Samsung bước chân vào lĩnh vực dịch vụ tài chính ở Việt Nam

Minh An - 10:07, 12/09/2017

TheLEADERNhững người dùng điện thoại Samsung sẽ được tích hợp một tính năng thanh toán hoạt động như thẻ tín dụng mà không cần quẹt thẻ.

Gã khổng lồ Samsung cho biết họ sắp ra mắt giải pháp thanh toán Samsung Pay ở thị trường Việt Nam. Nhiều người tin rằng, dịch vụ thanh toán di động này sẽ được giới thiệu trong ngày 13/9, ngày ra mắt chính thức sản phẩm Galaxy Note 8 của Samsung tại Việt Nam.

Những chiếc điện thoại được tích hợp tính năng Samsung Pay sẽ hoạt động như một chiếc thẻ ngân hàng, nhưng khi thanh toán không cần phải quẹt thẻ để truyền dữ liệu.

Tất nhiên, người dùng phải cài đặt thông tin thẻ thanh toán vào chiếc điện thoại Samsung trước đó. Điều này có thể được thực hiện đơn giản bằng cách chụp lại chiếc thẻ.

Thông báo trên website của Samsung Việt Nam cho biết, các ngân hàng liên kết với ứng dụng này bao gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, ABBank, Shinhan Bank. Ứng dụng này cũng được hỗ trợ bởi VISA, MasterCard và liên minh thẻ trong nước Napas.

Các thiết bị hỗ trợ Samsung Pay

Đây là dịch vụ thanh toán do Samsung phát triển từ tháng 8/2015 tại Hàn Quốc, sau khi mua lại công ty thanh toán di động LooPay. Dịch vụ này đã được giới thiệu tại Mỹ, Tây Ban Nha, Anh, Brazil, Úc, Singapore và Trung Quốc.

Trước đó Apple Pay và Androi Pay cũng đã xuất hiện trên thị trường thanh toán điện tử trên di động. Các ứng dụng này được kỳ vọng giúp người tiêu dùng sớm thoát khỏi cảnh mang theo một loạt thẻ nhựa trong ví nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn khi thanh toán.

Tuy vậy, một trong những vấn đề lớn của các ứng dụng này là phần đông người tiêu dùng chưa am tường về công nghệ. Ngoài ra, ứng dụng như Samsung Pay tập trung vào hỗ trợ mua sắm tại cửa hàng và chưa hỗ trợ thanh toán giao dịch trực tuyến trên ứng dụng.

Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam đặc biệt sôi động trong vài năm gần đây, bên cạnh 50 triệu thẻ ATM đang được sử dụng và một nền kinh tế ưa chuộng tiền mặt.

Một làn sóng đầu tư nước ngoài đã rót hàng trăm triệu USD vào các công ty thanh toán trung gian trong nước. Điển hình là UTC Investment (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần VNPT E – Pay, một công ty được định giá 38 triệu USD, quỹ đầu tư SCPE rót 25 triệu USD cho ví điện tử MoMo, ứng dụng Mobivi nhận đầu tư 20 triệu USD, trước đó, NTT Data đầu tư vào Payoo...

Chỉ trong vài năm, thị trường thanh toán trên di động ở Việt Nam đã hình thành với hàng loạt các ứng dụng, trong đó có sự tham gia của những công ty lớn như VNG (Zalo Pay).

Các ứng dụng của Samsung, Apple hay Android Pay có thể sẽ gặp phải khó khăn khi thói quen của người dùng đã được thiết lập. Điều mà họ đang gặp phải ở cá thị trường Châu Á khác như Trung Quốc, Australia…

Tuy vậy, tiềm năng tăng trưởng của dịch vụ thanh toán di động ở Việt Nam còn rất lớn. Năm ngoái, doanh số thương mại điện tử B2C đạt gần 5 tỷ USD nhưng 89% vẫn được thanh toán bằng tiền mặt.

Việt Nam gần đây có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử nhằm giảm sử dụng tiền mặt trong các thanh toán giữa cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ.

Một đề án cuối năm 2016 đã đặt ra các mục tiêu đến năm 2020: tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán sẽ giảm xuống dưới 10%, tất cả các siêu thị, trung tâm mua sắp có điểm thanh toán qua thẻ, 70% công dân từ 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, 70% các nhà cung cấp điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh tán hóa đơn không dùng tiền mặt và 50% cá nhân ở thành phố sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm tiêu dùng.