Rất ít doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó rủi ro

Phương Anh - 10:17, 06/08/2023

TheLEADERChỉ một tỷ lệ thấp doanh nghiệp Việt Nam tự tin sẵn sàng đối mặt với những rủi ro hiện tại và trong tương lai, đặt ra nhu cầu cấp thiết trong tăng cường khả năng phục hồi cho doanh nghiệp.

Khảo sát chỉ số rủi ro của Công ty tư vấn và cung cấp giải pháp WTW vừa công bố cho thấy, gần một nửa doanh nghiệp được hỏi chỉ hiểu biết cơ bản về những rủi ro hiện tại mà họ phải đối mặt và tác động tài chính từ những rủi ro này.

Con số này thậm chí tăng lên mức 58%, khi các doanh nghiệp được hỏi về những rủi ro mới mà họ có thể phải đối mặt trong 2 đến 5 năm tới.

Trở ngại trong việc hiểu rõ và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với rủi ro có thể do doanh nghiệp thiếu dữ liệu thực tế. Đa số doanh nghiệp nhận định đây là một khía cạnh tiềm ẩn nhiều yếu kém trong quá trình đánh giá rủi ro của họ.

Gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ không có phương pháp định lượng tác động tài chính của rủi ro nhằm thiết lập các biện pháp quản lý rủi ro thích hợp. Trong khi đó, 1/4 số doanh nghiệp cho biết, công ty của họ không có quy trình chính thức để xác định khẩu vị rủi ro hoặc khả năng chấp nhận rủi ro.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp được hỏi, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường là nguồn rủi ro hàng đầu, theo sau là sự bất ổn kinh tế vĩ mô do áp lực lạm phát đang diễn ra. Dịch bệnh và bệnh truyền nhiễm cũng là nguồn rủi ro khi các doanh nghiệp đang dần thích nghi với môi trường kinh doanh sau đại dịch.

Ít doanh nghiệp Việt sẵn sàng ứng phó rủi ro
Các nguồn rủi ro hàng đầu theo đánh giá của các doanh nghiệp tại Việt Nam (% doanh nghiệp được hỏi lựa chọn).

Ông Luke Ware, Giám đốc mảng Tư vấn rủi ro và môi giới doanh nghiệp của WTW châu Á, cho rằng, kết quả khảo sát đã chỉ ra nhu cầu cấp thiết trong thu hẹp khoảng cách giữa rủi ro và tác động tài chính tương ứng, hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro của doanh nghiệp.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường như Việt Nam – một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Á trước các thảm họa tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong triển vọng trung hạn có mối liên hệ chặt chẽ với mức nhu cầu của thị trường về sản phẩm và dịch vụ.

Cùng với đó, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu hướng tới các trung tâm sản xuất cạnh tranh ở Đông Nam Á, như Việt Nam, tạo ra áp lực về giá cả.

Đây là hai yếu tố hàng đầu có tác động rủi ro cao nhất đối với các doanh nghiệp địa phương.

Ít doanh nghiệp Việt sẵn sàng ứng phó rủi ro 1
Các yếu tố có tác động lớn nhất đến các doanh nghiệp tại Việt Nam (% doanh nghiệp được hỏi lựa chọn).

Bà Nguyễn Mỹ Thiện, Giám đốc điều hành WTW Việt Nam, nhận định, khi các hoạt động sản xuất tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, việc xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt là một ưu tiên quan trọng của doanh nghiệp.

Trong đó, bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khỏi tổn thất của chuỗi cung ứng, và duy trì sức hấp dẫn đối với các khoản đầu tư nước ngoài.

Mặc dù cần tăng cường khả năng tự bảo vệ khỏi rủi ro, gần 1/3 số doanh nghiệp được hỏi cho biết, các sản phẩm bảo hiểm thông thường của họ không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, vì có một số rủi ro có thể không được bảo hiểm, hoặc không được bảo hiểm toàn diện.

Các doanh nghiệp cũng đối mặt với các thách thức về giá cả của các sản phẩm bảo hiểm, với gần một nửa số doanh nghiệp thấy rằng, không thể dự đoán xu hướng giá và phí bảo hiểm cao là các điểm yếu lớn nhất trong các hợp đồng bảo hiểm hiện tại của họ.

Bà Thiện đánh giá, mặc dù phần lớn các doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của bảo hiểm, thách thức hiện tại là đưa ra cách tiếp cận công bằng, cho phép họ xác định và lấp đầy những khoảng trống không được bảo hiểm, hoặc không được bảo hiểm đầy đủ, đồng thời cân bằng chi phí bảo hiểm.

Chìa khóa để đạt được mục tiêu này là giải quyết được vấn đề thiếu dữ liệu để đánh giá rủi ro và các tác động đi kèm.

Theo đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị tư vấn rủi ro trong việc sử dụng dữ liệu, công nghệ, và các công cụ phân tích, để chủ động quản lý rủi ro và ra quyết định đúng.

Việc này nhằm mục đích trang bị cho doanh nghiệp phạm vi bảo hiểm đầy đủ, để tự tin hoạt động kinh doanh, và tăng cường khả năng phục hồi trước các rủi ro trong tương lai, bà Thiện nhấn mạnh.