Rủi ro lạm phát từ chính sách nới lỏng tiền tệ

Trần Anh - 15:36, 23/06/2021

TheLEADERDù giá dầu, giá thép hay nông sản đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay, vẫn còn là quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một “siêu chu kỳ hàng hóa”. Các ngân hàng trung ương đều cho rằng yếu tố lạm phát không có tính chất lâu bền, mang tính chất đặc thù và riêng biệt. Do đó các mục tiêu về lạm phát trong trung và dài hạn vẫn được đảm bảo.

Để ứng phó với Covid-19, các các Ngân hàng trung ương trên thế giới đã tung ra hàng loạt các chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có tiền lệ. Chỉ trong thời gian ngắn lượng tiền cơ sở đã tăng gấp đôi kéo theo sự tăng giá của các kênh tài sản với điển hình là thị trường cổ phiếu và thị trường các tài sản có mức sinh lời cố định như trái phiếu.

Cùng với đó, năm 2021 là năm nền kinh tế thế giới được dự báo phục hồi sau đại dịch. Theo thống kê từ World Bank (WB), các ngành xây dựng, nhóm ngành sản xuất công nghiệp và bán lẻ hàng hóa (nhu cầu tiêu dùng tạm thời gián đoạn do đại dịch) đã hồi phục hoặc tiệm cận mức trước dịch, trong khi ngành tiêu dùng dịch vụ vẫn chưa có sự hồi phục đáng kể.

Điều này dẫn đến hiện tượng lạm phát tăng ở nhiều quốc gia. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong ít nhất vài tháng tới do sự tăng giá phi mã của một số mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất tiêu biểu phải kể đến dầu thô với mức tăng 40% so với cùng kỳ.

Trong Quý 1, 80% hàng hóa đã tăng cao trở lại về trên mốc trước dịch khi Covid-19 đã tạo ra cú sốc lớn với giá hàng hóa. Theo dự báo trong báo cáo hàng hóa mới nhất của World Bank, giá dầu dự báo đạt trung bình 56 USD/thùng trong năm 2021, cao hơn 30% trung bình năm 2020, và tăng nhẹ lên 60 USD vào năm 2022. 

Mặt bằng giá kim loại dự báo tăng 30%, giá nông sản dự kiến tăng trung bình 14% trong năm nay và tập trung vào một số ít mặt hàng cố định.

Rủi ro lạm phát từ chính sách nới lỏng tiền tệ
Thép là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong hơn 1 năm qua

Bất chấp điều đó, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn là thông điệp xuyên suốt của các Ngân hàng trung ương giai đoạn này. FED và ECB chia sẻ quan điểm trong giai đoạn này, các yếu tố lạm phát không có tính chất lâu bền, mang tính chất đặc thù và riêng biệt. Do đó các mục tiêu về lạm phát trong trung và dài hạn vẫn được đảm bảo.

Cụ thể, hồi tháng 8/2020, Fed đã nhất trí về một cách tiếp cận mới đối với chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2%. Trong khi đó, ECB cũng theo đuổi mục tiêu lạm phát trung bình 2% trong trung và dài hạn. 

Có thể hình dung sau khi lạm phát rơi mạnh 2020 sẽ có giai đoạn lạm phát tăng cao trên ngưỡng mục tiêu vào giai đoạn phục hồi sau dịch. Cả FED và ECB đều chưa cho thấy tín hiệu định hướng thay đổi chính sách tiền tệ bắt nguồn từ lo ngại xung quanh lạm phát.

Vì vậy, nhóm phân tích Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định vẫn còn là quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một “siêu chu kỳ hàng hóa” tạo áp lực lên lạm phát trong trung và dài hạn. Trong diễn biến mới nhất từ Fed, dù có thay đổi sớm hơn lộ tình nâng lãi suất, nhưng thời điểm gần nhất sẽ là năm 2023. Những ảnh hưởng giai đoạn này chủ yếu mang tính chất kỳ vọng ngắn hạn và có thể sẽ không kéo dài lâu.

Cũng cần phải nói thêm, trong trường hợp các Ngân hàng trung ương bắt đầu trung hòa dần chính sách tiền tệ nới lỏng thì đây cũng được xem là tín hiệu tích cực khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục, giảm thiểu nguy cơ về khả năng hạ cánh cứng và xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Đánh giá tác động của những chính sách nới lỏng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới tới Việt Nam, VCBS nhận định, NHNN hiện có nhiều nguồn lực để ổn định tỷ giá. Trong đó, việc dự trữ ngoại hối được xây dựng dần qua các năm cùng với chính sách mua ngoại tệ kỳ hạn hiệu quả trong năm là các yếu tố cơ sở.

So sánh với các Ngân hàng trung ương khác trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ thực hiện hạ lãi suất điều hành và chưa có kế hoạch mua lại tài sản như trái phiếu. VCBS đánh giá đây được xem là điểm cộng về độ linh hoạt trong chính sách tiền tệ. 

Cùng với đó, điểm cộng khác là các chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm đã cho thấy sự hiệu quả góp phần ổn định các chỉ báo kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lạm phát hay lãi suất trong các năm gần đây.

Nhìn lại các yếu tố quá khứ, ngay cả trong giai đoạn FED thực hiện nâng lãi suất vào cuối năm 2015 sau gần một thập kỷ trì hoãn, thì các tác động tiêu cực và trực tiếp ảnh hưởng lên Việt Nam là không thực sự rõ nét. Cụ thể, lãi suất trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2015- đến nay cũng như lãi suất trong nền kinh tế liên tục trong xu hướng xuống; tỷ giá duy trì được mức giảm giá khoảng 2%/năm đều đặn; dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân luôn duy trì ở tốc độ.

Tuy nhiên, trong năm 2021, khi xu hướng này đảo ngược đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao, cán cân thương mại hoàn toàn có khả năng thâm hụt trở lại trong năm 2021 và tại một thời điểm nào đó, kịch bản nhu cầu thanh toán tăng cao khiến NHNN cần phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường có xác suất cao hơn.

Theo đó, VCBS dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 0,5% trong năm 2021. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ trong các tháng cuối năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm tuy nhiên mức giảm sẽ không dàn trải trên toàn hệ thống.