Quản trị là cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Minh Phương - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERCó đến 99% doanh nghiệp Việt Nam hiện không có được các hướng dẫn cụ thể về các nguyên tắc lớn của quản trị quốc tế.

Quản trị là cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD).

99% doanh nghiệp Việt Nam hiện không có được các hướng dẫn cụ thể về các nguyên tắc lớn của quản trị quốc tế. Điều đó dẫn đến một hệ quả tất yếu là hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp này chỉ mang tính thiếu chuyên nghiệp và khó có thể phát triển một cách bền vững trong thời gian dài.

Đó là khẳng định của TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) trong cuộc trao đổi với TheLeader xung quanh các vấn đề mang tính thời sự của nền quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Văn hoá kinh doanh dựa vào “quan hệ” kìm hãm sự phát triển của quản trị doanh nghiệp

Thưa ông, là một tiến sĩ kinh tế học, một chuyên gia cao cấp với trên 30 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, đâu tư, luật pháp, chính sách và thể chế và phát triển cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về nền quản trị doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay?

Đứng ở góc nhìn tổng thể, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được chia làm hai nhóm: các doanh nghiệp đã lên sàn và chưa lên sàn chứng khoán. Nói cách khác là các doanh nghiệp áp dụng hay chưa áp dụng các quy tắc quản trị doanh nghiệp chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trước hết là về nhóm các doanh nghiệp đã lên sàn, theo đánh giá của Hội các Nhà quàn trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong top các doanh nghiệp lên sàn càng ngày càng có xu thế tuân thủ các chuẩn mực quản trị mà Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức quốc tế khác đưa ra. Các chuẩn mực này dựa theo các chuẩn mực của EU và thế giới về quản trị doanh nghiệp.

Đứng ở góc độ quản trị chung, có thể thấy rằng đây rõ ràng đang là một bước tiến quan trọng cho nền quản trị doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, để có thể thu hút vốn đầu tư, tạo ra được sức hấp dẫn trên thị trường chứng khoán và những chuyển biến mang tính đột phá trong việc điều hành cụ thể của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp không thể bỏ qua những hướng dẫn, đánh giá mang tính chuẩn mực trong quản trị mà tổ chức quốc tế đã đặt ra đối với nền quản trị doanh nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo báo cáo thống kê trong thời gian gần đây cũng cho thấy, có một thực tế là số doanh nghiệp áp dụng các quy tắc quản trị quốc tế chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp, không đại diện cho nền quản trị doanh nghiệp của Việt Nam. 

Cụ thể, chỉ có khoảng 6.000 doanh nghiệp áp dụng các quy tắc quản trị, chiếm khoảng 1% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp áp dụng các quy tắc quản trị nêu trên chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Như vậy 99% các doanh nghiệp còn lại không có được sự vận dụng và có thể là thiếu các hướng dẫn cụ thể, về các nguyên tắc lớn của quản trị quốc tế. Điều đó dẫn đến một hệ quả tất yếu là một loạt vấn đề về quản trị công ty như vai trò của các thành viên trong hội đồng quản trị (HĐQT), xung đột giữa người điều hành công ty với HĐQT, những người hoạch đinh chiến lược, kết toán, kiểm toán, kiểm soát nội bộ hay các đánh giá của ban kiểm soát... 

Rất có thể có một thực tế là các doanh nghiệp này đều được quản lý dựa theo những nguyên tắc mang tính cá nhân, gia đình, bạn bè thân hữu... hoàn toàn không có sự tham gia xử lý vấn đề của các nguyên tắc trong quản trị quốc tế mang tính chuẩn mực.

Điều này đã dẫn tới sự hoạt động của doanh nghiệp đó chỉ mang tính “cảm tính” thiếu chuyên nghiệp và khó có thể hoạt động, phát triển một cách bền vững trong thời gian dài.

Vậy theo ông, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu vắng của nguyên tắc trong quản trị quốc tế trong hoạt động của đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là gì?

Nguyên nhân của vấn đề này theo tôi đánh giá chủ yếu là do suy nghĩ và định hướng chiến lược của những người lãnh đạo doanh nghiệp. Họ cho rằng việc vận hành hoạt động của công ty là việc làm mang tính cơ hội, cực kỳ đơn giản, không cần tuân thủ bất cứ một điều gì theo quy chuẩn quốc tế.

Nhìn nhận một cách sâu hơn, lối tư duy này của doanh nghiệp chính là do bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam. Nói một cách cụ thể, những thể chế quốc gia của chúng ta hiện nay chưa tạo ra một môi trường kinh doanh đủ lành mạnh và cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.

Bởi câu chuyện đặt ra là nếu doanh nghiệp chú tâm vào quản trị tốt, đầu tư cho lĩnh vực quản trị một cách chuyên nghiệp, nhưng tất cả hoạt động của doanh nghiệp đều phụ thuộc vào các “quan hệ” thì lập tức các chủ doanh nghiệp sẽ cho rằng những việc làm đầu tư cho quản trị chỉ là phù phiếm. 

Họ cho rằng, quan trọng nhất là làm sao để có “quan hệ”, kiếm được một dự án, kiếm tiền xong là xong. Tại sao họ phải quan tâm đến việc làm thế nào để phát triển một cách dài hạn khi để làm được điều này phải mất rất nhiều công sức, trong khi đó, hiệu quả là thứ còn rất xa vời, không thể nhìn thấy ngay trước mắt.

Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp hiện nay là môi trường, điều kiện kinh doanh – những yếu tố ngoài quản trị chứ không phải quản trị. 

Do đó, các doanh nghiệp không coi quản trị là một công cụ cần thiết để phát triển bền vững và không đầu tư cho nó. Đây đang là một quan niệm cực kỳ nguy hiểm nhưng lại là thực tế xã hội hiện nay.

Bên cạnh đó, việc một công ty cổ phần của Việt Nam với cách thức thành lập, hoạt động và thực hiện các thủ tục hành chính như hiện nay thì rất khó để có thể áp dụng các chuẩn mực quản trị của EU và quốc tế.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp?

Mỗi doanh nghiệp cần định vị cho mình một giá trị cốt lõi nhất, từ đó định vị thương hiệu và phát triển thương hiệu ấy. Việc phát triển thương hiệu sẽ đem lại giá trị lâu dài cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Từ trước tới nay, các doanh nghiệp của Việt Nam dường như không quan tâm đúng mức tới việc phát triển thương hiệu, bởi họ cho rằng sản phẩm tốt đương nhiên khách hàng mua. Tuy nhiên, không hẳn là như vậy, vấn đề ở đây là làm sao định vị được thương hiệu, từ đó đem lại hiệu quả vô hình hết sức to lớn đối với sản phẩm và doanh nghiệp.

Do đó, việc làm thế nào để xác định được thương hiệu và tạo ra được những ấn tượng cho khách hàng là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Để làm được việc ấy, rõ ràng có rất nhiều phương tiện, cách thức khác nhau nhưng quan trọng nhất là những người lãnh đạo doanh nghiệp phải có khát vọng và tầm nhìn xa hơn với công ty và trách nghiệm với khách hàng. 

Từ đó, đem đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất đến với người tiêu dùng. Đó chính là giá trị cốt lõi mà bất kì doanh nghiệp nào cũng cần xác định rõ và đeo đuổi đến cùng.

Vậy theo ông yếu tố về nhân lực và tài chính có ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển thương hiệu của doanh nghiệp?

Đây là bài toán đòi hỏi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải xác định mục tiêu và có kế hoạch rõ ràng để sử dụng nguồn nhân lực và tài chính của công ty một cách hiệu quả.

Nhân lực và tài chính là hai yếu tố phục vụ cho phát triển doanh nghiệp. Đối với mỗi doanh nghiệp lại có cách thức sử dụng khác nhau, không nhất thiết phải dùng các phương tiện đòi hỏi ngân sách lớn. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên tính toán thật kỹ để cân nhắc sử dụng nguồn nhân lực cho việc phát triển thương hiệu. Đây là yếu tố quan trọng để tăng doanh thu, có thể trong ngắn hạn, doanh nghiệp không đạt được mục tiêu về lợi nhuận nhưng trong dài hạn nó lại là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và đi vào lòng người tiêu dùng.

Khủng hoảng truyền thông và cách ứng xử “hợp lý hợp tình”

Vấn đề khủng hoảng thương hiệu ở quy mô nhỏ hơn là khủng hoảng truyền thông, theo ông, doanh nghiệp nên có cách ứng xử như thế nào?

Khủng hoảng thương hiệu là một loại rủi ro của doanh nghiệp mà quản trị rủi ro cũng là một phần trong quản trị doanh nghiệp. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong đường hướng phát triển phải luôn có một phương án phòng chống rủi ro, tức những sự vụ xảy ra mang tính tức thời vượt tầm kiểm soát thông thường, doanh nghiệp phải có những kịch bản khác nhau để ứng phó rủi ro. 

Nếu không có phương án hoạch định từ trước và quan điểm rõ ràng về rủi ro truyền thông thì cách ứng phó của doanh nghiệp đưa ra sẽ không mang tính hệ thống và khó có thể đạt được hiệu quả cao.

Việc xử lý khủng hoảng thương hiệu của doanh nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Theo Hội VACD, có ba nguyên tắc có thể áp dụng cho mọi trường hợp:

Thứ nhất, cần tìm rõ nguyên nhân của rủi ro tạo ra khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần phân tích được những yếu tố tác động đến rủi ro ấy, hay nói cách khác là vấn đề tiềm ẩn sau rủi ro như vấn đề về đối thủ cạnh tranh...

Thứ ba, xác lập được thứ tự ưu tiên cần phải tôn trọng khi xử lý rủi ro. Cụ thể, ngoài các nguyên tắc xử lý khủng hoảng còn nên ứng xử bằng văn hoá của người Việt, không chỉ là lý mà còn là tình, không chỉ cạnh tranh, không chỉ là truyền thông với các nhà báo săn tin mà còn là thông điệp của công ty đối với khách hàng.

Trước khủng hoảng truyền thông, doanh nghiệp cần phải có những nguyên tắc cơ bản không chỉ bảo vệ lợi ích của công ty mà còn cần có những nguyên tắc liên quan đến văn hoá, truyền thống và tính nhân văn của người Việt. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể xử lý khủng khoảng một cách hợp lý, hợp tình và tiếp tục lấy lại được lòng tin và cảm tình của khách hàng.

Xin chân thành cảm ơn ông!