Sau Kido Foods, Dầu Tường An sẽ sáp nhập vào Kido

Trần Anh - 07:09, 28/05/2020

TheLEADERViệc sáp nhập các công ty con được ban lãnh đạo Tập đoàn Kido kỳ vọng khắc phục những tồn tại của doanh nghiệp sản xuất đơn lẻ với quy mô trung bình.

Công ty Dầu thực vật Tường An vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, trong đó có kế hoạch sáp nhập vào Tập đoàn Kido

Cùng với đó, HĐQT Công ty cũng trình kế hoạch chi cổ tức đặc biệt với tỷ lệ 75% bằng tiền mặt (tương ứng 7.500 đồng/ cổ phiếu).

Việc chi cổ tức đặc biệt sẽ thực hiện trước việc sáp nhập Tường An vào Tập đoàn Kido. Đại hội sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian chốt ngày chia cổ tức và thời gian chi cổ tức đặc biệt.

Năm 2019, Tường An ghi nhận hơn 136 tỷ lợi nhuận sau thuế, theo đó Công ty dự chia cổ tức 20% bằng tiền mặt (tổng chi gần 68 tỷ đồng). Ngày thực hiện nhằm ngày 29/6.

Năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.558 tỷ, lợi nhuận tương ứng đạt 193 tỷ đồng, tăng hơn 13%. HĐQT cũng trình phương án cổ tức 2020 với tỷ lệ 20%.

Tập đoàn Kido hiện nắm giữ trực tiếp 62% cổ phần của Tường An, hơn 26% cổ phần khác do Vocarimex sở hữu, đây cũng là một công ty con của Kido.

Trước đó, Kido Foods cũng công bố phương án sáp nhập vào Tập đoàn Kido. Theo phương đó, Tập đoàn Kido sẽ phát hành thêm 23 triệu cổ phần để hoán đổi hơn 17,76 triệu cổ phần phổ thông của Kido Foods, tỷ lệ hoán đổi 1:1,3 (1 cổ phiếu KDF đổi lấy được 1,3 cổ phiếu KDC). 

Sau hoán đổi, Kido Foods chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ sở hữu 100% vốn.

Việc sáp nhập các công ty con được ban lãnh đạo Tập đoàn Kido kỳ vọng khắc phục những tồn tại của doanh nghiệp sản xuất đơn lẻ với quy mô trung bình, đem lại lợi ích cho cổ đông thông qua hoán đổi thành cổ phiếu vốn hoá lớn và thanh khoản ổn định. Đây là vấn đề mà Kido nhận ra khi tách các mảng kinh doanh ra thành từng công ty riêng biệt.

Năm 2017 Tập đoàn Kido đã thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu của mình tại Kido Foods cho các nhà đầu tư bên ngoài để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 65%. Việc đại chúng hóa Kido Foods nhằm mục tiêu đa dạng cơ cấu cổ đông, thu hút nhà đầu tư chiến lược và dòng tiền trong, ngoài nước.

Tuy nhiên, sau ba năm hoạt động dưới loại hình công ty cổ phần và đăng ký giao dịch trên sàn Hà Nội, mục tiêu này vẫn chưa đạt kỳ vọng của ban lãnh đạo.

Trong giai đoạn 2017-2019, dù Kido Foods vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu ngành kem với thị phần tăng từ 38,1% (2016) lên 41,4% (2019) nhưng kết quả hoạt động kinh doanh có nhiều biến động mạnh. Như năm 2018, công ty kinh doanh không hiệu quả khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 27,4 tỷ đồng.

Việc tỷ lệ sở hữu của Kido tại công ty là 65%, cơ cấu cổ đông độc lập khiến tập đoàn mẹ không thể tập trung toàn lực hỗ trợ cũng như giúp công ty con này tận dụng triệt để các lợi thế về tài chính, quản trị và chiến lược của tập đoàn mẹ. Do đó, hội đồng quản trị xác định, việc sáp nhập Kido Foods vào Kido là hoàn toàn cần thiết.