảo, Nam đảo và khu ven rừng thì nên hướng đến khách du lịch cao cấp.
Nếu quá nhiều dự án và phát triển quá nhanh sẽ gây ra lượng rác thải xây dựng và rác thải sinh hoạt lớn. Chất thải nhựa, rác thải, nước thải là một trong những vấn đề cực lớn với Phú Quốc, trong khi chưa có nhà máy xử lý rác thải đáp ứng được yêu cầu.
Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm bụi, đời sống đắt đỏ do phát triển quá nhanh, quá nóng dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực cho điểm đến. Tất cả những điều đó có thể tạo ra sự không bền vững cho an sinh, xã hội nói chung.
Sự lựa chọn của đảo cũng như của con người sẽ tạo số phận. Muốn tốt, tử tế, bền vững thì chọn cao cấp dù ít khách hơn. Nếu quá đông khách thì cơ sở hạ tầng không đáp ứng được, bởi để phục vụ khách du lịch không chỉ có mỗi cơ sở lưu trú, mà còn rất nhiều yếu tố khác. Khi đó, hy vọng sẽ gây ra thất vọng.

Phú Quốc có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm phát triển du lịch của Phuket hay Bali không, có thể làm gì để Phú Quốc tạo nên sự hấp dẫn riêng?
Ông Phạm Hà: Rõ ràng là chúng ta đi sau nhưng không học được những bài học của những nước đi trước. Cách quản lý và kế hoạch phát triển toàn đảo của chúng ta đang rất kém.
Tôi đã đến đảo Bali và Phuket rất nhiều lần và muốn quay lại thêm nhiều lần nữa. Còn đảo Phú Quốc thì cá nhân tôi cũng rất muốn đầu tư nhưng nhiều khách hàng phản hồi rằng họ không muốn quay lại vì bị bê tông hóa, không phát huy được hết giá trị.
Cái chúng ta học được rõ ràng là họ phát triển du lịch, họ coi du lịch là nguồn sống chính và tất cả các khu tốt nhất, đẹp nhất đều là cho phát triển du lịch. Họ coi đó là nguồn sống bền vững của toàn bộ cư dân trên đảo, từ hạ tầng, kiến trúc, cho đến sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và con người.
Ở đó vẫn có sự sôi động ở trung tâm nhưng khu nào riêng tư thì vẫn rất riêng tư. Họ có những câu lạc bộ du thuyền, những sân golf rất đẹp và rộng, những khu mua sắm trung tâm, khu vui chơi giải trí thâu đêm. Họ có chỗ để cho khách “đốt tiền” nhưng khi cần sự riêng tư khách có thể đến những khu nghỉ trong rừng, họ vẫn giữ được sự nguyên sinh, nguyên sơ của nó.
Biển đảo của họ rất đẹp và sạch sẽ. Đó là những cái sự khác biệt lớn nhất của họ. Tóm lại, sự khác biệt của ta là bán bất động sản, còn mục đích của họ là bán trải nghiệm cho khách cao cấp để lấy nhiều tiền và bền vững.
Hai cái đó, hai định vị, chân dung khách hàng khác nhau dẫn đến hai sản phẩm du lịch trải nghiệm khác nhau. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa hai địa điểm trên và Phú Quốc.
Sự khác biệt của ta là bán bất động sản, còn mục đích của họ là bán trải nghiệm cho khách cao cấp để lấy nhiều tiền và bền vững.
Cái mà Phú Quốc chưa học được ở những điểm đến còn lại còn ở sự bảo tồn về văn hóa. Đến Bali tôi vẫn thấy những ngôi đền nguyên sơ, vẫn còn sự thờ cúng và đâu đó còn thấy những văn hóa bản địa rất rõ ràng trong đời sống tâm linh hàng ngày ở những giếng nước thiêng hay những làng nghề họ gìn giữ rất chuẩn mực và rất đẹp.
Đồng thời, họ luôn luôn khuyến khích du khách du lịch một cách có trách nhiệm và tôn trọng văn hóa bản địa. Mặc dù trước kia họ cũng muốn nhiều du khách đến nhất có thể như Phú Quốc hiện nay, nhưng giờ đây Bali đã thu phí 10 USD trên 1 người khách để giảm lượng khách đại trà và tăng lượng khách chất lượng. Sau một thời gian phát triển quá nóng, họ hạn chế lượng khách để phát triển bền vững hơn.
Chúng ta đi sau thì cũng nên học những cái đấy thay vì thu hút thật nhiều khách. Phát triển du lịch là khuyến khích người ta đến vì biển xanh, cát trắng, nắng vàng và văn hóa, ẩm thực, con người ở điểm đến đó. Vì đó là những động lực chính để người ta đến và đến nhiều lần hơn nữa.
Chúng ta nói nhiều về việc bản sắc văn hóa, bản sắc bản địa tăng tính hấp dẫn cho điểm đến, cho trải nghiệm. Vậy đâu là bản sắc của Phú Quốc?
Ông Phạm Hà: Thực ra, Phú Quốc đang tự làm mờ bản sắc của mình. Trên thực tế, Phú Quốc là một mảnh cảnh quan thiên nhiên biển đảo rất đẹp, một mảnh đất giàu văn hóa. Phú Quốc có truyền thống làm mắm cả trăm năm. Nơi đây có một câu chuyện rất đặc trưng về mắm cá và cá cơm. Đồng thời, tiêu và điều ở đây cũng có chất lượng thuộc hàng đầu của thế giới.
Phú Quốc thu hút người của các vùng đất khác đến để định cư và mang theo những câu chuyện của họ nên những cái mảng màu về văn hóa, kiến trúc và ẩm thực của Phú Quốc được hòa trộn với nhau một cách rất là giàu có.
Những câu chuyện về ẩm thực, về con người ở đây, những câu chuyện về truyền thống lịch sử đều là những câu chuyện hay, đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta có thể phát triển lên. Đó đều là những cái giá trị văn hóa di sản của Phú Quốc.
Rõ ràng rằng, điều chúng ta cần phải phát huy đó là khiến cho Phú Quốc trở thành điểm đến đẹp hơn, giàu có hơn về bản sắc văn hóa cho người dân bản địa sống, cho du khách đến tham quan thì họ mới muốn quay trở lại nhiều hơn. Theo tôi, đó là một cách định nghĩa ngắn gọn về du lịch Phú Quốc.
Sai lầm khiến Phú Quốc trả giá
Phú Quốc thừa khách sạn
Tình hình kinh doanh khó khăn của các khách sạn đang hoạt động khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc đổ thêm tiền vào Phú Quốc.
CEO Amanaki Bùi Trung Đức vén màn sự thật về phát triển bền vững ngành khách sạn
Ông Bùi Trung Đức, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Khách sạn Amanaki, chia sẻ đầy tâm huyết về bản báo cáo phát triển bền vững đặc biệt.
Chọn lối đi nào để kinh tế bứt phá tăng trưởng 2 con số?
TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, đổi mới sáng tạo chính là chìa khoá đưa Việt Nam bước vào nhóm các quốc gia thu nhập cao trong bối cảnh các động lực tăng trưởng cũ đã dần suy yếu.
Khi 'hữu cơ' trở thành lối sống đầy cảm hứng
Với Tyna Huỳnh, đồng sáng lập Drinkizz, hữu cơ (organic) không chỉ là một lựa chọn thực phẩm, mà là một triết lý sống kết nối con người với thiên nhiên và cộng đồng.
Doanh nghiệp may mặc hành động vì bình đẳng giới
Xây dựng một môi trường làm việc tôn trọng là chìa khóa để kiến tạo tương lai thịnh vượng và công bằng cho các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam.
Loại bỏ quan hệ liên kết với ngân hàng, doanh nghiệp rộng cửa vay vốn
Deloitte Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nhanh chóng rà soát và đánh giá sự ảnh hưởng của các thay đổi của Nghị định 20 để áp dụng ngay trong kỳ quyết toán thuế sắp tới.
KBC bắt tay The Trump Organization: Cú hích định hình lại đường lối quản trị
Thương vụ hợp tác giữa KBC với The Trump Organization chỉ đơn thuần là bước đi trong ngành bất động sản hay còn những toan tính khác của doanh nghiệp ông Đặng Thành Tâm?
Những chướng ngại trên con đường bứt phá của kinh tế Việt Nam
Chiến tranh thương mại và kinh tế toàn cầu giảm tốc gây áp lực lên xuất khẩu, chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Tập đoàn Bamboo Capital có tân chủ tịch hội đồng quản trị
Người được coi là cầu nối trong các dự án liên doanh, hợp tác quốc tế là ông Tan Bo Quan vừa được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Bamboo Capital.
Nhựa và cao su trước thách thức xanh hóa
Các ngành nhựa và cao su đang chủ động xanh hóa, áp dụng kinh tế tuần hoàn để đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như các quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp logistics đối mặt áp lực phải xanh hoá
Logistics xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, nếu không chuyển đổi doanh nghiệp ngành này sẽ bị loại khỏi “sân chơi” toàn cầu.
Chương mới của làn sóng đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tăng mức độ quan tâm và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao, năng lượng và chuỗi cung ứng, đánh dấu một bước tiến mới.
Bất động sản cởi trói, nợ xấu ngân hàng thoái lui
Các chuyên gia tài chính đều chung góc nhìn tích cực về sự cải thiện chất lượng tài sản ngân hàng cùng sự hồi phục chung của nền kinh tế, đặc biệt với những tháo gỡ ở nhóm ngành bất động sản.