Quản trị thân, tâm, trí của doanh nhân trong đại dịch

Kim Yến - 17:42, 20/09/2020

TheLEADERNếu biết tinh tấn, biết để dành, biết cân bằng, biết tương tác kết nối… sẽ vượt qua đại dịch.

Lắng nghe một cách tâm đắc và đầy đồng cảm với ý kiến của hai doanh nhân dẫn đầu trong ngành da giày và ngành xây dựng, tại toạ đàm “Quản trị sức khoẻ tinh thần của doanh nhân thời khủng hoảng” do TheLEADER tổ chức tại TP. HCM, ông Lê Bá Thông - thành viên sáng lập Công ty TTT chia sẻ: “Nghe anh Đỗ Long và anh Lê Viết Hải nói, mình học được rất nhiều. Trong mùa vu lan này, hạnh bố thí trong đạo Phật chính là sự cho đi. Pháp thí là cho mình pháp dựa vào đó thấy bình an hơn, còn vô uý thí là giúp cho người khác vượt qua sự sợ hãi. Các bạn doanh nhân ngay trong toạ đàm này cảm thấy rất an tâm khi nghe hai anh lớn chia sẻ, các anh đang làm vô uý thí đó…

Quản trị thân, tâm, trí của doanh nhân trong đại dịch
Ông Lê Bá Thông - thành viên sáng lập Công ty TTT

Mình làm trong ngành nội thất, từng làm nhiều công trình có tiếng tăm, nhưng ngành này trong giai đoạn hiện nay rất căng thẳng, vì doanh nghiệp nợ tiền khá nhiều, ban lãnh đạo phải họp liên tục. Tôi rất quý nhóm G7 của anh Đỗ Long, tìm đồng minh để không bao giờ bỏ mình. Mấy ngày nay giới xây dựng ngồi với nhau, rất thương anh Lê Viết Hải, anh Trần Bá Dương, anh Nguyễn Quốc Khanh, ba bậc đàn anh dẫn đầu trong các ngành xây dựng, bất động sản, thiết kế nội thất. Tuy nhiên qua cuộc toạ đàm này, tôi rất yên tâm vì thấy anh Lê Viết Hải thấm nhuần Phật tánh.

Tôi thích nhất câu nói của anh Hải: “Nếu mất thì thôi, cũng coi đó là chuyện bình thường, có sinh có diệt”. Người ta cứ nói thiền sẽ giúp mình để “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, nhưng tâm làm sao bất biến vì dòng đời vạn biến như thế? Cách của mình là biết chuyện được mất là bình thường. Nếu như doanh nghiệp mình có phá sản thì phải làm sao “chôn” nó đàng hoàng, mọi người đi đám nó một cách hãnh diện khi đời doanh nghiệp kết thúc. 

Lứa như anh Long, anh Hải hay như tôi có thể vượt qua chuyện này một cách bình thường so với giới doanh nghiệp trẻ, vì đã từng trải qua lúc đói, việc trả lại cho xã hội là chuyện bình thường. 

Cách của TTT là làm sao tìm được đồng đội. TTT có mối quan hệ rất tốt với các ngân hàng, nhưng từ trước giờ chủ trương không vay ngân hàng, giờ thì lại sẵn sàng đi vay ngân hàng, thế chấp tài sản của chính mình để trả cho nhà thầu phụ, nhà đầu tư cùng đi lâu năm như khách sạn 5 sao New Yorld, Caravelle… Với những khách hàng uy tín này, mình rất vui vẻ cho họ nợ, dẫu biết trong tâm thế này chưa biết sẽ kéo dài được bao lâu. Chỉ biết rằng nếu một ngày nào đó mà ngân hàng nói với mình “hết cửa rồi” thì sẵn sàng đóng cửa doanh nghiệp. 

Hiện tôi không làm tổng giám đốc TTT nữa, mà trao quyền cho lứa thế hệ mới rất trẻ. Trong cuộc đua F1 của TTT, đang có khúc cua tốt nhất để thế hệ F2 qua mặt đối thủ, không phải trong ngành, bên ngoài, mà là chính mình. Có chết hay không, có tinh tấn hay không là vì chính mình mà thôi.

Ở những giai đoạn khó khăn này, việc hoàn thành tốt nhiệm vụ để lấy được sự hài lòng của khách hàng đó là thành công. Việc hỗ trợ những công tác bên lề (dù nhỏ) để thể hiện tinh thần chia sẻ cùng khách hàng vượt qua thách thức đó là niềm vinh hạnh. Việc nhận được thư khen ở thời điểm này là niềm vui, sự động viên vô cùng to lớn. Tôi cảm ơn thế hệ trẻ, các đồng đội thuộc team dự án và team bảo hành của TTT, cảm ơn quý khách hàng như Caravelle Hotel Saigon đã luôn tin tưởng và ghi nhận. 

Bên cạnh nỗ lực của riêng doanh nghiệp mình, với tư cách là Chủ tịch Nhà lãnh đạo Thiền, tôi cũng kết hợp với CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức nhiều cuộc trò chuyện với các vị thầy tâm linh như thầy Minh Niệm, để động viên tinh thần cho doanh nhân. Đại dịch cũng là thời gian để mình sống chậm lại, cơ hội rất lớn để trở về chính mình. 

Để vượt qua đại dịch, mỗi doanh nhân phải có chiến lược tinh tấn; thứ hai phải có phòng hộ, biết để dành trong thời bình yên nhất; thứ ba là có đời sống cân bằng giữa thể chất và tinh thần; thứ tư là biết tương tác, kết nối, tìm đồng đội chia lửa với mình. Trong bối cảnh đại dịch, doanh nhân các nước châu Âu, châu Mỹ dễ đỗ vỡ, rối loạn, rơi vào trầm cảm vì không họ biết dể dành, phòng hộ. 

Để sản sinh ra vắc xin tinh thần cho cả bản thân mình và doanh nghiệp, không thể một sớm một chiều, không có ngay lập tức, mà phải là sự tích luỹ lâu dài. Những cuộc toạ đàm như thế này của TheLEADER, với những chia sẻ, chiêm nghiệm hết sức sinh động và chân thành của các bậc đàn anh, đàn chị chính là một cách cụ thể để giúp doanh nghiệp sản sinh ra vắc xin tinh thần nhanh nhất. 

Khi làm chương trình với thầy Minh Niệm xong, thầy nhắn Thông “Phải làm gì cho doanh nhân đi”, tôi mới ngộ ra rằng những cuộc trò chuyện như thế này mới chỉ là ngoài da. Giống như sức khoẻ con người, bản thân mình phải thực tập hàng ngày và có người thầy giúp đỡ. Tâm linh cũng vậy, cần những bài tập để giải quyết chuyện này, những bài tập phải được rèn luyện thực sự, hàng ngày…. Trường Doanh nhân PACE của thầy Giản Tư Trung cũng là một nhịp cầu. Tôi níu anh Trung lại là vì vậy, có thể giảm giá để tôi cho nhân viên mình đi học không”.

“Biến nguy thành cơ, biến cơ thành phát”

Là đàn chị đầy phong độ và rất năng nổ của Hawee, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food không chỉ giỏi trong kinh doanh, mà còn rất tích cực trong các hoạt động cộng đồng. Với triết lý sống cho đi chính là hạnh phúc, bật mí những chiến lược đã giúp cho Saigon Food tăng trưởng 30% ngay trong đại dịch. 

Bà Lâm nói: “Saigon Food có may mắn làm ngành hàng có cơ hội trong dịch, vì là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, xuất khẩu cũng là sản phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, nhưng chúng tôi đã biết tận dụng, biến thành cơ hội, doanh thu năm 2020 dự kiến tăng 20% so với năm ngoái.

Cái khó lớn nhất của Saigon Food là vừa sản xuất với tốc độ lớn hơn bình thường rất nhiều, vừa phải chống dịch, chưa nói chi phí khác cũng tăng. Giãn cách xã hội, không cho bất cứ người nào vào nhà máy, đòi hỏi phải có bộ phận trung chuyển hàng vào, chi phí tăng nhưng không được tăng giá. Mình khó nhưng may mắn hơn rất nhiều doanh nghiệp khác, bản thân doanh nghiệp thấy mình có trách nhiệm với từng người lao dộng và cả bà con dòng họ làm chung công ty, nếu có thay đổi ảnh hưởng cả dòng họ. 

Lúc đó mới thấy giá trị doanh nghiệp, nội lực doanh nghiệp là quan trọng. Công ty làm truyền thông nội bộ rất mạnh, cho nhân viên thấy mình còn may mắn, phát huy giá trị doanh nghiệp, muốn thế, người lãnh đạo phải rất bình tĩnh làm cho mọi người an tâm.

Quản trị thân, tâm, trí của doanh nhân trong đại dịch 1
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food

Sau bùng phát đợt dịch thứ nhất, doanh số lại rớt rất nhiều, thị trường thực phẩm tươi ăn sẵn bị ảnh hưởng vì người dân thắt chặt chi tiêu. Từ tháng 6 trở đi doanh số giảm 20-30%. Nhưng khi dịch bùng phát lần thứ hai thì doanh số lại tăng, mình không đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo

“Biến nguy thành cơ, biến cơ thành phát”, đó là chiến lược của công ty. Lúc này phải quay vào bên trong, kiếm lời từ bên trong, rà soát lại quy trình, đặt ra tiêu chí tiết kiệm, làm sao bù đắp một phần thiệt hại

Dịch là thời điểm tuyệt vời để phát hiện ra nhu cầu mới của người tiêu dùng. 8 năm gần đây Saigon Food nổi lên với sản phẩm cháo tươi, nhưng chỉ làm cho trẻ em, mùa dịch làm bao nhiêu cũng không đủ. Giờ phát hiện nhu cầu của người già rất lớn, nên quyết định phải nghiên cứu ra sản phẩm mới sau dịch, vừa tốt cho sức khoẻ, và dòng cháo tiết kiệm, bán cho người có thu nhập thấp. Giờ cũng đã có Vifon cùng làm. 

Với hàng đông lạnh, trước đây có thực phẩm đông lạnh ăn liền, bán túc tắc, giờ làm bao nhiêu cũng không đủ bán, công ty chủ trương sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, đó là đẩy cơ thành phát. Khi có biến cố, là doanh nghiệp có thuận lợi, nhưng vẫn phải làm khác đi rất nhiều, bên ngoài bình tĩnh, nhưng biết là dịch còn dài, sẽ ảnh hưởng tình hình chung toàn xã hội, phải nghĩ xa hơn.

"Về bản thân, tôi rất đồng cảm với hai anh Đỗ Long và Lê Viết Hải, đây là thời gian tốt nhất để có thể viết sách, rút ngắn thời gian lại. Tôi đang chuẩn bị ra mắt cuốn sách thứ hai Người kể chuyện, sau cuốn Người thả diều, để kịp tham gia Tuần lễ “Doanh nhân và sách” vào tháng 10 năm nay.

Trong vai trò thành viên ban chủ nhiệm CLB Nữ Doanh nhân TP. HCM (Hawee), với hơn 300 nữ doanh nhân, dịch bùng nổ chúng tôi rất lo lắng. Chị Cao Thị Ngọc Dung là người chị cả của HAWEE đã tổ chức chuỗi 8 sự kiện còn rộn ràng hơn trước, mang lại nhiều món quà tinh thần cấp thiết cho nữ doanh chủ. Đây là thời điểm mà chúng ta có khoảng thời gian rộng rãi hơn, phải trám vô bằng những cống hiến cho cộng đồng", lãnh đạo Saigon Food nhấn mạnh 

“Hãy làm đẹp cả bên ngoài và bên trong, thân, tâm trí”

Chị Trịnh Thuỳ Anh, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế TP. HCM, Chủ nhiệm CLB Hawee Mentoring cũng là một gương mặt nữ sáng giá của Hawee lại nhấn mạnh đến sự tương tác, tạo ra sự thay đổi của cả hai bên giữa mento và menter: “Quản lý tập thể giảng viên sinh viên cũng là áp lực rất lớn. Tôi chủ trương thúc đẩy mọi người tăng cường thể dục thể thao vững vàng, sau đấy là tinh thần bình an để lo cho sinh viên. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của anh Hải nói về hoà bình, chia sẻ giá trị bình an, nhất là bình an bên trong mỗi người.

Thời gian qua CLB Mentoring mỗi tháng gặp nhau một lần, quan hệ giữa Mento và Meti là quan hệ thầy trò, bạn bè. Chúng tôi đã gieo duyên cho 30 cặp rất hạnh phúc, những lần gặp đầu tiên các Menti thấy được an ủi, đồng hành rất nhiều, khi nhận được sự hỗ trợ của người đi trước vững vàng, vừa là sự cho đi, thể hiện năng lực lãnh đạo, dẫn dắt. Ban chủ nhiệm luôn hỗ trợ, giám sát, kết nối, bảo đảm “làm mai” có bảo hành, tạo ra sự thay đổi của cả hai bên”. 

Quản trị thân, tâm, trí của doanh nhân trong đại dịch 2
Các doanh nhân tham gia Toạ đàm “Quản trị sức khoẻ tinh thần của doanh nhân thời khủng hoảng” do TheLEADER tổ chức tại TP. HCM

Chị Hương Giang, Uỷ viên Ban chấp hành Hawee cũng tỏ ra tâm đắc: “Mình là giáo viên dạy văn, cuộc đời đưa đẩy, nhất là thời gian đại dịch này đã giúp tôi cảm nhận giá trị không nằm ở “Tiền- Hàng- Tiền” mà doanh nghiệp lặm sâu. Có những giá trị mình trân trọng đến bây giờ mới có cơ hội nói với bạn bè, vì trước đây có nói họ cũng không nghe, không thấm.

Tôi có nhiều bạn doanh nhân, trong đại dịch không gượng dậy nổi, có người gọi điện cho tôi khóc suốt. Mình rút ra một điều, chỉ có ba thứ thuộc về mình, đó là sức khoẻ, trí tuệ, tinh thần cảm xúc. Tôi động viên người bạn thân ấy rằng, cuối cùng bạn có phá sản, cũng phải giữ cho mình sống tốt, sống hạnh phúc. Trí tuệ là thứ không ai lấy cắp của mình được, không là gánh nặng, không biên giới. Nếu được hãy đọc sách. Bản thân tôi có công ty rất nhỏ, mỗi tháng cũng mất gần 500 triệu đồng chi phí, cảm giác nhìn tiền đi dù rất ít có lúc không sống nổi. Tôi thường động viên anh em, mình cứ nghĩ đến lúc tất cả mọi thứ trở về những giá trị cốt lõi nhất, thì có một gia đình, một mái nhà, những đứa con đã là hạnh phúc lắm rồi.

Trước những mất mát, đau thương, để buông bỏ quả thật rất khó. Vậy làm thế nào cho tinh thần nữ doanh nhân phấn chấn lại? Quay lại giá trị vật trong thân chứ không phải ngoài thân, để có sức khoẻ, có niềm vui. Chính vì vậy tôi xây dựng CLB Phong cách nữ doanh nhân, nhằm giúp chị em xây dựng phong thái, cốt cách, nhân cách của một nữ doanh nhân.

Tôi rất tâm đắc với một bạn hoa hậu khi được hỏi “Chị nghĩ gì về câu cái nết đánh chết cái đẹp”, cô ấy trả lời rằng “Cái đẹp đâu có tội tình gì mà mình đánh chết nó”. CLB ra ngay chương trình hành động, với 8 diễn giả về các chủ đề Xây dựng nhân hiệu, Bí mật của sự duyên dáng, Áo dài đúng và đẹp, Giọng nói trong giao tiếp, Ngôn ngữ hình thể… Hãy làm đẹp cả bên ngoài và bên trong, thân, tâm trí, đó là cách của chúng tôi”. 

Theo dõi các bài viết cùng chuyên đề: 

Bài 1: 'Đây là thời cơ vàng để Việt Nam có thể bứt phá trở thành một cường quốc'

Bài 2: Đỗ Long, Chủ tịch Bita’s: Viết báo, sưu tập tranh và gặp gỡ bạn bè giúp tôi cân bằng trở lại

Bài 3: Doanh nghiệp phải tìm cách 'nhảy đầm' trong bão

Bài 4: Doanh nghiệp cần tự bào chế 'vắc xin tinh thần' trong đại dịch

Bài 5: Tổng giám đốc Việt An Group: Đi thẳng vào tâm bão để vượt qua khủng hoảng