Sẽ xem xét điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia sau năm 2020

An Chi - 08:44, 01/06/2019

TheLEADERThứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, bộ sẽ xem xét để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đối với kỳ thi THPT quốc gia sau năm 2020.

Sẽ xem xét điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia sau năm 2020
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: VGP

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, liên quan đến những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, hiện bộ đã khởi tố ba vụ án ở Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình.

Cơ quan điều tra đã kết luận và đề nghị truy tố các bị can, xác định rõ hành vi như lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao để can thiệp, sửa chữa điểm thi để khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử theo quy định.

Về một số thông tin liên quan đến việc đưa, nhận tiền từ người nhà thí sinh cho các bị can hiện nay trong vụ án, ông Quang cho biết, cơ quan điều tra đang thu thập, đấu tranh để có thêm tài liệu, chứng cứ chứng minh thông tin về hoạt động đưa và nhận tiền.

"Hiện nay cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật để kết luận. Chúng tôi đang khẩn trương đấu tranh làm rõ để củng cố chứng cứ, khi có kết luận sẽ công bố thông tin công khai đến các phương tiện thông tin đại chúng", ông Quang nói.

Trước những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về hiệu quả của kỳ thi THPT quốc gia và đề nghị tách riêng thi đại học với thi tốt nghiệp, không nên tổ chức kỳ thi chung ở địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 44 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 29, Bộ Giáo dục xây dựng đề án cơ cấu đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là đổi mới thi cử. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, bộ đã xây dựng phương thức thi mới, trình Chính phủ và được Chính phủ phê duyệt.

Trước năm 2015, ngoài việc thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ phải thi ba kỳ thi nữa gồm thi đại học, cao đẳng ở các khối khác nhau. Việc tổ chức thi gây rất nhiều khó khăn cho phụ huynh học sinh. Vào những ngày thi, học sinh phải dồn từ các tỉnh về thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Chính vì vậy, việc đổi mới thi nhằm khắc phục những khó khăn, bảo đảm công bằng, giảm áp lực cho học sinh.

Ông Độ cho biết, Bộ Giáo dục và đào tạo đã cân nhắc các ý kiến. Trước hết, đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT là không được vì trái với Luật Giáo dục, do đó cần thiết phải tổ chức kỳ thi này.

Thứ hai, nếu tổ chức cả hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học sẽ rất vất vả cho các học sinh. Do đó, bộ đã đưa ra phương án không tổ chức thi đại học mà tổ chức một kỳ thi chung có tên là kỳ thi THPT quốc gia. 

Đây là kỳ thi “hai trong một”, vừa lấy kết quả làm căn cứ xét tốt nghiệp và cũng làm cơ sở cho các trường đại học có thể dựa vào đó để tuyển sinh. Mặt khác, theo Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được quyền tự chủ về tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm về việc triển khai công tác này. Do đó, việc tổ chức riêng kỳ thi đại học như trước là không phù hợp.

"Đề án về phương thức thi mới đã được phê duyệt và cho phép thực hiện đến năm 2020. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của nhân dân để sau 2020 có những điều chỉnh phù hợp thực tế hơn", ông Độ cho hay.

Sẽ tăng cường giám sát để tổ chức thành công kỳ thi THPT 2019

Giải trình về những tiêu cực, gian lận có tổ chức trong khâu chấm thi kỳ thi THPT năm 2018 tại một số địa phương gây bức xúc dư luận trước Quốc hội sáng 31/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về những tiêu cực này. 

Việc tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; khâu chấm thi ở một số địa phương còn nhiều tồn tại; công tác thanh kiểm tra, giám sát các khâu tổ chức thi của Bộ Giáo dục và đào tạo tại một số địa phương chưa sâu sát.

Về phía các địa phương, Bộ trưởng Nhạ chỉ rõ, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình theo phân cấp, còn để xảy ra sai phạm. Công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, thậm chí suy thoái biến chất, cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định cụ thể để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.

Để khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Nhạ cho biết, ngành giáo dục đã đề ra một số giải pháp cơ bản. Cụ thể, tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi và công an các địa phương được giao nhiệm vụ cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

Điều động các trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.

Đối với việc chấm bài thi tự luận do Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm hai vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra, bộ trưởng nhấn mạnh.