Đỗ Long, Chủ tịch Bita’s: Viết báo, sưu tập tranh và gặp gỡ bạn bè giúp tôi cân bằng trở lại

Kim Yến - 10:27, 10/09/2020

TheLEADERĐọc nhiều, viết nhiều, am tường cả văn chương và lịch sử, hội hoạ, có lẽ chính sự hiểu biết về văn hoá đã giúp ông hình thành nên những giá trị tinh thần mang tính trường tồn cho một gia tộc, một thương hiệu Việt, và giữ được sự bình thản, an nhiên ngay cả trong những lúc cùng cực nhất.

Mỗi lần gặp ông Đỗ Long, chủ thương hiệu giày dép Bita’s phủ sóng khắp các tỉnh thành từ nông thôn đến thành thị, ít khi ông nhắc về nghề, mà chỉ toàn nói chuyện đời. Chuyện tranh pháo, chuyện bạn bè, chuyện nhân tình thế thái… Tài sản lớn nhất với ông có lẽ là bè bạn, bạn làm ăn, bạn văn chương, bạn hoạ sĩ, bạn bác sĩ… nói chung là đủ mọi giới.

Là người quảng giao, bặt thiệp, luôn hết lòng vì bạn một cách vô vị lợi, ông còn là một doanh nhân hiếm hoi luôn “song hành với nghệ thuật”, đó là “biệt danh” rất quý giá của bạn bè hoạ sĩ đặt cho ông. 

Sở hữu những bộ sưu tập tranh của nhiều hoạ sĩ Hà Nội vang bóng một thời, ý thức của nhà sưu tập chuyên nghiệp trong ông hình thành từ rất sớm, khi đất nước còn chưa mở cửa, đời sống người nghệ sĩ còn quá gian truân. Lặn lội ra Bắc, bầu bạn với những nghệ sĩ thủa còn hàn vi, ông luôn dành cho họ sự ưu ái, tôn trọng, sẻ chia tận đáy lòng cả tình yêu nghệ thuật và tình yêu với con người.

Đến với buổi toạ đàm “Quản trị sức khoẻ tinh thần của doanh nhân thời khủng hoảng” do TheLEADER tổ chức, như bao lần, ông lại khoe với tôi một cuốn sách quý: “Lạc bước tân kỳ" - dự án khảo sát thực hành nghệ thuật và triển lãm các tác phẩm của 5 nghệ sỹ Gang of Five: Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hoà, Trần Lương, Phạm Quang Vinh, thực hiện bởi giám tuyển Lê Thuận Uyên. 

Đỗ Long, Chủ tịch Bitas’: Viết báo, sưu tập tranh và gặp gỡ bạn bè giúp tôi cân bằng trở lại
Ông Đỗ Long bên tác phẩm "Chiến tranh và tôi" của họa sĩ Rừng cùng với nhà báo Phạm Chu Sa

Sức mạnh tinh thần của một doanh nhân không dễ gì có được, nó phải được trui rèn qua biết bao lửa đỏ và nước lạnh. Khởi nghiệp trên một đống nợ, từng trắng tay, từng bị lừa lọc, trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc, của kinh doanh kể từ thời còn bao cấp đến nay đã hình thành trong ông một bản lĩnh thép, ẩn sâu sau vẻ ngoài mềm mỏng, nhẹ nhàng. 

Đọc nhiều, viết nhiều, am tường cả văn chương và lịch sử, hội hoạ, có lẽ chính sự hiểu biết về văn hoá đã giúp ông hình thành nên những giá trị tinh thần mang tính trường tồn cho một gia tộc, một thương hiệu Việt, và giữ được sự bình thản, an nhiên ngay cả trong những lúc cùng cực nhất. 

Tính ra trong mùa Covid-19 này, mỗi tuần ông đều có bài trên các báo khác nhau. “Viết báo, sưu tập tranh và gặp gỡ bạn bè giúp tôi cân bằng trở lại”, ông chia sẻ.

Nhà nước và doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy mới tận dụng được cơ hội để bật lên sau đại dịch

Đánh giá những khó khăn nan giải của ngành da giày trước làn sóng Covid-19, ông Đỗ Long cho biết, rất khó có số liệu so sánh chính xác về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu vào các website của cơ quan thống kê cũng chỉ có những tin tức chung chung, cũ mèm đời nào. Nhìn vào hai ngành da giày và dệt may, ta có thể lượm lặt tin tức từ các tờ báo, hay một số người quen biết uy tín để thấy toàn cảnh bức tranh khó khăn của hai ngành nuôi lao động nhiều nhất tại Việt Nam.

Hầu hết các đơn hàng xuất khẩu đi thế giới đều sụt giảm đến không còn, tính tới thời điểm cuối tháng 6/2020. Vì nhìn chung các thị trường nước ngoài còn khó khăn hơn Việt Nam bởi chống dịch chưa xong, công việc không ổn định, tiết kiệm mua sắm tối đa.

Các giải pháp của doanh nghiệp hai ngành này thời gian qua là tìm cách để cắt giảm bớt sản xuất, duy trì lao động, chuyển đổi may mặc quần áo sang sản xuất, xuất khẩu trang... Tuy nhiên báo cáo đến 15/6, tồn kho khẩu trang vải lên đến hơn 400 tỷ đồng (nguồn từ Hiệp hội Dệt may TP. HCM) vì không tiêu thụ trong nước được, không xuất khẩu được vì các nước đã đáp ứng được tiêu chuẩn của khẩu trang y tế. Hai ngành tiếp tục cắt giảm lao động, tính đến đầu tháng 6 thì da giày cắt giảm lên đến 61%, dệt may cắt giảm 43%.

Riêng các công ty FDI cũng bắt đầu đóng bớt xưởng sản xuất, thu hẹp sản xuất hoặc sắp xếp cho lao động nghỉ việc, hầu như tất cả các tỉnh thành có KCN, có ngành da giày và dệt may đều đang đối mặt xử lý tình trạng lao động nghỉ việc hàng loạt do cắt giảm.

Hai ngành khó khăn, kéo theo vài chục ngành cũng ảnh hưởng, như những công ty vệ tinh, nhà trọ, hàng quán, dịch vụ...

Đỗ Long, Chủ tịch Bitas’: Viết báo, sưu tập tranh và gặp gỡ bạn bè giúp tôi cân bằng trở lại
Ông Đỗ Long, Chủ tịch Công ty Bita's

Là một doanh nhân đầy trách nhiệm công dân, ông Đỗ Long liên tục có các bài viết sâu sắc trên các báo chính thống, đóng góp tiếng nói kịp thời để bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp trong thời khắc chưa từng có của lịch sử này. 

Ông cho biết: “Hỏi doanh nghiệp ngán và chán gì nhất! Chắc chắn là ngán thủ tục hành chính và chán mấy nghị định không đi tới nơi nó cần phải đến. Thực trạng ảm đạm của thị trường sau dịch, xuất khẩu giảm sâu tới 90%, thị trường nội địa chưa khỏe để hấp thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, tồn kho tăng dần lên, hầu như những người chủ có tâm thì cố tìm cách duy trì sản xuất kinh doanh bởi xuất phát từ việc giữ lao động, nhất là có nhiều lao động đã gắn bó lâu năm.

Việt Nam đã chống dịch thành công, nhưng chưa sẵn sàng cho khôi phục kinh tế đúng như tình huống chống dịch, chống giặc. Vẫn tồn tại những sức ỳ, trì trệ từ thủ tục hành chính cho đến thanh kiểm tra, quyết tâm thu các loại thuế phí cho rằng còn nợ trước dịch. Thực chất các nợ thuế phải trả đang gặp khó khi mất ba tháng không sản xuất, không bán hàng, không doanh thu, thì làm sao có nguồn để trả? Thế là xếp vào quy trình cưỡng chế...

Các gói cứu trợ đang chia mỏng cho quá nhiều doanh nghiệp nhỏ xíu, để họ không chết, nhưng các doanh nghiệp vừa vừa.. sẽ chết, mà vừa vừa thì nguồn đóng thuế, nghĩa vụ cũng lớn hơn, và họ chết thì cũng sẽ mất nguồn này tỷ trọng nhiều hơn các doanh nghiệp nhỏ nhỏ. Nhà nước tính toán quá chi li, kéo dài, không thống nhất ở các bộ, các địa phương, có nơi còn duy trì kiểm tra, thanh tra, truy thu thuế, bảo hiểm xã hội... 

Những thứ mà dịch đã cắt đứt mạch thị trường, họ không có nguồn để đóng thì tất yếu giảm công nhân, giãn công việc hoặc chết lâm sàng đến giải thể… Mình có nhà máy ở 3 tỉnh thấy có chính sách khác nhau, kiểm tra cũng khác nhau về tiêu chuẩn, có khi là để lợi dụng, kiếm tiền doanh nghiệp”. 

Khủng hoảng Covid-19 đợt thứ nhất ảnh hưởng đến Bitas’ trầm trọng vì lúc đó đóng cửa hoàn toàn, gần 1.000 cửa hàng Bita's không được mở cửa, kể cả trong siêu thị, người bán hàng cả ngàn người thất nghiệp. KCN Hàm Thuận nhiều công trình đang triển khai nhà đầu tư ngưng lại hết, rơi vào tình trạng ảnh hưởng dây chuyền đến thợ, nhà đầu tư…

Đợt Covid-19 thứ hai chính phủ có tinh thần không đóng cửa hoàn toàn, doanh nghiệp rất mừng. Ông Long kiến nghị: “Cách của Đài Loan chống dịch ngay từ đầu là không đóng cửa, vẫn cho phép có hệ thống bán hàng, chỉ giãn cách, tạo công ăn việc làm theo mô hình giãn cách một cách trật tự, nhờ dân họ có ý thức. Khi không có dịch họ vẫn thực hiện đeo khẩu trang, cách họ phát phiếu cho người dân sử dụng để kích cầu tiêu dùng cũng rất hay. Nhà nước truyền thông rõ ràng chính sách hàng ngày trên báo, các hiệp hội có tiếng nói, có trọng lượng, các bộ ngành đi theo.

Việt Nam cũng giống Đài Loan, quân đội tham gia chống dịch, vì chỉ có quân đội đủ cơ sở vật chất làm bệnh viện dã chiến. Tôi cũng có đứa con trai bị cách ly trong bệnh viện dã chiến, cháu kể nhiều câu chuyện rất cảm động về tinh thần phục vụ cật lực từ sĩ quan đến lính, tạo tâm lý an tâm hơn cho toàn dân khi bước vào khủng hoảng đợt hai.

Cách Đài Loan kích thích tiêu dùng ngay trong đại dịch cũng đáng để học tập. Chính phủ cho tiền, phát phiếu ăn kích thích người dân đi ăn. Phiếu ăn nhà nước cho 50%, họ lấy công viên, mở thành hàng quán…. Chính phủ Anh cũng đã áp dụng chiến lược kích cầu “Đi ăn tiệm để giải cứu nhà hàng” bắt đầu từ tháng 8, và thấy có hiệu quả, họ chủ trương “Sống chung với Covid”. Nên chăng Nhà nước thay vì nói giải cứu doanh nghiệp mãi mà chưa thấy tiền đâu, hãy phát cho mỗi người dân chúng tôi cái phiếu đi ăn tiệm đi, nhà hàng bán không thu thuế đi”. 

“Chính thời điểm này tôi mới hiểu tinh thần kinh doanh của người Nhật Bản, họ không bao giờ bỏ mình”

Tham gia lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã 29 năm, không phải tới trận dịch này Bita’s mới thấy cái chết. Thời bao cấp cũng từng xảy ra rất nhiều mất mát, đổ vỡ do chính sách Nhà nước không nhất quán, thiếu cái nhìn kinh tế thị trường. Hiện Bitas’ đã có gần 4.000 nhân viên, có những lao động có hai vợ chồng, con cái cùng làm, kéo theo cả bà con dòng họ… Hàng loạt doanh nghiệp hiện nay phải giảm bớt lao động, nhìn thấy mối lo thất nghiệp, kéo theo gánh nặng nợ nần của người lao động rất lớn, nhất là ngành may mặc vô cùng khốn đốn, ông Long cho biết:

“Khó khăn căn bản nhất là đầu ra, thị trường xuất khẩu gần như tắc, các đơn hàng lỡ ký trước làm không xong có khả năng để trong kho, nhất là thị trường Mỹ. Đau đầu hơn nữa so với các ngành hàng khác có thể bán được trong nước là hàng da giày tồn kho do khách hàng không thanh toán bán trong nước không được vì kích cỡ lớn quá. Nhiều doanh nghiệp chỉ tồn tại tính theo ngày, chứ đừng nói 1 tháng, 1 quý.

May mắn với Bita’s là hợp tác với công ty Nhật Bản gần 20 năm nay. Chính thời điểm này tôi mới hiểu tinh thần kinh doanh của người Nhật Bản, họ không bao giờ bỏ ta. Ngay cả lúc Nhật Bản bị sóng thần họ cũng không bỏ, trận dịch này họ cũng không bỏ mình. Đó là cách mà doanh nghiệp Việt Nam nên nghĩ tới khi chọn đối tác lâu dài. Chính nhờ đó mà trong đại dịch Bita’s vẫn tuyển thêm nhân công, một chuyện hi hữu. Tính trong ngành giày dép, Bita’s là doanh nghiệp cắt giảm lao động ít nhất, chỉ 10%, sau khi có vài hợp đồng lại tuyển thêm lao động”.

Cùng với đó là hàng loạt các biện pháp tiết kiệm chi phí, ổn định nội bộ. “Mua sắm tôi trực tiếp đi thương lượng hết, vì vật tư mua từ nước ngoài vào rất khó khăn. Đàm phán mua vật tư của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thay vì của Trung Quốc, tìm cách giảm giá, đàm phán trả tiền chậm lại, tự điều chỉnh. Doanh nghiệp cũng có công đoàn, anh em tự đưa ra yêu cầu tăng, giảm lương, mình căn cứ trên đề xuất đó sẽ điều chỉnh cho hợp lý hơn. Về tài chính, trước đây chúng tôi làm ăn với một ngân hàng thôi, sau khi chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tôi đã tìm đến nhiều ngân hàng khác thuận lợi hơn. Nhờ thế đợt dịch thứ hai tinh thần anh em tương đối ổn.

Một chiến lược quan trọng nữa là từ 1999 tới nay chúng tôi luôn đi hai chân, vừa nước ngoài vừa trong nước, chưa bao giờ bỏ thị trường nội địa, khu vực này bán yếu, nhưng khu vực khác bán tốt hơn, nên vẫn bù đắp được. Ngành giày dép không giàu nhanh, nhưng bảo đảm cái khung, thoả mãn đam mê nghề tổ của gia dình. Nhiều lần cũng muốn thoát nghề này để theo đuổi đam mê dạy học thời trẻ, nhưng cuối cùng vẫn đeo đẳng nghề này”. 

Những ngày này, các lãnh đạo Bita’s cũng phải “xuất tướng” tìm từng đơn hàng, tìm đối tác mới thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc. “Đợt 2 chúng tôi có chiến lược, có phương pháp cụ thể hơn. Tôi trực tiếp làm việc với các bệnh viện, bán sản phẩm cho bệnh viện với những tiêu chí khác như vì sức khoẻ. Vào Samsung, xuất tướng để tìm cách bán hàng, nói chuyện với các hãng lớn, bán giày dép cùng các sản phẩm khác của họ”

Ông Đỗ Long cho rằng chặng đường sắp tới vẫn mở ra cơ hội nếu như biết “học tập” chuẩn về các hiệp định thương mại tự do, nghĩ tới cải cách đội ngũ quản lý từ trước cơn dịch Covid-19 và định hướng lại thị trường khi mà châu Âu mở rộng mua hàng nhưng lại bị đóng do dịch ít ra hết năm 2020 cho đến quý II/2022.

Đỗ Long, Chủ tịch Bitas’: Viết báo, sưu tập tranh và gặp gỡ bạn bè giúp tôi cân bằng trở lại 2
Ông Đỗ Long có đam mê về sách, nghiên cứu văn hóa

“Bitas’ không ôm đồm từ A đến Z mà chấp nhận hợp tác những chuyên viên bên ngoài như pháp lý, kỹ thuật, thậm chí bắt đầu xu thế chuyển nhiều đơn hàng cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn trong ngành da giày tham gia sản xuất ngoài nguồn cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc. Chúng tôi vẫn đang đặt nguyên liệu tại nhiều đơn vị FDI của Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan có mặt tại Việt Nam hoặc một số quốc gia trong ASEAN. Đây cũng là cách thay đổi tư duy, tập quán kinh doanh mà từ trước nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam ít khi muốn ngành nghề của bản thân được nhiều người tham gia vào như là lộ bí mật quốc gia vậy”. 

“Nhóm G7 và tinh thần chia bùi xẻ ngọt giúp nhau vượt qua hoạn nạn”

Hỏi ông có sợ hãi không trước một tương lai quá bất định và đầy bất trắc của cả loài người nói chung và của chính mình? Ông cười giản dị: “Thực sự tôi chỉ có nỗi lo 'xưa giờ thấy anh ngon quá, giờ nghe phá sản'”. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, chuyện phá sản quả không bình thường, trong khi các nước khác thấy doanh nghiệp phá sản là rất bình thường.

29 năm qua, chặng đường Bita’s chưa kết thúc và chưa báo cáo "sâu sắc" được là thành công như mong muốn hay chưa; nhưng đó là một chặng đường đầy gai sắc, đầy muối mặn, đầy trái đắng mà tất cả một đoàn người phải đi như "đi tìm miền đất hứa". 29 năm tự do thở không khí hân hoan, vui sướng tột cùng vì rất tin tưởng các chính sách mở cho các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ đôi khi nguồn không khí thở bị ô nhiễm, phải đeo khẩu trang.

Nhưng rồi từ tháng 1/2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, các tính toán của các doanh nghiệp đều sai số, một cuộc tàn sát âm thầm thấm dần, bao nhiêu niềm đam mê làm ăn đi dần vào một khoảng không, bây giờ ngoài phải đeo khẩu trang, còn phải cần máy trợ thở... mà máy trợ thở cũng tự mua sắm, đâu có thể ỷ lại chờ phúc phước từ bề trên, chờ là tắt thở.

Vậy lối đi nào để đến được miền đất hứa? Khi hoạn nạn mới biết ai đang cùng ta chèo chống, biết ai chấp nhận hy sinh cùng lãnh đạo công ty tìm ngõ ngách để đi, biết được những sự đồng cảm của các tổ chức tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhiệt tình, biết những người bạn sẵn sàng cho ứng nguồn tiền mặt giải cứu không cần chữ ký. Tất cả là luồng không khí sạch, vô cùng quí báu.

Xem xét lại nền tảng, cơ cấu, mấu chốt là con người, có đủ chịu lực những trận động đất kinh hoàng như Covid-19 này không? Học được gì về tất tần tật các lý thuyết, chiến lược, kế hoạch đã áp dụng suốt 29 năm? Chủ nghĩa bảo hộ lan rộng nhiều nước, nhiều khu vực, tàn phá "mặt phẳng" kinh tế thị trường, nếu kéo dài thêm 5 - 10 năm nữa, ta đi đâu? có cần chuẩn bị dây thòng lọng để đu theo...? Thế giới không tiền mặt hợp thời, nhưng vẫn cần phải may áo thêm túi, đúng không? Khó không đồng nghĩa không động đậy, mất ngủ không đồng nghĩa không suy nghĩ. Đó là thông điệp của Bita's”.

Nhấn mạnh đến vai trò của các hội đoàn, các tổ chức dân sự, các nhóm bạn bè thân hữu trong giới doanh nhân, ông Đỗ Long cho rằng đó chính là sợi dây bền chặt giúp doanh nghiệp vượt qua hoạn nạn.

“Tôi có rất nhiều nhóm bạn bè thân hữu, mỗi nhóm mỗi khác, nhóm tồn tại lâu đời nhất là nhóm G7, chỉ bàn chuyện làm ăn, làm ăn, và làm ăn. Thời gian rảnh này anh em G7 tháng nào cũng gặp nhau để trao đổi, động viên nhau về tinh thần, hễ ai kẹt tiền phát lương là đồng đội lại thảy vô không cần có lãi. Chúng tôi gắn bó từ 1999 tới giờ, nhóm G7 giờ đã trở thành G10, trao đổi sản phẩm của nhau. Có doanh nghiệp phát triển tăng tốc như NutiFood, lượng đặt hàng sữa đạt tiêu chuẩn châu Âu nhiều hơn. Vừa rồi tôi đi thăm nhà máy NutiFood ở Thuỵ Sĩ nằm trên một ngọn đồi rất đẹp, thấy đường đi của NutiFood còn mở rộng. NutiFood đang nuôi bò ở Đắk Lắk, đưa giây chuyền tự động mấy chục ngàn USD về.

NutiFood ra đời cũng khoảng 20 năm, đầy sóng gió những năm 2007 - 2008 tưởng chừng không gượng nổi bởi cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ người sáng lập Trần Thị Lệ chuyển giao cho người chồng là anh Trần Thanh Hải, mà theo anh cũng do bà xã sắp xếp và bảo anh: "Làm chủ tịch nhen" và anh vâng lời, điều đó đồng nghĩa anh chấp nhận bỏ mộng ước công ty bất động sản đang hot để trở về gánh vác cùng vợ dựng lại nghiệp, mà mộng ước người vợ bác sĩ theo anh là mộng ước nhiều ý nghĩa và giá trị hơn.

Tôi không kể lể điều mà giờ này NutiFood đã trở thành một trong nhiều thương hiệu được chứng nhận toàn cầu. Tôi chỉ nhắc một chi tiết rất nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn. Khi Trần Thanh Hải đã là chủ tịch, một hôm đi thang máy tại trụ sở cơ quan, có một nhân viên cùng đi hỏi rằng "Anh làm ở bộ phận nào?". Anh trả lời "Tôi làm toàn quốc". Trên thực tế giờ đây NutiFood không chỉ toàn quốc mà là toàn cầu và càng chứng tỏ "nghe lời vợ mới thành công”. 

Trong nguy luôn có cơ hội, trao đổi gặp gỡ nhau cũng rất tốt. Tôi thường có những cuộc nhậu với bạn bè để giảm stress, mà thực ra là bàn nhiều chuyện làm ăn. Lịch sử gần đây nhất chứng minh rằng, muốn tồn tại thời Covid-19 thì hãy gặp gỡ những chủ tịch thật là thật, chèo chống vượt khó khăn. 

Thời Covid-19, ông chủ hãng Mỹ Hảo vẫn xuất khẩu nước rửa tay diệt khuẩn sang Mỹ. Ông chủ Hãng Phúc An Phát vẫn xuất bánh bía đặc sản sang Mỹ. Ông chủ Bánh Bao Thọ Phát tiếp tục mở rộng nhà máy để chuẩn bị xuất khẩu bánh bao sang Mỹ. Thật sự khâm phục ba doanh nhân đó. Ông bà chủ Bánh bao Thọ Phát còn trẻ lắm, nhưng xây dựng công ty từ 33 năm trước, từ chỉ một loại bánh bao, giờ thì không biết bao nhiêu loại. Nhà hàng một tiệm, rồi hai tiệm, một nhà máy sản xuất không đủ, mở rộng thêm một nhà máy nữa, tính bằng ha, công nghiệp hóa luôn cái bánh bằng thiết bị hoàn toàn hiện đại.

Dịch Covid-19 gây khốn khổ biết bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất, nhưng với Thọ Phát lại tăng trưởng, nội cái chuyện hàng ngày phải cung cấp cho hàng chục ngàn người đang cách ly dịch và phải sản xuất suốt 24/24. Điều này rất đáng tự hào và cần học hỏi. 

Khi Vinamilk và Kido bắt tay hợp tác liên doanh sản xuất các loại nước giải khát (không có ga) và dòng kem có tên Vibev, Kido tuyên bố quay lại mảng thị trường bánh kẹo là tôi biết ngay anh này đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công thương vụ mùa Covid-19. Cần có nhiều hơn nữa những hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước, để cân bằng và vượt FDI. Vậy các doanh nghiệp nội có sẵn sàng và đồng lòng chưa nào?”, ông Long chia sẻ.

“Con người kinh doanh luôn cân bằng với con người nghệ sĩ thì không lo bị trầm cảm”

Không phải đợi đến đại dịch doanh nhân mới bị trầm cảm, theo ông Đỗ Long, trầm cảm luôn là căn bệnh thường trực đe doạ giới doanh nhân, nhưng đại dịch khiến căn bệnh này trầm trọng hơn. Cách để “trị” trầm cảm hữu hiệu nhất với ông là cân bằng giữa con người kinh doanh và con người nghệ sĩ.

Nghệ thuật giúp ông tìm thấy sự lãng mạn, thăng hoa và nhờ nó ông có thêm nhiều bạn bè. Ông nói: “Nhiều em doanh nhân trẻ làm giàu nhanh quá, không đủ lực, hoặc làm không tới dễ làm bậy. Doanh nghiệp Việt Nam có điểm yếu nhất là hợp tác. Chỉ cần có sự kiện cộng hưởng lợi ích thì người trẻ tan rã nhanh hơn người già. Người hợp tác thành công trên thế giới thường là người đứng tuổi. 

Nghệ thuật giúp tôi hướng tới con người nhân bản, tránh tự cao, tự kiêu, và biết quan tâm đến cộng đồng. Có những khoảnh khắc cực kỳ khó khăn, tôi vẫn nhận được sự giúp đỡ của những người Hoa, họ sẵn sàng cho mượn vài tỷ đồng không lấy lãi. Tôi biết ơn họ vô cùng và khi trả vốn thì dĩ nhiên không bao giờ để họ phải chịu thiệt”. 

Vừa sở hữu những bộ sưu tập tem, tranh, tiền, các loại bình trà, đĩa hát… độc nhất vô nhị, vừa mở rộng thị trường Bita’s từ châu Âu sang cả châu Phi, phát triển KCN thu hút đầu tư nước ngoài và giúp đỡ các doanh nhân trẻ khởi nghiệp, làm thế nào để “phân thân”, dành thời gian cho thú đam mê, cho bè bạn?

Đỗ Long, Chủ tịch Bitas’: Viết báo, sưu tập tranh và gặp gỡ bạn bè giúp tôi cân bằng trở lại 3
Bức tranh "Chiến tranh và tôi" của họa sỹ Rừng

“Sống trong thế giới nghệ thuật tôi mới thực sự tìm thấy sự tĩnh tại, thư thái và chống lại stress của thương trường khắc nghiệt. Từ ngày đầu đến Cà phê Lâm, mua những bức phác thảo nhỏ bằng vuông tay của Bùi Xuân Phái, đến việc săn tìm cho được tranh của các danh họa như Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm…, tôi dễ dàng cảm nhận những bức tranh có giá trị mỹ thuật. Ít ai biết, cũng nhờ việc sưu tập tranh của mình, nhiều họa sĩ và gia đình của họ vượt qua được cơn bĩ cực thời bao cấp. Tôi mua tranh của họa sĩ trong nước, từ nổi tiếng đến chưa có tên tuổi, miễn là thích, rồi tiến tới thị trường tranh nước ngoài, Âu, Á, Mỹ, Phi”, ông tâm sự.

Đến bây giờ, ông đã có trong tay bộ sưu tập tranh vô giá, cùng những bộ sưu tập khác mà như ông thường khoe bắt đầu bằng chữ “T”: Thạch, tranh, tiền, tem, trà, thư pháp… Chưa kể ông là người chụp ảnh phong cảnh cực có nghề.

Kể về đam mê viết lách của mình, ông Đỗ Long nói: “Đó là những năm 77 - 78 của thế kỷ trước. Sau nhiều đợt thay tên đổi tuổi, cuối cùng tôi phải đi học chung với nhiều bạn nhỏ hơn từ 3 - 5 tuổi. Khi đi thi đại học, tôi nhắm thi vào khoa báo chí, có lẽ cũng ảnh hưởng từ người cậu út, người luôn xem sách báo như là bạn, thời còn ở quê Hóc Môn, căn gác bà ngoại dành cho cậu ở, thì cậu biến thành thư viện toàn là báo chí, sách đủ thể loại, trẻ thơ, kiếm hiệp, chiến tranh, tình báo, văn chương, thơ ca, nhạc. Nhiều sách có chữ ký của tác giả là đặc biệt nhất, cậu quí và bọc nhựa kỹ càng. 

Còn báo chí mua từng tờ rồi đóng từng năm, từ Đuốc Nhà Nam, Sóng Thần, Đen Trắng, Điện Tín, Đối Diện, Đứng Dậy, đến Tin Sáng sau này. Tiếc là sau 75 đã phải đốt sạch, đốt cả những sách báo giáo dục, khoa học tiến bộ, kể cả các Tự Điển đắt tiền.

Nghe tin tôi định thi vào khoa báo chí, ba tôi dù xưa nay ít nói hay can thiệp tôi làm bất cứ việc gì, bỗng gọi tôi từ Chợ Lớn về quê, và rất nhẹ nhàng khuyên tôi không nên học báo chí, lý do duy nhất là làm báo khó nuôi thân, và sợ tôi không nối nghề nghiệp làm đậu phụ của gia đình đã có hơn 50 năm, tính đến những năm 80.

Tôi đã nghe lời ba, học sư phạm và thành nhà giáo với tâm nguyện suốt đời làm thầy. Nhưng rồi không đầy 5 năm sau lại rẽ sang con đường doanh nghiệp, khi đồng lương không đủ nuôi sống thêm miệng ăn là người vợ cũng là giáo viên với đứa con gái đầu lòng mới sinh. Vợ tiếp tục dạy học, để ông chồng "mất dạy" đi làm hợp tác xã sản xuất.. Thế là mộng nhà báo không, nhà giáo cũng gãy gánh nửa chừng.

Đỗ Long, Chủ tịch Bitas’: Viết báo, sưu tập tranh và gặp gỡ bạn bè giúp tôi cân bằng trở lại 4
Ông Đỗ Long cùng mẹ và gia đình

Khi lên lớp tôi vẫn đùa với sinh viên, thầy khuyên các em làm nghề gì chứ đừng sản xuất giày dép. Kích cỡ khác nhau, giày nam nữ khác nhau, xuất khẩu khác nhau. Lấy ví dụ, thời gian vừa rồi vì Covid-19 mà lô hàng xuất sang Mỹ bị người ta bỏ cọc. Vậy là mình chịu trận vì toàn size lớn thì bán cho ai? Đó là cả vấn nạn. 

Và giày có thời hạn, tự hủy. Làm quản trị thì phải tính đến rủi ro. Chưa kể nguyên liệu không đồng đều, lô này lô kia khác nhau. Hoặc đăng ký tàu bè nhưng do trục trặc vài khâu nên bị xuất hàng trễ, mà mỗi ngày xuất trễ thì bị tính tiền phí, rồi qua bên kia mất hàng thì phải đền sau. Thiếu thì phải giao bằng đường máy bay. Giao 1 container 3.000 đôi nhưng có khi giao máy bay 5.000 đôi còn thiếu.

Chưa kể thương hiệu phòng vệ, các chứng nhận xuất xứ khá phức tạp, rồi hàng nhái, hàng giả. Có khi sản phẩm mình đi đăng ký không soát kỹ, có sản phẩm trùng với ai đó thì họ không cho xuất. Cơ chế của Việt Nam mạnh ai nấy làm, dù có bộ này bộ kia nhưng đừng trông chờ, hãy tự cứu mình trước. Tôi nghiên cứu nhiều nghị định, trong khi các doanh nghiệp khác cho rằng họ đã có luật sư riêng.

Mối liên quan giữa chơi tem, sưu tập tranh đến kinh doanh là tạo cho mình tính kỹ lưỡng trong khi cân nhắc mọi vấn đề. Và cũng như chơi tem, chơi tranh, đã đam mê thì không bao giờ bỏ cuộc”, ông kết luận.

Theo dõi các bài viết cùng chuyên đề:

Bài 1: Đây là thời cơ vàng để Việt Nam có thể bứt phá trở thành một cường quốc