Sau 'kỷ nguyên trà sữa', Đài Loan nhập cuộc ngành hàng mẹ và bé tại Việt Nam

Han Sovy - 08:05, 31/07/2018

TheLEADERTheo thống kê năm 2017 của Tổng cục Dân số, Việt Nam có khoảng hơn 1,3 triệu trẻ em chào đời, con số này đã mở ra cho ngành hàng mẹ và bé một thị trường đầy tiềm năng.

Sau 'kỷ nguyên trà sữa', Đài Loan nhập cuộc ngành hàng mẹ và bé tại Việt Nam
Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội lớn đối với doanh nghiệp Đài Loan trong lĩnh vực hàng tiêu dùng mẹ và bé

Điểm vàng của ngành hàng mẹ và bé

Tổng kết gần đây với 1.400 bà mẹ của chuyên kênh thông tin mẹ và bé – MarryBaby.vn cho thấy, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của bà mẹ Việt Nam tại các đô thị đang rơi vào điểm nóng với 75% được hỏi cho biết họ không ngại chi khoảng cho 10 triệu đồng/tháng cho việc chăm sóc trẻ nhỏ, số ít còn lại (48%) sẵn sàng chi 3-5 triệu đồng/tháng.

Trước nguồn cầu lớn, thói quen mua sắm của người tiêu dùng được ghi nhận đã có nhiều biến chuyển lớn, đi từ mô hình truyền thống là các chợ, siêu thị sang chuỗi bán hàng sản phẩm dành tiêng cho mẹ và bé một cách rõ rệt; trong đó, sự lên ngôi của hình thức chuỗi cửa hàng bán lẻ như Bibo Mart, Con Cưng (Concung.com), Soc&Brothers là một điển hình rõ nét.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường mẹ và bé trong những năm gần đây có lẽ là nguyên nhân lý giải sức hấp dẫn của thị trường này trước các nhà đầu tư ngoại. Trước đó, một số thương vụ rót vốn từ một số quỹ ngoại đã được ghi nhận như Kids Plaza với khoản đầu tư từ VI Group, Con Cưng nhận thêm vốn từ Daiwa-SSIAM II.

Ngoài ra, theo Nielsen, với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con sẽ ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng.

Tại các thị trường phát triển, nơi mà tỉ lệ sinh thấp và các loại sản phẩm chăm sóc em bé đang bão hòa, tăng trưởng sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới và cao cấp hóa sản phẩm, trong khi ở các thị trường đang phát triển, nhu cầu gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất.

Hàng tiêu dùng Đài Loan và tham vọng hậu “kỷ nguyên trà sữa”

Đài Loan không xa lạ với người tiêu dùng Việt, nhất là ở lĩnh vực F&B với hàng loạt thương hiệu trà sữa nhượng quyền nổi tiếng như Gong Cha, TenRen, The Alley… Thậm chí, ở mức độ nào đó, tính riêng doanh số trong năm 2017 từ các thương hiệu kể trên, nói Đài Loan đã tạo nên “đế chế trà sữa” tại Việt Nam là không hề sai.

Trước những thành công đáng kể của lĩnh vực thực phẩm, ngành hàng tiêu dùng Đài Loan cũng đang nỗ lực để hiện thực hóa “giấc mơ trà sữa” với việc tham gia, tổ chức hàng loạt các sự kiện xúc tiến thương mại trong nhiều năm trở lại đây như: Hội nghị giao lưu thương mại B2B Việt-Đài, Taiwan Expo… Bên cạnh đó, một số sản phẩm ‘Made-in-Taiwan’ gần đây cũng bắt đầu phổ biến hơn tại các cửa hàng tiện ích và siêu thị, nhận được phản ứng tích cực từ thị trường.

Riêng năm 2018, ngoài triển lãm Taiwan Expo 2018, Viện nghiên cứu phát triển thương nghiệp Đài Loan (CDRI) cũng đã bắn phát súng đầu tiên vào thị trường tiêu dùng mẹ và bé với Hội thảo chuyên sâu và kết nối kinh doanh ngành hàng dành cho mẹ và bé từ Đài Loan.

Theo nhận định từ ông Cung Vinh Nam - đại diện Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Loan tại Việt Nam, so với các mặt hàng đến từ Nhật Bản – vốn đang chiếm ưu thế về thị hiếu tiêu dùng, các sản phẩm Đài Loan không thua kém về chất lượng và mẫu mã. Thậm chí, do một số lợi thế về chính sách và chi phí vận chuyển, các mặt hàng Đài Loan còn có sức cạnh tranh về giá tốt hơn.

Sau vụ việc một nhà cung cấp sản phẩm mẹ và bé lớn tại Việt Nam - Concung - bị điều tra gắn mác giả trên sản phẩm gần đây, các bà mẹ Việt Nam càng quan tâm hơn đến việc mua sản phẩm chính hãng, đảm bảo an toàn cho con mình. Sự kiện Đài Loan tham gia vào thị trường ngành hàng mẹ và bé, không chỉ làm đa dạng hơn bức tranh thị phần vốn đã quen thuộc với sản phẩm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu mà còn đem lại sức cạnh tranh về giá so với nhóm hàng tiêu dùng qua đường xách tay, không thông qua các tổ chức kiểm soát chất lượng.

“Việc sử dụng sản phẩm chính hãng được xách tay về Việt Nam sẽ tăng nguy cơ hàng giả, hàng nhái. Chúng tôi cam kết đem đến những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ Đài Loan, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kiểm nghiệm của của Quatest 3 (Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3), gắn nhãn mác kiểm duyệt đến thị trường Việt” – ông Cung Vinh Nam chia sẻ thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Lê Thi – đại diện Quatest 3 khẳng định: “Các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam phải đảm bảo 02 giấy chứng nhận TCVN và QCVN, sau khi qua kiểm duyệt, được dán nhãn CR thì mới được đưa vào thị trường Việt Nam.”

Theo đó, đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em thì phải công nhận QCVN 03:2009/BKHCN bao gồm đạt chuẩn ISO và không chứa các chất formaldehyde, aromatic amines, phthalates,...

Đối với các sản phẩm làm từ cao su, nhựa tổng hợp, kim loại,... tiếp xúc trực tiếp với thức ăn thì phải có chứng nhận QCVN 12-1,2,3:2011/BYT. Đối với các sản phẩm làm từ gốm sứ, thủy tinh phải có chứng nhận QCVN 12-4:2015/BYT.